Tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm nếp sống văn minh
Nhịp sống văn hóa 20/04/2021 15:50
Tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội, không phù hợp với truyền thống văn hóa… là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội hiện nay.
Ảnh minh họa |
Tăng cường công tác kiểm tra
Mùa lễ hội năm 2021 là mùa thứ hai các lễ hội đã phải tạm dừng tổ chức bởi đại dịch Covid-19. Bộ VH-TT&DL ngay từ đầu mùa đã có định hướng và giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lí. Công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội cũng có những điểm mới, trong đó có các nội dung như tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dừng tổ chức các lễ hội và công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các điểm di tích, lễ hội…
Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ, sâu rộng nên ý thức tự giác và tính chủ động của người dân trong phòng, chống dịch bệnh được nâng cao. Thời gian qua, Bộ VH-TT&DL chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi; tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã... Công tác thanh, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động lễ hội, Bộ VH-TT&DL đã có những công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch, triển khai quy trình phòng, chống dịch trong hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ VH-TT&DL.
Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội phải xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn phòng, chống dịch cho du khách, người tham gia các hoạt động lễ hội. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19; yêu cầu nhân dân thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế tại các di tích, địa điểm tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí nghiêm việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Ảnh minh họa |
Tăng mức xử phạt
Ngay từ đầu năm 2021, Bộ VH-TT&DL đã ban hành kế hoạch tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Bên cạnh nội dung tuyên truyền nét đẹp văn hóa, kế hoạch cũng nhấn mạnh những giải pháp đẩy lùi hiện tượng phản cảm trong văn hóa ứng xử, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội…
Nghị định 38/2021/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã đưa ra các quy định xử phạt hành vi vi phạm về tổ chức lễ hội. Đây là nội dung được cơ quan quản lí và các địa phương đặc biệt quan tâm. Tại Mục 3, Điều 14 Nghị định nêu rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500 ngàn đồng đối với các hành vi: Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định; nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam. Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đồng đối với hành vi không báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình.
Các hành vi như không thành lập Ban tổ chức lễ hội theo quy định; bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích; không tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh hoặc bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác; không thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ảnh của người tham gia lễ hội sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
Hành vi lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi; Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam; Ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lễ hội theo quy định phải thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không thông báo; tổ chức lễ hội không đúng với nội dung đã đăng kí hoặc nội dung đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đặc biệt, phạt tiền từ 15-20 triệu đồng, gồm: Tổ chức lễ hội theo quy định phải đăng ký mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tổ chức lễ hội truyền thống không đúng với bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa; thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; không tạm dừng tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tổ chức hoạt động mê tín dị đoan…