Phát huy và trọng dụng trí thức cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
Nghiên cứu - Trao đổi 12/04/2024 09:04
Đặt vấn đề
Nhìn lại lịch sử nước nhà, có thể khẳng định rằng, dù trong bất kì thời đại nào, NCT nước ta vẫn luôn là rường cột gia đình, dòng tộc, xã hội, noi gương sáng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Bởi vì, NCT là một tầng lớp xã hội đặc biệt, ở họ có sự hội tụ nhiều nhân tố quan trọng đủ sức lan tỏa xã hội: Trí tuệ, ý chí, nghị lực, văn hóa. Trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là xu hướng già hóa dân số nhanh, thì NCT thực sự là nguồn lực quan trọng, vốn quý của xã hội, góp phần đáng kể vào phát triển bền vững đất nước, hiện thực hóa khát vọng dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Do vậy, việc đổi mới tư duy chiến lược đối với NCT, ban hành chính sách hữu hiệu nhằm phát huy tối đa trí tuệ, tâm huyết, tinh thần đổi mới sáng tạo, tiên phong trong khoa học là một yêu cầu tất yếu.
I. Khái quát về vị trí, vai trò trí thức cao tuổi trong đội ngũ trí thức Việt Nam
1. Trí thức NCT chiếm tỉ lệ đáng kể trong tương quan đội ngũ trí thức nước nhà:
So với 15 năm trước, trí thức Việt Nam đã tăng nhanh về số lượng, chất lượng được nâng lên; số trí thức có trình độ cao, có năng lực ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới nhiều hơn; trí thức năng động, sáng tạo, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực, ở nhiều khu vực, tổ chức; giữ gìn, phát huy, sáng tạo các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật chất lượng cao; tích cực tham gia phát triển, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, số người có trình độ từ đại học trở lên tham gia thị trường lao động đã tăng nhanh so với giai đoạn trước: Năm 2009 có khoảng 2,7 triệu người (5,5%); năm 2013 có khoảng 3,7 triệu người (7%); năm 2018 có khoảng 5,26 triệu người (hơn 9,5%); năm 2021 có khoảng 6,2 triệu người, tỉ lệ trên thị trường lao động (11,7%). Đội ngũ trí thức của các ngành, lĩnh vực đã tăng lên nhanh chóng, trình độ, năng lực đã được nâng lên.
Phó Chủ tịch Trương Xuân Cừ. |
Theo nhóm tuổi: Có sự thay đổi trong phân bố trí thức theo các nhóm tuổi từ năm 2009 đến năm 2019. Năm 2009, trí thức trình độ đại học chính quy có 1,98 triệu người chiếm 51% trí thức có trình độ đại học, trong đó nhóm tuổi từ 30-49 có khoảng 1,37 triệu trí thức chiếm 35%, nhóm 50 tuổi trở lên chỉ chiếm 13,6%. Đến năm 2019, trí thức có trình độ đại học chính quy vào nhóm tuổi trung niên 30-49 với 3,3 triệu người và chiếm 52% trí thức có trình độ đại học. Đối với trình độ thạc sĩ, năm 2009 trí thức có trình độ thạc sĩ tập trung ở độ tuổi 30-49 với khoảng 76,2 nghìn người chiếm 55%, đến năm 2019 trí thức có trình độ thạc sĩ trong độ tuổi này cũng tăng lên khoảng 280 nghìn người và chiếm 72,5% trí thức có trình độ thạc sĩ. Đối với nhóm trí thức là tiến sĩ đã có sự trẻ hóa về độ tuổi, năm 2009 nhóm trí thức là tiến sĩ tập trung ở độ tuổi trên 50 với 14,8 nghìn tiến sĩ (chiếm 50%), thì đến năm 2019 nhóm tuổi 30-49 đã chiếm ưu thế hơn với 23,6 nghìn tiến sĩ, chiếm khoảng 53,3% tổng trí thức có trình độ tiến sĩ.
