Đừng vội vàng trong ứng xử với quá khứ
Bất động sản 13/04/2022 11:04
Trên bức tường của dãy nhà phía mặt đường giao cắt Nguyễn Thái Học - Lê Trực có một bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ. Chính tại địa điểm này, bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào đúng ngày 19-5-1967.
Điều đáng nói, đây cũng không phải lần đầu tiên một công trình có giá trị kiến trúc, lịch sử bị phá dỡ để nhường chỗ cho những công trình, dự án hiện đại. Nhiều công trình hơn trăm năm tuổi, tuy chưa được kiểm kê, đưa vào Danh mục Di tích lịch sử - Danh thắng ở các địa phương, nhưng rõ ràng giá trị lịch sử, kiến trúc là không thể phủ nhận.
Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề khó khăn trong bối cảnh đô thị hóa ở mọi quốc gia và ứng xử như thế nào với những di sản chưa có danh hiệu này là bài toán không dễ giải.
Di sản chưa có danh hiệu
Hãy bắt đầu từ câu chuyện cây cầu Long Biên. Cây cầu hơn 100 năm nối hai bờ sông Hồng.
Cây cầu từng chứng kiến những bước chân cuối cùng của quân đội Pháp rút khỏi Hà Nội xuống Hải Phòng để lên tàu về nước.
Cầu Long Biên cũng là nơi diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt của các chiến sỹ phòng không Hà Nội. Nó đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử Thủ đô suốt hơn 100 năm qua, chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ.
Cầu Long Biên trước khi được xác định là một di tích lịch sử cũng từng bị đề nghị phá dỡ như một công trình giao thông. |
Cầu Long Biên đã trở thành chứng nhân lịch sử, dấu tích văn hóa lịch sử đặc biệt về sự đấu tranh của người dân Thủ đô.
Thế nhưng, đã có một thời kỳ (cách đây hơn chục năm), câu chuyện di dời cây cầu được đặt ra với tư duy của những người chỉ coi cây cầu đơn thuần là một công trình giao thông. Thời điểm ấy, nếu không có sự lên tiếng của dư luận, các nhà nghiên cứu và người yêu di sản, số phận cây cầu lịch sử không biết đi về đâu.
Cách đây hơn 5 năm (2017), câu chuyện dỡ bỏ Nhà máy kẽm Quảng Yên (Quảng Ninh) cũng khiến dư luận bức xúc.
Nhà máy kẽm Quảng Yên do người Pháp xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20. Thời điểm cách đây 5 năm, chỉ còn lại hai ống khói, một khung nhà xưởng và hai bể nước treo. Công trình ống khói được đánh giá là công trình kiến trúc kỳ vĩ.
Khi sang làm việc ở Bảo tàng Công nghiệp Oberhausen (CHLB Đức), Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á (thời điểm đó) cho các chuyên gia Đức xem các tấm hình giới thiệu về nhà máy kẽm Quảng Yên và họ trầm trồ xuýt xoa: “Hóa ra chiến tranh thế giới II tàn phá nhà máy kẽm cổ ở Oberhausen còn nặng hơn so với gì đã diễn ra với nhà máy kẽm ở Quảng Yên. Chúng ta đang rất may mắn còn lại một di sản kiến trúc công nghiệp mang tầm quốc tế và khu vực. Hãy nên nâng niu và thận trọng với quyết định phá dỡ di sản này!".
Thế nhưng, di sản này nằm trên “đất vàng” nên câu chuyện dỡ bỏ để nhường cho các công trình hiện đại cũng được đặt ra.
May mắn thay, cũng nhờ tiếng nói của dư luận và các nhà khoa học với mong mỏi “giữ nhà máy kẽm Quảng Yên như một di sản”, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn yêu cầu UBND thị xã Quảng Yên chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xác định phạm vi, ranh giới để khoanh vùng bảo vệ di tích; đề xuất phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi, nhằm bảo tồn nguyên trạng chứng tích lịch sử, phát huy giá trị di tích để giáo dục truyền thống và xây dựng thành điểm tham quan du lịch.
