Thấy bị “trói” sao chưa tìm cách “mở”?!
Cùng suy ngẫm 15/11/2020 07:31
Đại biểu Quốc hội chất vấn Ảnh: Thư viện Quốc hội |
Các đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề họp Quốc hội
|
Hậu chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường, có nhiều người cao tuổi bàn luận, trao đổi cũng khá “nóng” về nhiều vấn đề, trong đó có việc của các cơ quan tố tụng: Thấy bị “trói” sao chưa tìm cách “mở”?! Đó là do không rút được hồ sơ ở Tòa, nên tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị tái thẩm, Giám đốc thẩm (GĐT) của TAND Tối cao và VKSND Tối cao còn thấp, không đạt chỉ tiêu QH giao?
Trong phiên chất vấn ngày 6/11, nhiều đại biểu cũng chất vấn việc tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị tái thẩm, GĐT của TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao còn thấp, không đạt chỉ tiêu QH giao.
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định “Nếu hồ sơ viện rút được, chúng tôi có thể đạt tỉ lệ theo yêu cầu của QH. Nhưng có những hồ sơ chúng tôi đề nghị rút nhiều lần vẫn không rút được thì chúng tôi cũng phải chấp nhận”.
Không đồng tình, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng nếu lấy lý do không rút được hồ sơ nên tỉ lệ giải quyết đơn kháng nghị tái thẩm, GĐT thấp là “chưa thấy hết trách nhiệm của viện”.
Trả lời, ông Trí nói hồ sơ nằm tại tòa, tòa không cho rút thì không làm được. “Tôi không có quyền to hơn chánh án, nên không thể nói trách nhiệm hay không trách nhiệm chỗ này” - ông Trí nói. Và ông Trí cũng thẳng thắn viện dẫn rằng, quá trình thụ lý giải quyết đơn đề nghị kháng nghị GĐT, tái thẩm, theo thông tư liên tịch giữa tòa và viện (đã có thời tiền nhiệm) là có ưu tiên cho tòa được rút hồ sơ.
Tuy nhiên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, việc không chuyển được hồ sơ không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị GĐT, tái thẩm cao hay thấp.
Và ông Bình cho biết năm 2020, ngành Tòa án nhận được 435 đơn yêu cầu chuyển hồ sơ của VKS. Phần lớn yêu cầu này tòa đã chuyển hồ sơ theo đúng quy định. Thừa nhận có một số chưa chuyển được hồ sơ nhưng ông Bình đặt vấn đề: “Nếu tòa án chuyển hết 435 yêu cầu này thì tình hình có được cải thiện hay không, vì 435 yêu cầu so với con số hơn 16.000 đơn yêu cầu GĐT là con số rất nhỏ, không đáng kể”. Trả lời câu hỏi vì sao một số trường hợp tòa án không chuyển được hồ sơ theo yêu cầu của VKS, ông Bình cho biết theo quy định, việc giải quyết đơn của dân phải trên cơ sở hồ sơ gốc, không được sử dụng hồ sơ phôtô. Trong khi đó, mỗi bản án chỉ có một bộ hồ sơ gốc nhưng có tám cơ quan giải quyết đơn GĐT (TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao; TAND Cấp cao, Viện KSND Cấp cao ở ba nơi là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh).
“Nếu hồ sơ Viện KSND Tối cao yêu cầu đang được Viện KSND Cấp cao thụ lý thì buộc phải chờ VKSND Cấp cao thụ lý xong mới có hồ sơ chuyển cho Viện KSND Tối cao. Thực tế cũng có một số trường hợp các tòa án không chuyển kịp hồ sơ, chúng tôi sẽ có kiểm điểm và có chấn chỉnh”, Chánh án TAND Tối cao cho hay.
Như vậy, nguyên nhân của việc “chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao” đã được thẳng thắn chỉ rõ. Nếu việc có thỏa thuận liên tịch mà làm chậm giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của cử tri, thì phải điều chỉnh; và truy nguyên quy định “mỗi bản án chỉ có một bộ hồ sơ gốc, nhưng có tám cơ quan giải quyết yêu cầu phải có bản gốc”, đang là vấn đề đặt ra. Sao đã thấy bị “trói” sao chưa tìm cách “mở”?