Sự nguy hại của “Hội chứng tâm lí đám đông”
Nghiên cứu - Trao đổi 12/04/2023 10:04
Lớn lên, tôi càng thấy rằng, có nhiều thứ con người ta chỉ đơn thuần nghĩ theo và làm theo người khác mà không hề đắn đo, cân nhắc, cũng chẳng cần kiểm chứng gì. Người ta gọi đó là tâm lí đám đông.
Chị gái tôi có 2 cô con gái nhỏ, đứa đang lớp 1, đứa học mẫu giáo lớn. Ngày nào đi học, chúng cũng bắt mẹ mua cho những thứ quà vặt này khác chỉ vì trên lớp chúng thấy các bạn cũng được như thế. Về đến nhà, chúng lại mải mê bên chiếc điện thoại, vi tính. Thấy các bạn quanh xóm chơi trò gì chúng cũng chơi theo và thế là chẳng mấy chốc chúng có thể chơi được rất nhiều trò chơi trên mạng đến say sưa, quên cả ăn cả ngủ.
Ảnh minh hoạ |
Thời nay, các thầy cô, các bậc phụ huynh cũng như toàn xã hội không khỏi bàng hoàng, lo lắng trước những vụ bạo lực học đường liên tục xảy ra khi thì nơi này, lúc thì lại ở chỗ khác. Người phạm tội là các học sinh THCS, THPT. Có những học sinh cá biệt, thích gây gổ đã đành nhưng cũng có những em vốn hiền lành, chăm ngoan, vì bị rủ rê, bị kích động trước đám đông mà cũng tham gia đánh hội đồng, gây ra hậu quả thương tâm đối với bạn. Đó còn chưa nói đến chuyện các em đua đòi theo mốt này mốt nọ mà không cần quan tâm điều đó có phù hợp với lứa tuổi, văn hóa, thẩm mĩ hay hoàn cảnh gia đình của mình hay không.
Những năm trước đây, khi thi dại học, cao đẳng còn phân theo trường, theo cụm, tôi thấy nhiều học sinh khăn gói đi thi chỉ vì nhóm bạn của mình cùng thi chỗ đó. Bây giờ, việc chọn trường đại học, cao đẳng để xét tuyển sau khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông với nhiều em cũng vậy. Định hướng nghề nghiệp với các em đôi khi là nghe bạn nói hay người này người khác nói. Và rồi các em có thể sẵn sàng bỏ trường đại học mình đã chọn để nộp hồ sơ xét tuyển vào học một trường khác, chỉ vì bạn của mình cũng làm như thế! Thậm chí khi vào học rồi, nhiều sinh viên vẫn còn “đứng núi này trông núi nọ”, chỉ cần có ai đó nói “học ngành này sau này khó xin việc lắm” là chán nản, bỏ bê việc học, để thi ngành khác “ngon” hơn.
Các bậc phụ huynh chạy theo tâm lí đám đông là một thực tế khá phổ biến hiện nay. Dường như ai cũng có tâm lí sợ, cảm thấy xấu hổ khi con mình có thành tích học tập kém hơn con bạn. Và thế là mỗi lần bước vào năm học mới, các trường điểm, lớp chọn lại nóng lên chuyện chạy trường, chạy lớp rồi bắt con học cả ngày cả đêm, học cả trong năm lẫn khi nghỉ Hè, học các môn văn hóa cùng rất nhiều môn năng khiếu, học chính và học phụ đạo trên trường cùng với học kèm tại nhà,… Các bậc làm cha làm mẹ cứ đua nhau làm thế mà không cần biết rằng con em mình có đủ sức học và có hứng thú học hay không.
Một ngày đi trên đường, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một người đã dừng xe trước đèn đỏ nhưng lại đi ngay chỉ vì họ nghĩ có một vài người vừa vượt qua đèn đỏ được thì mình cũng làm được như thế. Hay như dễ thấy nhất là khi có một vụ tai nạn giao thông trên đường. Vụ tai nạn vừa mới xảy ra là có vô số người dừng xe lại chạy đến, thậm chí chen lấn nhau để nhìn, để biết như thế nào dù họ không giúp gì vì sợ phiền phức.
Nói đến đây, bỗng nhiên nhiều tình cảnh trớ trêu xuất phát từ tâm lí đám đông lại hiện ra trước mắt tôi. Nào là cảnh một số người dân tham lam “hôi của” mà các xe tải chở hàng không may bị đánh rơi, hay bị sự cố lật đổ ra đường từng xảy ra mấy năm trước đây, khi người dân đổ xô nhặt, vơ vét đồ rơi mặc cho tài xế khóc lóc, van xin. Rồi nữa, trước đây mọi người đua nhau nuôi lợn để rồi lợn rớt giá dẫn đến thua lỗ, phá sản. Hay như những vụ cả làng, cả xóm đánh người, đốt xe chỉ vì nghi là bắt cóc trẻ con. Hay như những năm gần đây, tại nhiều nơi người nông dân cứ thấy loại trái cây, nông sản nào có giá là đua nhau trồng để rồi tới lúc cung vượt cầu, giá rớt thảm hại lại phải chặt bỏ đi…
Tôi cứ mải miết suy nghĩ và hình dung ra rằng, tâm lí đám đông như một sợi dây vô hình, nếu chúng ta không luôn tự ý thức về bản thân mình, không có sự suy xét, kiểm chứng mọi việc thì rất có thể ta sẽ bị đám đông lôi kéo, hấp dẫn lúc nào chẳng hay. Ta nghĩ theo, làm theo người khác và cũng có nghĩa là ta đã đánh mất bản thân mình!