Bình Thuận: Công nhận bảo vật quốc gia đối với Linga vàng và khai mạc Lễ hội Katê
Tin tức - Sự kiện 02/10/2024 17:22
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Vân hóa- Thể thao và Du lịch phát biểu tại Lễ hội |
Theo ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận: Linga vàng được tìm thấy trong đợt khai quật khảo cổ tại khuôn viên Khu di tích tháp Chăm Po Dam (thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong) để phục vụ công tác trùng tu, phục hồi một số hạng mục kiến trúc của di tích. Năm 2023, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã triển khai xây dựng Hồ sơ hiện vật Linga vàng tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận bảo vật quốc gia theo quy định.
Ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch đọc quyết định công nhận |
Ngày 18/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết đinh số 73/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia đợt 12 - năm 2023. Trong số 29 bảo vật quốc gia được công nhận đợt này, có Linga vàng tỉnh Bình Thuận. Đây là niềm vinh dự, tự hào của người dân tỉnh Bình Thuận, khi lần đầu tiên địa phương có hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Bảo vật quốc gia Linga vàng Bình Thuận được coi là hiện vật độc nhất vô nhị, độc đáo, quý hiếm được phát hiện đến thời điểm hiện nay ở Việt Nam, có niên đại khoảng thế kỷ VIII - IX, có trọng lượng 78,36 gram. Qua phân tích thành phần hợp kim đúc Linga thì tỷ lệ vàng rồng chiếm 90,4%, 9,6% còn lại là bạc và đồng. Đây là loại hình Linga làm bằng kim loại vàng quý hiếm trong văn hóa Chăm.
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và du lịch cho biết thêm: Đặc biệt, đợt khai quật khảo cổ tại di tích tháp Po Dam lần này đã phát hiện Linga vàng và nhiều hiện vật khác có giá trị như: bệ yoni, bàn nghiền;các loại nhạc khí như: chuông, chũm choẹ, lục lạc; nhẫn mưta, gương đồng, rìu, giáo; cùng mộtsố lượng lớn ngói lợp và nhiều di vật gốm vỡ ra từ các loại vật dụng như bình, hũ, tô, chén, đĩa, nồi,… góp phần khẳng định thêm giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng thờ sinh thực khí của người Chăm tại di tích tháp Po Dam.
Phần Khai mạc Lễ hội Ka tê với những nghi thức quan trọng nhất là lễ nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư. Dưới sự điều hành của các chức sắc tôn giáo, lễ rước y trang của Nữ thần diễn ra rất nghiêm trang . Tiếp theo là các nghi thức của phần lễ như: mở cửa tháp chính, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục, đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính… Phần hội diễn ra rộn ràng với các trò chơi dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống của dân tộc Chăm như: trang trí Thôn- la; làm bánh gừng, hát múa trên cụm tháp Chăm...Lễ hội Katê năm nay diễn ra trong 2 ngày - 1 và 2/10, đã thu hút khá đông khách du lịch và người dân địa phương tham gia.
Ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho những cá nhân có thành tích xuất sắc |
Đây là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Balamôn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng thuận lợi. Lễ hội phản ánh sâu sắc những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng người Chăm. Với ý nghĩa văn hóa - lịch sử quan trọng, lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia.
Tiết mục văn nghệ tại lễ hội Katê năm 2024 |