2. Trí thức NCT đại diện cho tinh hoa trí tuệ dân tộc, đặt nền tảng cho khoa học Việt Nam thời hiện đại:
Những trí thức có học vị là tiến sĩ chiếm một tỉ lệ lớn, một bộ phận trong số họ có thể đảm nhận công việc quản lí, lãnh đạo trong hệ thống chính trị, song về cơ bản họ là lực lượng nghiên cứu, đào tạo trên các lĩnh vực khoa học. Khi hết tuổi quản lí, họ còn dành nhiều hơn thời gian cho khoa học, như vậy đây là nguồn vào cho lớp trí thức tinh hoa, dần đi vào tầng lớp những trí thức cao tuổi (từ 60 - 80 tuổi); nếu tính tuổi hưu trí thì trí thức cao tuổi còn 15 - 20 năm có thể tiếp tục cống hiến cho khoa học nước nhà. Khi nói về số lượng trí thức tinh hoa gắn với độ tuổi, thì cũng cần phải nói đến chất lượng đội ngũ trí thức tinh hoa dân tộc. Nhìn lại tất cả các cuộc vinh danh, tôn vinh trí thức, các nhà khoa học trong gần 40 năm đổi mới, đều cho thấy: Những trí thức, khoa học, văn nghệ sĩ được vinh danh, tôn vinh, nhận các danh hiệu cao quý của Nhà nước, của các tổ chức quốc tế hầu như đều ở lứa tuổi từ 60-80.
Có thể kể đến những điển hình của trí thức Việt Nam thuộc thế hệ NCT đã có nhiều cống hiến cho khoa học nước nhà trong suốt chiều dài cách mạng có Đảng lãnh đạo, như:
- Trong lĩnh vực khoa học cơ bản, có những người đặt nền móng cho Toán học Việt Nam hiện đại, như: GS. Hoàng Xuân Hãn, GS. Lê Văn Thiêm, GS. Hoàng Tụy, GS. Bùi Trọng Liễu, GS. Dương Hồng Phong, GS. Đặng Đình Áng, GS. Hà Huy Khoái, GS. Ngô Việt Trung, GS. Đào Trọng Thi,…
Viện Toán học Việt Nam được xem là sơ sở nghiên cứu và đào tạo tài năng toán học có nhiều thành tựu ở bậc sau đại học của nước ta. Đây là một viện hàng đầu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba công nhận là một trong 10 trung tâm xuất sắc của các nước đang phát triển. Hiếm có cơ sở nghiên cứu khoa học nào ở nước ta có một đội ngũ hùng hậu các nhà khoa học trình độ cao, phần lớn là những người tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học lớn tại châu Âu và Mỹ. Trong lĩnh vực Vật lí, phải kể đến GS. Trần Thanh Vân, Việt kiều tại Pháp đã tận tâm, tận lực vì khoa học nước nhà, ông đã dành thời gian, công sức, tiền của cống hiến cho khoa học tự nhiên. Một “phát minh” mang lại sự hội tụ trí tuệ và lan tỏa xã hội chính là sự ra đời của tổ chức Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam) do GS Trần Thanh Vân làm Chủ tịch. Kể từ khi được biết đến lần đầu tiên năm 1993 cho tới nay, tổ chức Gặp gỡ Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trên cả hai địa hạt là khoa học và giáo dục cho đất nước. Trong hai thập kỉ qua, GS. Trần Thanh Vân đã tổ chức thành công 12 lần Gặp gỡ Việt Nam tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), thu hút hàng trăm nhà vật lí nổi tiếng đến thông báo và tranh luận về những kết quả mới nhất trong vật lí hạt và vật lí thiên văn, trong đó có nhiều GS đoạt giải thưởng Nobel về vật lí. Những cuộc gặp gỡ này đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng vật lí quốc tế và tạo ra những điều kiện hết sức thuận lợi để các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận được những thành tựu nghiên cứu đỉnh cao và những xu hướng nghiên cứu mới đang được quan tâm của chuyên ngành. Từ năm 2001 tới nay, tổ chức Gặp gỡ Việt Nam còn trao các suất Học bổng Vallet với mục đích khuyến học, khuyến tài cho hàng chục nghìn học sinh, sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc trên cả nước với số học bổng lên tới hơn 120 tỉ đồng. Học bổng Vallet hiện là quỹ học bổng tư nhân lớn nhất tại Việt Nam. Cùng với các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, ở trong nước, một số nhà khoa học đầu đàn ưu tú nhất trên cả hai địa hạt khoa học tự nhiên và xã hội cũng đã có được những công trình nghiên cứu giá trị, chẳng những gây được ảnh hưởng lớn trong giới chuyên môn mà còn có khả năng tạo ra những nhánh mới của chuyên ngành. Có thể kể tới những tên tuổi sáng giá như GS. Hoàng Tụy trong lĩnh vực Toán học, GS. Nguyễn Văn Đạo trong lĩnh vực học, GS. Nguyễn Tài Cẩn trong lĩnh vực Ngôn ngữ học hay GS. Hà Văn Tấn trong lĩnh vực Sử học.
