Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 120 năm năm sinh đồng chí Lê Xuân Đào
Tin tức 16/02/2023 08:53
Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra ngày 24/3/2023, tại Nhà Văn hóa xã Long Xá huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; để Tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp to lớn, quan trọng của đồng chí Lê Xuân Đào đối với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, với quê hương Hưng Nguyên; giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng; qua đó góp phần tăng thêm lòng tự hào cho bà con Hưng Nguyên về truyền thống cách mạng của quê hương.
Thông qua các hoạt động kỷ niệm góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong toàn huyện ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ban Thường vụ Huyện ủy Hưng Nguyên chỉ đạo: Các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm 120 năm Năm sinh đồng chí Lê Xuân Đào cần đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, đúng quy định; góp phần cổ vũ, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trong toàn huyện, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đồng chí Lê Xuân Đào húy là Lê Mạnh Thân, tên thường gọi là Chắt Lũ, sinh năm Quý Mão (1903) trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Phù Xá, tổng Phù Long nay là xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ Lê Xuân Đào đã nổi tiếng thông minh, nhanh nhen, học giỏi. Sau khi học xong bậc Sơ học ở trường Pháp - việt ở Tổng, Lê Xuân Đào được bố mẹ cho xuống Vinh theo học lớp Nhì trường Tiểu hoc Pháp - Việt. Năm 1918 mẹ ông là bà Hoàng Thị Chí qua đời, ít tháng sau cha ông cũng mất. Lê Mạnh Thân đã phải bỏ dỡ việc học, tiếp tục nghề chống bè thuê của cha để kiềm tiền nuôi 4 người em. Vào khoảng cuối tháng 9 Âm lịch năm 1923, Lê Mạnh Thân tiếp bước con đường của thế hệ đàn anh xuất dương sang Trại Cày của Đặng Thúc Hứa ở Thái Lan với thẻ căn cước mang tên Lê Xuân Đào. Sau một thời gian được học tập và huấn luyện tại đây, Lê Xuân Đào được tổ chức cử về Nghệ Tĩnh để cùng gây dựng cơ sở cách mạng, ông tham gia Đảng Tân Việt. Sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), hệ thống tổ chức Đảng ở Nghệ Tĩnh cũng nhanh chóng được thành lập. Tháng 4/1930, Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Tôn Gia Tinh về bắt liên lạc với đồng chí Lê Xuân Đào thành lập Chi bộ Trúc - Lam - Giang, gồm có 3 người: Lê Xuân Đào, Nguyễn Hữu Nhượng, Nguyễn Thị Phia. Từ đây phong trào cách mạng ở Hưng Nguyên phát triển mạnh mẽ mà điển hình là cuộc biểu tình lịch sử ngày 12/9/1930. Tháng 10/1930, Phủ ủy lâm thời Hưng Nguyên được thành lập do Lê Xuân Đào làm Bí thư. Ngày 6/9/1930, đồng chí đã chủ trì hội nghị các Chi bộ, có đại diện Tỉnh ủy về chỉ đạo, bàn kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình lịch sử ngày 12/9/1930. Sau cuộc biểu tình ấy, giặc Pháp thực hiện chính sách khủng bố trắng hết sức tàn bạo. Tháng 1/1931, đồng chí Lê Xuân Đào được cấp trên điều bổ sung vào ban lãnh đạo Tỉnh ủy Nghệ An, rồi Trưởng ban Tài chính Xứ ủy Trung kỳ. Với tác phong nhanh nhẹn và mưu trí, đồng chí đã có nhiều đóng góp cho cách mạng. Vào khoảng giữa năm 1931, các cơ sở Đảng bị địch khủng bố vô cùng dã man, để tránh thiệt hại và bảo toàn lực lượng nòng cốt, Tỉnh ủy Nghệ An chủ trương rút lui vào các rừng núi hoạt động. Trong hoàn cảnh khó khăn, bị lùng sục nhưng đồng chí Lê Xuân Đào không hề nao núng, đồng chí luôn là chỗ dựa vững chắc cho các đồng chí Tỉnh uỷ. Ngày 21/3/1932, Lê Xuân Đào về xuôi để dự Hội nghị do Xứ ủy triệu tập, họp tại làng Đồng (nay thuộc xã Kim Liên). Vì có kẻ phản bội, Tri phủ Hưng Nguyên cho lính vây bắt, Lê Xuân Đào anh dũng hy sinh lúc 2h ngày 25/3/1932. Trong một bức thư gửi Quốc tế Nông dân ngày 5/11/1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Hiện nay ở một số Làng Đỏ, Xô-Viết nông dân đã được thành lập”. Xô - Viết nông dân là một hình thức chính quyền ở nông thôn trên cơ sở liên minh-công nông-binh dưới sự lãnh đạo của một chính đảng cách mạng: Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó làm tiền đề cho công cuộc xây dựng chính quyền Dân chủ nhân dân và những con người như Lê Xuân Đào đã là hạt nhân xây dựng nên các Xô-Viết nông dân ngày ấy. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí đã trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ học tập và noi theo. |
Chùa Kẻ Trẹ, di tích lịch sử nơi đồng chí Lê Xuân Đào anh dũng hy sinh lúc 2 giờ ngày 25/3/1932 |