Tập trung giải quyết dứt điểm khiếu kiện đông người tại xã Đông Á
Pháp luật - Bạn đọc 11/09/2023 17:28
Thì ra, việc tụ tập đông người xã Đông Á tới các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương phản đối xây dựng Nhà máy xử lý rác trên địa bàn từng gây dư chấn trong dư luận xã hội vừa qua cũng chỉ là cái cớ. Thực ra, theo nội dung các đơn thư tố cáo đều tập trung phản ánh tình trạng vi phạm Quy chế dân chủ trầm trọng của chính quyền cơ sở, có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm minh.
Theo nội dung Kết luận thanh tra cho thấy các đơn thư tố cáo của công dân đều tập trung vào các nhóm vấn đề về quản lý đất đai, quản lý tài chính và lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi cá nhân. Trong 4 nhóm vấn đề nội dung các đơn tố cáo nêu thì ba nhóm vấn đề công dân tố cáo là đúng, có cơ sở xác định. Còn một vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiện tượng nhưng chưa đủ cơ sở để kết luận.
Quang cảnh trước buổi đối thoại của Chủ tịch UBND tỉnh với các công dân khiếu kiện tại Nhà văn hóa xã Đông Á |
Quá trình thanh tra, UBND huyện Đông Hưng đã xác định UBND xã Đông Á đã buông lỏng quản lý, thao túng cho một số công chức và quản trang lộng hành bán đất nghĩa trang, xây dựng mồ mả trái quy định. Trách nhiệm trước hết thuộc về ông Phí Đức Vui, Chủ tich UBND xã cùng các công chức Nhâm Văn Toàn, Nhâm thị Thu Trang, Lê Văn Luy và các quản trang Nhâm Đức Hòa, Nhâm Văn Toàn trong việc thu tiền của dân nhưng không nộp quỹ quản lý nghĩa trang của xã. Việc để ngoài sổ sách kế toán tài sản của đơn vị, thu tiền của các hộ gia đình nhưng không nộp quỹ của xã, chi tiền quản lý nghĩa trang không có căn cứ pháp lý, thủ tục GPMB, không có hồ sơ khối lượng công việc,… Các hành vi trên có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Cơ quan Thanh tra huyện đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra Công an huyện để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong vụ việc quản lý bãi rác lộ thiên, Kết luận thanh tra đã xác định ông Bùi Đức Vui, Chủ tịch UBND xã cho ông Lê Văn Trường thực hiện san lấp rác nhưng không có hợp đồng và được sử dụng đất thừa tại bãi rác đem bán để thanh toán vào san lấp là vi phạm Điều 64 Quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường, Điều 82 Luật Khoáng sản, Nghị định 35/2015, ngày 13/ 04/ 2015 về quản lý đất trồng lúa của Chính phủ. Việc buông lỏng quản lý không có hợp đồng, không xác định vị trí khối lượng, để cho ông Trường khai thác, bán đất gây thất thoát tài nguyên, tài sản lớn của nhà nước nêu trên trách nhiệm người đứng đầu là ông Phí Đức Vui, Chủ tịch UBND xã, người trực tiếp là ông Lê Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã cùng công chức địa chính Lê Văn Luy và công chức xây dựng-giao thông Phạm Ngọc Vụ. Để làm rõ hành vi có vụ lợi hay không, Thanh tra huyện đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra Công an huyện để xác minh, xử lý theo quy định.
Đối với vụ việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm giả nội dung trong Tờ trình số 02, ngày 19/1/2021 của UBND xã trình kỳ họp thứ 11 HĐND xã Đông Á, khóa XX có 3 văn bản đều ghi cùng ngày 19/1/2021, đều do ông Phí Đức Vui, Chủ tịch UBND ký nhưng nội dung đều khác nhau ? Trong đó có 2 bản ( thêm thắt, giả mạo) có nội dung trình xây dựng Nhà máy xử lý rác trên địa bàn. Sai phạm đó lại được ông Phí Hồng Sơn, Chủ tịch HĐND xã làm khống văn bản đề ngày 20/8/2020 báo cáo kỳ họp thứ 10 HĐND xã Đông Á, khóa XX; trong khi đó, HĐND xã đã họp kỳ họp thứ 10 trước đó 1tháng vào ngày 22/7/2020 ? Việc làm này có dấu hiệu vi phạm pháp luật “Giả mạo trong công tác” và tiềm ẩn khuất tất lợi ích nhóm, song chưa xác định được động cơ vụ lợi hay mạo danh cá nhân của ông Phí Đức Vui và ông Phí Hồng Sơn. Do vậy, Thanh tra huyện đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra Công an huyện xác minh làm rõ, để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thông qua Kết luận thanh tra, rõ ràng những bức xúc, tố cáo của công dân xã Đông Á là có cơ sở. Tuy nhiên không vì thế mà kích động lôi kéo đông người tới các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương gây phản cảm, mất ổn định an ninh xã hội. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng vụ việc khiếu kiện đông người ở xã Đông Á đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đó cũng là căn nguyên nảy sinh vụ lợi, tham nhũng như tình trạng ở xã Đông Á và đang có dấu hiệu manh nha ở một số địa phương cần được chấn chỉnh kịp thời. Nếu mọi việc minh bạch, công khai “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì việc xây dựng Nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn đâu có trở thành nguyên cớ khiếu kiện đông người như ở xã Đông Á. Bởi lẽ, trong thời đại văn minh, mọi người dân đều nhận thức đầy đủ rằng đảm bảo vệ sinh môi trường là sự cần thiết. Đến mỗi gia đình cũng đều có sự đổi thay hệ thổng xử lý để đảm bảo môi trường vệ sinh. Nhiều hộ gia đình nông dân ở Thái Bình đã có phòng vệ sinh ngay trong phòng ngủ. Điều thiết yếu người dân quan tâm là công nghệ xử lý rác thải có đảm bảo môi trường sinh hoạt hay không. Nếu thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ, công khai hóa công nghệ xử lý rác thải để mọi người dân giám sát, tạo nên sự đồng thuận của nhân dân, tin rằng việc xây dựng Nhà máy xử lý rác thải ở xã Đông Á không còn là vấn đề nan giải!
Với những giải pháp tập trung và quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đông Hưng đã nhanh chóng xác minh, làm rõ những sai phạm của một số cán bộ công chức của xã Đông Á, bước đầu đã tạo được niềm tin trong các tầng lớp nhân dân và dư luận xã hội. Đó cũng là ý thức chấp hành nghiêm chỉ đạo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận tại cuộc đối thoại trực tiếp với các công dân khiếu kiện ở xã Đông Á vừa qua, góp phần sớm trả lại sự bình yên cho một vùng quê đang trên đà phát triển.