- Trong lĩnh vực Y học: Ngay từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có nhiều thầy thuốc ưu tú đạt trình độ quốc tế như các GS: Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Trần Hữu Tước…, họ không chỉ là những nhà khoa học đơn thuần cống hiến vì Y học mà quan trọng hơn họ đã đem hết trí tuệ và tâm huyết để góp phần làm rạng danh con người và dân tộc Việt Nam, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, phụng sự Tổ quốc, Nhân dân. Chính họ đã đặt nền móng cho việc đào tạo các bác sĩ giỏi sau này cho đất nước. Lớp học trò của họ với nhiều cá nhân xuất sắc như các GS. Nguyễn Huy Phan, Nguyễn Dương Quang, Tôn Thất Bách, Đặng Hanh Đệ, Nguyễn Văn Vân, Nguyễn Lân Việt,... vẫn tiếp bước các tiền bối của mình, tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo các nhà Y học trẻ; góp phần đáng kể hình thành nên một đội ngũ thầy thuốc giỏi và nhà Y học ưu tú cho ngành Y tế Việt Nam.
- Lĩnh vực văn học, nghệ thuật: Nhờ tài năng và tâm huyết của các nhà hoạt động âm nhạc Việt Nam đương đại như Nguyễn Vĩnh Bảo, Trần Văn Khê, Nguyễn Thuyết Phong..., nhiều loại hình âm nhạc truyền thống không chỉ được “đánh thức” và nuôi dưỡng mà còn tìm lại được vị thế xứng đáng của mình trong nền văn hóa dân tộc và thế giới. Trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, các nhà văn hóa lớn như Nguyễn Khắc Viện, Hữu Ngọc,… đã đảm đương tốt vai trò là người lưu giữ những di sản quý báu của các danh nhân cũng như những giá trị tinh thần và đạo đức của dân tộc và là cầu nối để giới thiệu vẻ đẹp của nền văn hóa Việt Nam ra thế giới. Họ chính là những người đi đầu trong hoạt động ngoại giao văn hóa, làm cho bạn bè quốc tế thêm hiểu và thêm yêu những sắc thái văn hóa tinh thần độc đáo của dân tộc Việt Nam. Đạo diễn Trần Văn Thủy, Đặng Nhật Minh và các nhà văn như Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường,… là những tác giả đã cống hiến nhiều tác phẩm quan trọng, có ý nghĩa như những hồi chuông cảnh tỉnh để định hướng cho xã hội, thể hiện sự nâng niu, trân trọng con người và niềm hi vọng vào tương lai, vào những điều nhân bản và tốt đẹp. Từ đó, hình thành nên khuynh hướng nhận thức lại hiện thực trong đời sống văn học - nghệ thuật thời kì đổi mới, có tác dụng thúc đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa xã hội ở Việt Nam.
Nếu có cơ chế, chính sách phù hợp thì chẳng những không gây lãng phí chất xám mà còn phát huy được tối đa nguồn lực chất xám của trí thức NCT Việt Nam trong thời kì mới. Điều này hoàn toàn đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về sự lựa chọn đột phá: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
II. Phát huy vai trò nguồn lực quan trọng, quý báu của trí thức NCT trong thời đại số, phát triển xanh, phát triển đất nước bền vững và hội nhập quốc tế thành công
1. Vai trò của trí thức NCT trong lĩnh vực kinh tế:
Đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lí gì” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2011, tập 4, tr 64). Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập, tự do, hạnh phúc là những giá trị phổ quát mà cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng phải đạt được, đó mới thực sự là sự giải phóng con người triệt để. Độc lập về lãnh thổ, độc lập về chính trị, độc lập về kinh tế, độc lập về văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, như thế là một nước có tự chủ. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, nếu quốc gia nào để lệ thuộc về kinh tế bởi nước ngoài, thì ắt sẽ lệ thuộc về chính trị. Cho nên, trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam, tất yếu phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nhưng phải có độ mở cao để thích ứng và hội nhập kinh tế thế giới. Sự phát triển kinh tế tự chủ của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới đã đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực, thiếu dự trữ quốc gia, lạm phát tới hơn 700%, trở thành một nước tự cân đối lương thực, xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, giữ được cân đối vĩ mô kinh tế, được nhiều tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam là một nền kinh tế năng động, điểm sáng tăng trưởng trong bối cảnh đứt gãy, sụt giảm kinh tế bởi tác động của đại dịch Covid-19. Đây là điểm tựa nâng cao vị thế đất nước, tôn tạo tiền đồ dân tộc, tạo tiền đề quan trọng cho việc giữ quyền tự chủ đổi mới chính trị và nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Đóng góp vào thành tựu chung qua gần 40 năm đổi mới đất nước, không thể không nhắc tới công sức, tâm huyết của đội ngũ trí thức Việt Nam với khoảng 6,2 triệu người (tính đến năm 2021). Đội ngũ trí thức Việt Nam với những trí thức NCT đều là gạo cội, chủ chốt, đầu ngành trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phục vụ đắc lực cho quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế.
