Sắp xếp đơn vị hành chính Nhà nước là việc làm rất cần thiết
Nghiên cứu - Trao đổi 20/07/2024 08:41
Theo số liệu lưu trữ quốc gia (tính đến 10/5/2024), cả nước có 10.597 đơn vị cấp xã, trong đó có 1.786 phường, 619 thị trấn và 8.192 xã. Còn cấp huyện có 705 đơn vị, trong đó có 1 thành phố trực thuộc Trung ương, 82 thành phố thuộc tỉnh, 51 thị xã, 46 quận và 525 huyện. Vậy tính bình quân mỗi huyện có trên 15 đơn vị cấp xã, còn mỗi tỉnh có trên 11 đơn vị cấp huyện. Riêng cấp tỉnh có 63 đơn vị. So với nhiều quốc gia, trong đó có quốc gia trên 1 tỉ dân nhưng họ cũng chỉ có trên 30 tỉnh, thành phố, đặc khu. Bởi, kinh nghiệm thực tế cho thấy càng nhiều đơn vị hành chính, nhất là cấp trung gian thì càng khó quản lí. Nhất là phải đầu tư nhiều ngân sách chi cho xây dựng công sở, hạ tầng cơ sở, trả lương cho cán bộ, công chức viên chức (CCVC), mua sắm các phương tiện, tài liệu, lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, CCVC…
Đơn vị hành chính được phân cấp tại Việt Nam |
Do đó để thiết lập mô hình bộ máy và cán bộ hành chính Nhà nước các cấp sao cho khoa học, hợp lí bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả mà ít tốn kém đó là vấn đề rất quan trọng, rất cần thiết phải nghiên cứu để thực hiện. Mọi trì trệ, bảo thủ, quan liêu, thờ ơ… đều là khuyết điểm vì không mang lại lợi ích gì! Nên hiểu đúng để ủng hộ việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp của Nhà nước. để tiến hành thì các cơ quan chuyên môn phải giúp lãnh đạo các cấp căn cứ vào quy chế dân chủ ở cơ sở là: “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Rồi với những tiêu chí cơ bản như: Dân số, diện tích, trình độ quản lí của cán bộ, trình độ dân trí, phong tục tập quán, tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, giao thông liên lạc, khả năng phát triển mọi mặt, không chỉ trước mắt mà hàng thế kỉ sau vẫn không lạc hậu, lỗi thời…
Mặt khác hiện nay có những ý kiến cho rằng: “Trước đây bảo tách ra là hợp lí nay lại bảo nhập vào là hợp lí” thì cần giải thích rõ lí do bởi trước đây nhất là cán bộ cơ sở không có điều kiện đào tạo bồi dưỡng nhiều về chuyên môn nghiệp vụ, mà chủ yếu là trách nhiệm đảng viên, đoàn viên, hội viên ra làm việc theo kiểu: “Cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Mà cơm nhà lúc ấy không đủ ăn. Việc đi lại rất khó khăn, hầu hết đường sá nhỏ hẹp, thậm chí lầy lội. Cán bộ nào gia đình khá giả mới có chiếc xe đạp “cọc cạch” để đi lại, còn hầu hết là đi bộ đến nơi làm việc, đã thế nhiều nơi làm việc không có trụ sở, phải nhờ vào đình chùa hoặc cơ sở nào đó của HTX, thậm chí nhà dân. Hoặc muốn nắm tình hình gì thì phải đi xe đạp hoặc đi bộ đến đó, mà địa dư rất rộng, dân cư ở phân tán… Nhất là tình hình an ninh, trật tự không ổn định: Trộm cắp, cướp giật thậm chí xảy ra ban ngày, không chỉ trong thôn xóm, bản làng mà ngoài đồng về mùa vụ: Lúa, ngô, khoai, sắn… thường bị mất mát, mặc dù nhiều nơi có tổ chức tuần tra canh gác nhưng vẫn không ổn! Vì thế tách nhỏ để quản lí là hợp lí… Nhưng đến nay, ngay cán bộ cơ sở đều là CCVC Nhà nước có khung bậc lương hằng tháng, lại được lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng có bằng cấp đại học, cao đẳng hoặc tương đương nên trình độ am hiểu pháp luật, trình độ quản lí Nhà nước (kể cả tin học, ngoại ngữ) đã khác xa trước đây. Hoặc công sở, hạ tầng cơ sở đều khang trang; giao thông liên lạc rất thuận lợi vì hầu hết đường sá rộng lớn được trải apphan hoặc bê tông… Thậm chí ngồi trong phòng cần gì chỉ bấm điện thoại là biết được. Hầu hết cán bộ, CCVC đến công sở đã có ô tô riêng (tối thiểu cũng là xe máy). Mặt khác lại có công an chính quy về địa phương nên an ninh trật tự được ổn định, thông tin đại chúng được phát triển, trình độ dân trí đã thay đổi nhiều. Các ngành nghề, nhất là công nghiệp phát triển nhanh nên lao động kể cả lao động phổ thông cũng có việc làm do đó đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên khá cao…
Vậy sáp nhập đơn vị hành chính, nhất là cấp xã, cấp huyện càng tạo nên điều kiện để phát triển mọi mặt, đó là yêu cầu khách quan hiện nay. Riêng cấp xã đã và đang là cấp trung gian thì tin rằng đến lúc nào đó Nhà nước phải tính: Hoặc cứ để như hiện nay (là không ổn). Hoặc giữa cấp xã và cấp huyện hoà thành một cấp, còn dưới đó là cấp cơ sở (theo đúng nghĩa). Tất nhiên lúc ấy phải có sự điều chỉnh của Hiến pháp (đạo luật gốc) thì cũng chẳng có gì khó khăn, bởi pháp luật là do con người đặt ra, không phải trời ban! Do đó việc sáp nhập đơn vị hành chính các cấp là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta!