Phục hồi di tích lịch sử cầu Cố Cụ, rất cần những tấm lòng thơm thảo của con em Xuân Tường
Đời sống 15/01/2024 13:35
Sự tích cầu Cố Cụ và cầu Dê ở làng Thượng Thọ xã Xuân Tường
Làng Thượng Thọ ngày xưa gọi là Kẻ Rắt thuộc xã Hoa Lâm, huyện Nam Đường (nay là xóm Trường Xuân, xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Vào năm 1600, đời vua Lê Kính Tông, hiệu Thuận Đức, ông tổ họ Nguyễn Phùng là Nguyễn Bính Nghĩa từ Hải Dương chạy loạn vào xứ Kẻ Rắt cùng với ông bạn họ Trần xây dựng nên làng xóm. Đến đời vua Minh Mệnh (1820 -1840) trong làng có ông lão thọ 100 tuổi, được nhà vua ban biểu " Bách tuế thọ dân" nhân đó mới đặt tên làng Thượng Thọ (1833) và cái tên làng Thượng Thọ tồn tại cho đến ngày nay.
Cầu Cố Cụ được làm thủ công bằng đá tự nhiên nguyên khối vào đầu thế kỷ XVIII |
Đời thứ 7, dòng họ Nguyễn Phùng có cụ Khuông, chính tên là Nguyễn Quốc Hiển. Cụ Khuông có rể đậu Phó Bảng cho nên mới gọi là Cụ. Cụ là người làm ăn có kế hoạch, chú trọng về mặt chăn nuôi và canh tác. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa nước, cụ đã xuất vốn đắp con đường Cầu Hóp để giữ nước thủy lợi. Chỗ dòng nước chảy qua, Cụ bắc cái cầu đá vững chắc. Mặt cầu là một phiến đá lớn dài 5 mét, rộng 2 mét, đẽo hình cánh cung. Những phiến đá làm trụ cầu và mố cầu đều to và dày. Dưới chân cầu có những phiến đá bằng phẳng để ngồi tắm. Truyền rằng khi kéo những phiến đá khổng lồ nặng hàng chục tấn từ núi Động Kiêng về làm cầu, Cố Cụ đã nhờ đến nhân dân cả Tổng Xuân Lâm, có hàng nghìn người làm hàng tháng. Cơm nấu từng nống xối đầy,cá thịt kho từng bung đặt giữa cánh đồng Chùa Bãi, ai muốn ăn khi nào thì ăn, " Cố Cụ kéo đá bắc cầu / Cơm mười nống xối, cá mười nồi bung". Cầu bắc xong nhân dân cả hai thôn Xuân Tường và Thượng Thọ đi lại thuận tiện. Để nhớ công đức của Cụ nhân dân gọi Cầu Hóp là cầu Cố Cụ. Cầu Cố Cụ nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ngoài trồng dâu nuôi tằm, Cụ còn vận động nhân dân nuôi dê. Cụ bảo "Bần giả, dưỡng dương". Nghèo thì nên nuôi dê, ít vốn mà sinh lời nhiều, thức ăn không hiếm. Cụ nuôi đến hàng trăm con dê, để làm đường cho dê vào núi kiếm ăn,Cụ thuê người xẻ gỗ bắc một chiếc cầu lim qua khe Mọi cho nên mới gọi là cầu Dê. Dê của Cụ đông đến nỗi " Cầu Dê nước chảy lờ đờ / Đợi dê qua hét chợ trưa mất rồi".
Cố Cụ có bàn tay cực kỳ khéo léo, đặc biệt Cụ vẽ rất tài, cảnh vật đẹp như in. Cụ vẽ mẫu chạm trổ cho nhà thờ nào là Lưỡng Long Triều nguyệt, Tùng, Lộc, Mai, Điểu, cành mai bướm lượn … Cụ vẽ trong một ngày, đàm thợ mộc chạm, lộng hai năm chưa xong. Ngôi nhà thờ làm xong, họ này sợ nhà vua phạt về tội chạm trổ phạm thượng nên đã cúng cho làng làm quán thờ Thánh.
Làm đường vào Cầu Cố Cụ. |
Ngày nay, Cầu Cố Cụ nằm cạnh đường Hồ Chí Minh về quê Bác, Cầu Dê nằm trên quốc lộ 46 thuộc địa phận xã Xuân Tường, còn Quán thờ Thánh nay không còn nữa.
Con em Xuân Tường đang chung tay làm đường và phục hồi di tích cầu cố cụ
Làng Thượng Thọ nói riêng, xã Xuân Tường nói chung nay đã đổi thay, trở thành một vùng quê đáng sống với nền Nông nghiệp sinh thái, Nông thôn hiện đại, Nông dân văn minh. Xã Xuân Tường đã đạt chuẩn Nông thôn mới đang phấn đấu tiến tới đạt xã Nông thôn mới nâng cao. Làng Thượng Thọ lại càng nổi tiếng hơn bởi có người con gái Miền Tây xinh đẹp, yêu quê Xuân Tường trở về khởi nghiệp làm nên Thương hiệu Rượu Nếp cái Hoa Vàng thơm ngon lừng danh khắp cả nước. Có Công ty Hòa Ngọc của Doanh nhân Nguyễn Phùng Hòa - Kinh doanh luôn lấy Uy tín tạo nên Thương hiệu. Ngày nay để Xuân Tường trở thành một vùng quê đáng sống, thành điểm nhấn trên chặng đường du lịch đến với Đảo Chè, để con em Xuân Tường luôn tự hào về những di tích lịch sử trên quê hương Xô viết anh hùng. Năm 2012 UBND huyện Thanh Chương đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để làm đường mới và cầu đi qua Cầu Cố Cụ, tuy nhiên cầu thì đã làm xong còn đường không làm nên "lợi bất cập hại", Cầu Cố Cụ trở thành "ốc đảo" nằm độc lập giữa vùng bàu nước mênh mông.Trong mấy ngày qua, con em dòng họ Nguyễn Phùng nói riêng, một số người dân Xuân Tường nói chung đã chung tay làm đường, phục hồi lại di tích Cầu Cố Cụ để di tích thêm linh thiêng, thuận lợi cho du khách đến tham quan. Việc làm trên rất cần sự chung tay góp sức của nhân dân Xuân Tường trên mọi miền Tổ quốc.
Theo lộ trình và xu thế đi lên của thời đại, dự kiến thời gian tới Xuân Tường sẽ sát nhập với địa phương khác thành đơn vị mới. Hòa nhập nhưng không hòa tan, sát nhập để phát triển nhưng không vì thế mà mất đi những giá trị văn hóa và lịch sử vốn có của quê hương . Rồi mai đây cái tên Xuân Tường sẽ không còn trong đơn vị hành chính cấp xã nhưng người dân Xuân Tường vẫn luôn tự hào mình là Người Xuân Tường ngàn năm văn hiến. Tuy mang tên đơn vị hành chính mới những những địa danh như Chợ Da, đền Trường Lĩnh, Đình Thượng Thọ, Cầu Cố Cụ, Cầu Dê… mãi mãi là niềm tự hào, là địa danh lịch sử trường tồn của người dân Xuân Tường trên mọi miền Tổ quốc. Mai đây du khách về với Thanh Chương đến thăm Đảo Chè đi trên đường Hồ Chí Minh về quê Bác ghé thăm làng Thượng Thọ, thưởng thức Rượu nếp cái Hoa Vàng , nhâm nhi món đặc sản Cơm nếp sấy dăm bông- Đặc sản của làng Thượng Thọ lừng danh xứ Nghệ không quên ghé thăm Cầu Cố Cụ - Một di tích lịch sử có một không hai mảnh đất Xuân Tường ngàn năm văn hiến.
Mọi sự ủng hộ làm đường vào Cầu Cố Cụ, xin gửi về ông Nguyễn Phùng Trà ,Trưởng ban vận động qua số tài khoản: 3615205554188 Ngân hàng AGRIBANK. Số ĐT:0982046721