Tại Hội nghị biểu dương các điển hình tiêu biểu NCT làm kinh tế giỏi toàn quốc lần thứ IV, giai đoạn 2018-2023, cả nước hiện có khoảng 7 triệu NCT đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực kinh tế của đất nước. Họ thuộc lớp người trải qua thời kì kinh tế bao cấp và trực tiếp chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với vốn kinh nghiệm cũ, rào cản cơ chế cũ để mạnh dạn đổi mới, táo bạo, quyết đoán và chấp nhận cả rủi ro khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên làm giàu cho quê hương, đất nước là những vốn quý xã hội có ở NCT. Những doanh nhân là NCT tiêu biểu trên mặt trận kinh tế của đất nước không trực tiếp nghiên cứu khoa học, nhưng họ lại là cầu nối giữa cơ sở nghiên cứu (nơi sáng tạo ý tưởng khoa học) với ứng dụng thành công thành tựu khoa học, công nghệ mới (nơi kiểm định chân lí khoa học).
Nước ta đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong bối cảnh đó NCT đang trực tiếp làm kinh tế hoặc đang nghiên cứu về kinh tế cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong góp phần bổ sung, hoàn thiện lí luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN; đồng thời đúc kết thực tiễn ở tầm khái quát lí luận, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế của các nước tiên tiến, tham khảo, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam. Các nghiên cứu và ứng dụng của giới trí thức nói chung, của trí thức NCT nói riêng, cần tập trung vào việc phục vụ đưa kinh tế Việt Nam theo hướng công nghiệp, hiện đại, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Do Việt Nam là nước nông nghiệp, nên trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ cần có sự ưu tiên cho kinh tế nông nghiệp, coi kinh tế nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc, bảo đảm an ninh kinh tế, an sinh xã hội cho Việt Nam.
2. Vai trò của trí thức NCT trên lĩnh vực chính trị:
Chính trị là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan tới sự tồn vong chế độ, trước hết là giữ được vai trò cầm quyền của Đảng, vai trò làm chủ của Nhân dân, mối quan hệ máu thịt giữa Nhân dân với Đảng. Do vậy, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh luôn được đặt lên hàng đầu. Với tầm nhìn xa trông rộng, ngay từ những năm tháng đang diễn ra chiến tranh vệ quốc, Đảng, Bác Hồ đã cử hàng vạn cán bộ, sinh viên ưu tú ra các nước XHCN đào tạo khoa học, công nghệ tiên tiến, khi trở về đất nước, họ trở thành hạt nhân cho sự ra đời những chuyên ngành khoa học mới ở Việt Nam, chính họ là sự kết nối với đội ngũ nhà khoa học hàng đầu thế giới, giúp Việt Nam phát triển đất nước và định danh một số chuyên ngành khoa học, công nghệ trẻ, giàu tiềm năng trên thế giới. Nhiều trí thức từ lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ đã được quy hoạch, bổ nhiệm giữ những chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam, họ tiếp tục phát huy năng lực sáng tạo vào thực thi chức trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, Nhân dân kì vọng. Thực tế cho thấy, trí thức là NCT luôn là những người giữ vững bản lĩnh chính trị, vì ở họ đã được kế thừa những tố chất và truyền thống của lớp trí thức cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Phần lớn họ được giáo dục, đào tạo dưới mái trường XHCN, trưởng thành trong sự nghiệp đổi mới đất nước, nên những trí thức là NCT trên lĩnh vực chính trị vừa là lực lượng kiên định thể chế chính trị và con đường đi lên CNXH của Việt Nam, lại vừa là lực lượng hiến kế, nêu cao tính chủ động, sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới về chính trị - đổi mới nhưng không đổi màu. Đặc biệt, có một bộ phận tinh hoa trí thức NCT đương chức, nắm giữ trọng trách lớn của Đảng, Nhà nước, họ là những người đứng mũi chịu sào, cầm lái sự nghiệp đổi mới đất nước tới mục tiêu chiến lược “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Để hoàn thành được vai trò quan trọng nêu trên, cần phát huy trí thức là NCT ở các hoạt động sau:
- Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”. Trên cơ sở đó, thể hiện sự cống hiến của trí thức NCT trong nghiên cứu lí luận, đúc kết thực tiễn 40 năm đổi mới, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đưa ra những luận điểm có tính thuyết phục về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, tư vấn với Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số vấn đề mới, có tính cấp bách cần đưa vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.
