Phong trào NCT làm kinh tế giỏi phát triển đa dạng và hiệu quả
NCT làm kinh tế giỏi 20/07/2023 10:28
Báo cáo của Hội NCT huyện cho biết: Toàn huyện có 22 cơ sở Hội, 293 chi hội với 13.672 hội viên, hơn 7.500 NCT trực tiếp sản xuất kinh doanh, 257 hội viên đạt tiêu chuẩn “NCT làm kinh tế giỏi“ các cấp, 105 NCT là chủ trang trại, cơ sở sản xuất. Nhóm đạt mức thu nhập từ 200 đến dưới 300 triệu đồng/năm có 202 người, nhóm đạt từ 300 triệu đến dưới 1 tỉ đồng/năm có 45 người, nhóm đạt từ 1 - 35 tỉ đồng/năm có 10 người.
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, NCT tăng cường ứng dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ cao, sử dụng các loại giống mới năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Có 32 trang trại do NCT làm chủ, thu nhập mỗi năm 500 triệu đồng trở lên, tiêu biểu là các hội viên: Lò Văn Chồm (bản Tong Chinh, xã Chiềng Ban); Lường Văn Tiển, Hoàng Văn Bán, Lò Văn Chu, Cầm Văn Toan, Lò Văn Ươm, Hà Văn Cươm, Cầm Văn Mắn (xã Chiềng Chung)... Đặc biệt có 1 HTX do hội viên Hoàng Văn Chất làm Giám đốc trồng 32ha cam, bưởi, nuôi 200 con bò sinh sản đạt tiêu chuẩn ViêtGap. Năm 2022, HTX đạt doanh thu 35 tỉ đồng, tạo việc làm cho 60 lao động thường xuyên, 100 lao động thời vụ với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hộ NCT trồng mía thu nhập trên 200 triệu đồng/năm trở lên như các hội viên: Lò Văn Nhạc, Lò Văn May, Lò Văn Việt (bản Hua Tát); Phạm Trọng Bình (tiểu khu Thống Nhất, xã Cò Nòi)...
Người cao tuổi làm kinh tế giỏi được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen. |
Hội NCT các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và Nhân dân xây dựng các vùng cây ăn quả (nhãn, xoài, na). Nhiều hộ NCT mỗi năm thu hoạch đạt 200 triệu đồng trở lên như: Nguyễn Minh Đức (tiểu khu Bình Minh); Phạm Thị Bình, Lò Văn Doi (tiểu khu Thống Nhất); Lò Văn Nọi, Phạm Văn Chật, Lò Văn Thái (bản Nhạp); Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Nga (tiểu khu Quyết Thắng, xã Cò Nòi); Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Bá Tân (bản Nà Cang), Phạm Bá Viễn (thôn Tiền Phong, xã Hát Lót)... Cây ngô được NCT chú trọng đầu tư sản xuất ở các xã Chiềng Sung, Cò Nòi, Chiềng Lương, Mường Bon, Mường Bằng… và có gần 30 hộ đạt mức thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên.
Về chăn nuôi, các hộ NCT: Trần Huy Đáp (bản Hoa Sơn, Chiềng Mai); Trần Thị Thơm (HTX 3, Chiềng Ban), có thu nhập cao từ nuôi lợn; Tòng Văn Toàn (bản Ỏ, xã Mường Bon) có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm từ nuôi bò nhốt và nuôi lợn; Tòng Văn Hặc (xã Mường Bon) thu nhập trên 300 triệu đồng/năm từ nuôi cá kết hợp chăn nuôi gia súc và dịch vụ câu cá. Ông Phạm Quang Hành (tiểu khu Bình Minh, xã Cò Nòi) nuôi ong cũng đem lại thu nhập trên 250 triệu đồng/năm…
Nhiều NCT kết hợp sản xuất với kinh doanh dịch vụ, như các ông: Tòng Văn Nút (bản Có Tình, Chiềng Kheo), Hà Văn Hòa, Lò Văn Phọng (bản Dè, Chiềng Dong), Hoàng Văn Dung (xã Cò Nòi)… mở thêm dịch vụ vận tải ô tô có thu nhập từ 700 triệu đến 1,2 tỉ đồng/năm. Dịch vụ cày máy của ông Nguyễn Văn Hùng (tiểu khu 11- TT Hát Lót) cho thu nhâp 500 triệu đồng/năm. Dịch vụ sửa chữa ô tô của ông Nguyễn Công Phú (tiểu khu 20- thị trấn Hát Lót) tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 công nhân, có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Gia đình bà Đỗ Thị Hưởng (Cò Nòi) kinh doanh sắt thép thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm. Các bà Trần Thị Tấm, Trịnh Thị Hoa (Chiềng Sung) mở dịch vụ ăn uống, kinh doanh tạp hóa kết hợp sản xuất, thu nhập 250 triệu đồng/năm...
Nhiều NCT vẫn giữ được nghề truyền thống như đan lát mây tre (xã Chiềng Chung), dệt thổ cẩm, sản xuất và sửa chữa nông cụ, rèn, mộc, sản xuất vật liệu xây dựng, tiêu biểu như: Ông Lò Văn Phọng (bản Dè, xã Chiềng Dong) sản xuất gạch ngói cho thu nhập 1,1 tỉ đồng/năm; ông Sùng A Lộng (xã Phiêng Cằm) rèn dao, cuốc thu nhập mỗi năm 50 triệu đồng, đem lại mức sống khá cho gia đình…
Từ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, NCT đã đóng góp tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới với 5.660 triệu đồng, 26.500 ngày công, hiến 14.300m2 đất để xây dựng các công trình công cộng; trồng trên 173 nghìn cây xanh góp phần bảo vệ môi trường. Thực hiện Tháng hành động vì NCT, toàn huyện thăm hỏi, tặng quà 1.815 lượt NCT hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 363 triệu đồng. Các Hội NCT cơ sở tích cực ủng hộ Quỹ Khuyến học, ủng hộ người nghèo, đồng bào vùng bị thiên tai…
Hội nghị nhất trí phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2023-2028 là: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua "Tuổi cao - Gương sáng”, đoàn kết giúp nhau làm giàu chính đáng góp phần phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phấn đấu thực hiện mục tiêu: Nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên NCT về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng ý chí vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, phấn đấu có nhiều NCT giàu có, không còn hộ NCT nghèo và tái nghèo.
Khuyến khích đầu tư ứng dụng khoa học kĩ thuật trên phạm vi rộng, các trang trại có diện tích lớn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Mở rộng các mô hình NCT làm kinh tế giỏi ở các xã vùng cao biên giới và vùng kinh tế sông Đà để thoát nghèo.
Gắn phong trào NCT làm kinh tế giỏi với việc củng cố xây dựng tổ chức Hội NCT ngày càng vững mạnh, tăng cường tư vấn, dịch vụ hỗ trợ dạy nghề cho hội viên NCT.