Tương tự, câu chuyện ứng xử với những di sản chưa có danh hiệu lại tiếp tục “nóng” khi dư luận xôn xao việc "xóa sổ" công trình kiến trúc cổ gần 130 năm tuổi mà người dân TP. Hồ Chí Minh quen gọi là Dinh Thượng Thơ.
Công trình số 59-61 Lý Tự Trọng (Q.1) từng là Dinh Thượng Thơ vốn được sử dụng làm trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Công thương TP Hồ Chí Minh được đề xuất đập bỏ để nhường chỗ cho công trình mới.
Khi vấp phải ý kiến không đồng thuận của dư luận, một lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh còn khẳng định, “công trình này không nằm trong danh mục kiểm kê di tích của ngành văn hóa thể thao. Chỉ cần trong danh sách, dù chưa được kiểm kê cũng sẽ được đối xử như di tích. Nhưng nó không có trong danh mục nên bước đầu không đưa vào bảo tồn”.
Tuy nhiên, sau sự lên tiếng của công luận, UBND TP Hồ Chí Minh đã lấy ý kiến nhân dân và đồng thuận phương án bảo tồn, cải tạo Dinh Thượng Thơ thành Nhà truyền thống UBND TP Hồ Chí Minh.
Nhưng không phải công trình nào cũng may mắn như Cầu Long Biên, Nhà máy kẽm Quảng Yên hay Dinh Thượng Thơ. Nhiều công trình đã bị phá dỡ trước khi được dư luận biết đến và lên tiếng bảo vệ.
Dinh Thượng Thơ nay đã trở thành nhà truyền thống của UBND TP Hồ Chí Minh. |
Chỉ mới cách đây hai năm, câu chuyện Trạm phát sóng Bạch Mai có lịch sử xây dựng và hoạt động hơn 100 năm với rất nhiều thăng trầm bị phá bỏ cũng khiến dư luận xót xa.
Ngôi biệt thự 128C Đại La (Hà Nội) được xây dựng từ năm 1912. Công trình là chứng tích cho những sự kiện hào hùng thời khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ vào ngày 7-9-1945, cũng là nơi đánh dấu những bước phát triển đầu tiên của ngành viễn thông vô tuyến dân sự ở Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.
Sở dĩ căn biệt thự bị phá bỏ để phục vụ dự án đường trên cao Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở.
Sau đó, nhờ sự lên tiếng của dư luận, các cơ quan liên quan đã làm việc, thống nhất lập hồ sơ, triển khai các thủ tục công nhận công trình Trạm phát thanh 1 tầng thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai 128C Đại La là di tích lịch sử cách mạng kháng chiến.
Nhưng một phần lớn của công trình này đã bị phá bỏ hoàn toàn không cách nào khôi phục lại được.
Đồng thuận để gìn giữ, bảo tồn
Công trình 61 Trần Phú đang bị phá dỡ gây tranh cãi. |
Trở lại với công trình 61 Trần Phú, cũng giống như trường hơp công trình Dinh Thượng Thơ, theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, tòa nhà Pháp cổ ở 61 Trần Phú không phải công trình kiến trúc cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Công trình này không nằm trong “Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa".
Tuy nhiên, trước sự lên tiếng của dư luận và các bộ, ngành liên quan, ngày 6-4, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu dừng thi công ở công trình này đồng thời yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội và Quận ủy Ba Đình kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có) tại công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú.
Tuy nhiên, phương án nào để bảo tồn công trình có kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử mới là vấn đề cần quan tâm. Bởi vì được biết, trước khi có quyết định dừng thi công của Bí thư Thành ủy Hà Nội, phía bên trong công trình đã bị phá bỏ gần xong.