- Tích cực tham gia vào các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế, công bố những công trình nghiên cứu, ứng dụng vào lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ mới, đặc biệt là việc hiện thực hóa khát vọng dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Làm chủ nhiệm hoặc làm thành viên chính trong nghiên cứu các chương trình trọng điểm, các đề tài, đề án cấp Nhà nước liên quan tới công tác xây dựng Đảng đồng bộ, toàn diện về tư tưởng, chính trị, cán bộ, tổ chức. Tham gia có trách nhiệm cao, có chất lượng tốt vào các hoạt động nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, về cải cách tư pháp, về cải cách hành chính.
- Tham gia tích cực vào nghiên cứu làm sâu sắc thêm nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống diễn biến hòa bình, cung cấp các luận cứ khoa học làm sáng tỏ tính đúng đắn của Đảng khi kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đó là chìa khóa bảo đảm thành công mục tiêu chiến lược “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Có những bài viết chính luận trên diễn đàn đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, dẫn dắt dư luận xã hội, phản bác quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị. Mặt khác, cũng cần phát huy vai trò cầu nối của trí thức là NCT trong ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân, vừa trao đổi thông tin hai chiều, vừa dịch thuật những công trình nghiên cứu nước ngoài, làm phong phú thêm lí luận và thực tiễn đời sống chính trị trong nước, giúp cho các trí thức nước ngoài hiểu biết rõ hơn về lí tưởng cao cả, mục tiêu tốt đẹp mà Đảng Cộng sản Việt Nam đặt làm tôn chỉ, mục đích hành động, được đông đảo Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, qua đó mở rộng sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế với công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Phó Chủ tịch Trương Xuân Cừ cùng lãnh đạo địa phương trao nhà đại đoàn kết cho NCT nghèo tỉnh Điện Biên |
3. Vai trò trí thức NCT trên lĩnh vực khoa học, công nghệ:
Trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu và từng quốc gia, thì đội ngũ trí thức nước ta, nhất là với vai trò nòng cốt của trí thức NCT, chắc chắn họ đóng vai trò là lực lượng chủ công trong nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, làm đòn bẩy đưa đất nước phát triển hiện đại, bền vững, hội nhập quốc tế thành công. Trong các đợt xét tiêu chuẩn chức danh Phó GS và GS hằng năm, thấy một số lĩnh vực chuyên ngành khoa học tự nhiên thì tỉ lệ trẻ hóa ngày một tăng lên, tuy nhiên mặt bằng chung thì bình quân độ tuổi các nhà khoa học được công nhận chuẩn học vị Phó GS và GS ở mức từ 44-55 tuổi, trong đó các ứng viên đạt chuẩn GS hầu như ở mức từ 59 tuổi trở lên. Như vậy, trí thức cao tuổi vẫn ở độ “chín” về trình độ và độ “chín” về tuổi đời, cùng với cống hiến cho khoa học, công nghệ bằng những công trình nghiên cứu đưa ra kết quả quan trọng được ứng dụng vào các lĩnh vực phát triển đất nước, những trí thức đầu đàn là NCT còn có công đào tạo lớp trí thức trẻ nối nghiệp mình. Để phát huy tài năng, trí tuệ, nhiệt huyết của trí thức NCT, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, tạo môi trường nghiên cứu khoa học, công nghệ có sức hấp dẫn, không thuần túy là tiền lương, tiền thù lao mà quan trọng là có cơ chế gắn kết giữa nhà khoa học với nhà nước, nhà sản xuất, kinh doanh trên từng lĩnh vực. Đối với một số lĩnh vực đặc thù, thuộc về nghiên cứu cơ bản, về nghiên cứu đi trước mở đường, đặt tiền đề đón đầu khoa học, công nghệ cho tương lai, cần có đầu tư thỏa đáng, theo cơ chế đặt hàng, chấp nhận rủi ro về phía Nhà nước. Cần ưu tiên cho nghiên cứu khoa học, công nghệ phục vụ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tham gia chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu. Đầu tư tương xứng vào các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ gắn với thế mạnh của Việt Nam, như kinh tế biển, kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng hiện đại. Coi trọng các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ gắn phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh.
4. Vai trò trí thức NCT trên lĩnh vực văn hóa, xã hội:
Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, NCT có ưu thế về sự trải nghiệm cuộc sống, nhất là lớp người đã ở độ tuổi thất thập, bát thập, từng trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới ở hai đầu đất nước; còn có một bộ phận trí thức được Đảng, Nhà nước gửi đào tạo ở nước ngoài, vì thế họ là lực lượng trụ cột trong sáng tạo các giá trị văn hóa, nghệ thuật, định hướng giá trị sống, nhân cách con người Việt Nam. Trí thức trên lĩnh vực văn hóa, xã hội còn là lực lượng từng kinh qua các chức vụ quản lí, điều hành, tham mưu về xây dựng, phát triển văn hóa, kiến tạo xã hội theo dịnh hướng XHCN. Trong đời sống đương đại, họ thuộc lớp người “muôn năm cũ”, nhưng không có nghĩa là những sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, ý tưởng quản lí xã hội mà họ có được bị lạc hậu, ngược lại những ý tưởng mới của họ được dựa trên tiền đề sự trải nghiệm cuộc sống thường có độ tin cậy cao. Chưa kể, NCT còn là tấm gương mẫu mực về gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống (truyền nghề truyền thống, truyền dạy dân ca dân vũ, hướng đạo gìn giữ nền nếp gia phong trong gia đình, dòng họ, làng xã…). Những hoạt động xã hội mang dấu ấn truyền thống đạo lí “uống nước nhớ nguồn” cũng dựa nhiều vào sự gương mẫu của NCT. Nhiều gương sáng về NCT làm thiện nguyện đã chạm đến trái tim nhân hậu của con người Việt Nam. Chẳng hạn, nhận những đứa trẻ đơn côi làm con nuôi, lo cho chúng có cuộc sống an lành, điển hình nhất là trong phong trào phòng, chống dịch Covid-19, NCT đã hăng hái góp công, góp của, góp quỹ, cổ vũ tinh thần con cháu, cộng đồng xã hội chung sức, đồng lòng đưa đất nước vượt qua đại dịch.
5. Vai trò trí thức NCT trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại:
Đây là những lĩnh vực có tính đặc thù, NCT có đóng góp quan trọng ở các góc độ khác nhau. Đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đội ngũ trí thức đa phần là tướng lĩnh, có trình độ lí luận và kinh nghiệm thực tiễn, từng kinh qua trận mạc, đảm nhận các chức vụ lãnh đạo trong quân đội, công an, nên rất có bản lĩnh chính trị, gương mẫu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều cựu chiến binh, cựu công an tham gia vào cấp ủy cơ sở, tham gia vào công tác đoàn thể, các hoạt động hòa giải ở cơ sở, giữ gìn trật tự, phân luồng giao thông giờ cao điểm. Thực tế cho thấy, những trí thức là NCT có học hàm, học vị trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn được Đảng, Nhà nước tin dùng vào việc tư vấn chủ trương, chính sách quốc phòng, an ninh quốc gia.
Trên lĩnh vực đối ngoại, trí thức NCT có trình độ cao, được đào tạo bài bản về ngoại giao, từng đảm nhiệm công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đại diện Việt Nam tại các nước, các tổ chức quốc tế. Đây chính là lực lượng cần được phát huy vai trò “cây cao bóng cả”, tham vấn xây dựng đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước, nòng cốt đối ngoại Nhân dân. Bên cạnh đó, còn phải kể đến những trí thức là Việt kiều, hiện đang làm việc trong các viện nghiên cứu hàng đầu, giảng dạy trong các đại học danh tiếng ở các nước tiên tiến, họ không chỉ đóng vai trò tiêu biểu cho trí thức Việt Nam mà còn là lực lượng tham gia tích cực vào hoạt động đối ngoại Nhân dân, làm cầu nối cho đối ngoại Nhà nước.