"Công trình Pháp cổ 4 mặt tiền số 61 Trần Phú bị dừng lại là đúng nhưng việc phá dỡ quá đáng tiếc. Bây giờ đã rất nham nhở, lẽ ra trước đó những người có trách nhiệm nên xem xét cân nhắc, nhất là việc công khai tham khảo ý kiến các ban ngành và người dân, vì đây là một chứng tích rất quan trọng", một cụ ông sống trên phố Lê Trực chia sẻ. "Ngay đầu ngã tư Lê Trực giao Nguyễn Thái Học có bức phù điêu nhắc nhở người dân không quên bộ đội dân quân tự vệ Thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào đúng ngày 19-5-1967. Nếu bị phá đi thì thật là đáng tiếc"- người dân ở khu vực này bày tỏ sự tiếc nuối.
Đừng vội vàng trong ứng xử với di sản
Có một điểm chung của các di sản bị tháo dỡ này, đó đều là những công trình chưa được xếp hạng di tích. Dẫu vậy, các đề xuất phá bỏ những công trình ấy chỉ dừng lại khi có những phản ứng từ dư luận.
Trạm phát sóng Bạch Mai sau khi bị phá dỡ. |
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, theo tinh thần Luật Di sản Việt Nam các di sản trên đều thuộc loại di sản cần được xếp hạng và bảo vệ.
Thứ nhất, đó là những công trình kiến trúc có hàng trăm năm tuổi.
Thứ hai, mỗi công trình đều là đại diện cho một thời điểm lịch sử nhất định.
Theo kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng, chuyên gia kiến trúc đô thị cho rằng, việc phá dỡ tòa nhà Pháp cổ để xây mới bằng tòa cao ốc khác là một điều đáng tiếc và có phần "vội vàng".
"Hà Nội không phải là một đô thị mới, Hà Nội là thành phố nghìn năm văn hiến, thành phố lịch sử, thành phố văn hóa. Hà Nội cần phát triển nhưng chúng ta không đánh đổi sự phát triển bằng mọi giá”- KTS Phạm Thanh Tùng nói. Theo ông, kiến trúc có tính kế thừa và phát triển.
Không thể đặt một tòa nhà cao ốc hiện đại, đồ sộ chưa kể mờ nhạt về kiến trúc, lạc lõng với cảnh quan chình ình ngay giữa nội đô, trung tâm thành phố.
"Hãy học hỏi các nước trên thế giới, nhiều công trình họ xây dựng mới nhưng được nghiên cứu rất kỹ để phù hợp với cảnh quan, văn hóa, lịch sử của vùng đất đó. Điển hình như công trình Kim tự tháp tại bảo tàng Louvre - biểu tượng của Paris, được đánh giá là "kiệt tác" kiến trúc đương đại. Tôi cho rằng phương án tốt nhất lúc này là nên thực hiện một cuộc thi tuyển kiến trúc, lấy ý kiến cộng đồng ngay"- KTS Trần Thanh Tùng nhấn mạnh.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, mỗi công trình kiến trúc thời Pháp thuộc mang trong mình một giá trị lịch sử văn hóa nhất định.
Kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội đầu thế kỉ 20 vốn được ca tụng là thành phố đẹp nhất vùng Viễn Đông.
“Cần bảo tồn lựa chọn những gì thực sự là tinh hoa, tiêu biểu thì giữ lại, đặc biệt là các kiến trúc cấu thành Hà Nội hôm nay thì cần giữ cho được, tôn tạo cho được như: Trường Đại học Tổng hợp, Viện Paster, Bảo tàng Lịch sử… Thành phố cần lập ra một quỹ, một danh mục công trình có giá trị đối với lịch sử thành phố chứ không thể di tích hóa tất cả. Tôi nghĩ muốn giữ gìn di sản kiến trúc Pháp đó là điều bắt buộc nhưng phải có tư duy thực tế, tư duy tháo gỡ và tìm lại những gì mang tính khả thi. Muốn bảo tồn cần có tư duy chiến lược, tức là chọn ra, phân loại cái gì thực sự là cốt yếu, tinh hoa, cái gì giữ và vì sao, cuối cùng là có giữ được hay không…”- GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho biết.
Cũng theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, để bảo tồn và phát huy các giá trị kiến trúc Pháp tại Hà Nội điều tiên quyết cần phải có là một chính sách rất rõ ràng, kèm theo đó là sự đầu tư bài bản có chiều sâu, không vội vàng mà phải chắc chắn.