Phạm Xuân Ẩn yêu nghề báo hơn nghề tình báo
Nghiên cứu - Trao đổi 20/06/2022 10:08
1. Trong chương trình Người đương thời của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Phạm Xuân Ẩn kể, ông không chọn nghề tình báo. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông đi bộ đội nhưng vì thiếu súng nên được trả về. Năm 1952, ông được gọi lên Chiến khu D và được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Ủy viên Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ giao nhiệm vụ tình báo chiến lược. Ông từ chối vì không biết gì về nghề này, nhưng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nói làm cách mạng không được lựa chọn công việc mà phải theo sự phân công. Thế là ông vào rạp coi phim trinh thám, đọc tiểu thuyết trinh thám để “học nghề”, dù từ năm 1950, khi làm ở Sở Thuế quan Sài Gòn, ông đã được Việt Minh giao nhiệm vụ bí mật tìm hiểu và báo cáo (qua giao liên là một phụ nữ mà sau này ông Ẩn đã rất cố công tìm nhưng không gặp được) về việc điều quân, vận chuyển khí tài quân sự và hàng hóa của Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương.
Có hai việc ngẫu nhiên trong cuộc đời Phạm Xuân Ẩn mà sau này đã giúp ông thành công trong nghề báo và nghề tình báo. Đó là năm 1954, Phạm Xuân Ẩn bị địch gọi nhập ngũ và được chỉ định làm Bí thư Phòng Chiến tranh tâm lí Bộ Tổng hành dinh quân đội Liên hiệp Pháp. Tại đây, Phạm Xuân Ẩn được Đại tá Edward Lansdale, Trưởng Phái bộ Quân sự đặc biệt Mỹ (SMM), trên thực tế là người chỉ huy CIA tại Đông Dương, cũng là Trưởng Phái đoàn Viện trợ quân sự Mỹ (US.MAAG) ở Sài Gòn luôn tin tưởng và đánh giá cao về năng lực. Đó là năm 1955, theo đề nghị của SMM, Phạm Xuân Ẩn tham gia soạn thảo tài liệu về tổ chức, huấn luyện, hậu cần, tham mưu, tác chiến cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa (thay Quân đội Quốc gia Việt Nam trong Liên hiệp Pháp). Ông còn được giao nhiệm vụ hợp tác với cố vấn Mỹ thành lập bộ khung 6 sư đoàn bộ binh đầu tiên của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và chọn những sĩ quan trẻ người Việt trong quân đội Pháp trước đó đưa sang Mỹ đào tạo, trong đó có Nguyễn Văn Thiệu sau này là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.
Phạm Xuân Ẩn lần đầu được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Vào đầu những năm 1950, phân tích xu thế thời đại, bản chất, dã tâm xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu, sớm hay muộn, Mỹ sẽ trực tiếp tham dự vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương; kẻ thù lâu dài của cách mạng nước ta sẽ là đế quốc Mỹ với tư cách là cường quốc hùng mạnh của thế giới.
Thấm nhuần tiên liệu ấy, tháng 10/1957, đồng chí Mai Chí Thọ và đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương), Trưởng và Phó Ban Địch tình Xứ ủy Nam Bộ - phái Phạm Xuân Ẩn qua Mỹ học nghề báo, bởi theo hai ông, với vỏ bọc nhà báo, Phạm Xuân Ẩn dễ thâm nhập sâu vào nội bộ đối phương để lấy tin tức mà ít bị nghi ngờ. Sau này, khi trả lời phỏng vấn báo The New Yorker, ông Mai Chí Thọ nói: “Phạm Xuân Ẩn là người đầu tiên chúng tôi gởi sang Mỹ để học biết cái văn hóa của những người thay thế Pháp làm kẻ thù của chúng tôi. Chính tôi phải kín đáo gom góp được 1.000 Mỹ kim cho Ẩn đi học. Sức mạnh lớn nhất của một điệp viên là luôn bình tĩnh và có nhiều bạn bè, luôn chơi được với mọi người để không gây sự chú ý nào. Ẩn thông minh, hài hước, dí dỏm, giao du rộng với cả sĩ quan, viên chức cao cấp Mỹ và chính quyền Sài Gòn, là người hoàn hảo cho công việc này”.
Trước khi Phạm Xuân Ẩn lên đường, ông Mười Hương dặn, đại ý, cậu phải học nói và viết như một phóng viên Mỹ, chứ không được là người Việt nói giọng Mỹ, hành văn kiểu Mỹ. Cậu phải hiểu được người Mỹ, hiểu văn hóa Mỹ thấu đáo. Có như vậy cậu mới hoàn thành được nhiệm vụ.
Chính Đại tá Edward Lansdale giới thiệu Phạm Xuân Ẩn với Trường Cao đẳng Orange Coast College ở Costa Mesa, tiểu bang California, một trong những trường cao đẳng cộng đồng lớn nhất, đẹp nhất ở Mỹ, và được vui vẻ chấp nhận bởi có Quỹ Á châu tài trợ học bổng. Tại đây, Phạm Xuân Ẩn không chỉ học nghiệp vụ báo chí mà còn học về chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lí, tiếng Tây Ban Nha. Ông thông minh, hóm hỉnh, đến mức được bạn bè cùng trừng gọi là “Đức Khổng Tử Ẩn”. Vừa học, ông vừa tham gia viết cho báo The Barnacle của trường để rèn Anh ngữ.
Thời gian Ẩn sống tại California là lúc đen tối nhất của cách mạng miền Nam. Đến năm 1959, khoảng 85% cán bộ, chiến sĩ thời kháng Pháp không đi tập kết, tức khoảng 60.000 người bị bắt hoặc bị giết. Qua một mật thư, Ẩn biết Mười Hương cũng đã bị bắt, nhưng tháng 10/1959, vừa tốt nghiệp, ông đã về nước bởi tin rằng, cấp trên trực tiếp không bao giờ phản bội mình.
Nhờ quen thân trước khi du học, ông được Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị, Văn hóa, Xã hội (thực chất là cơ quan mật vụ trực thuộc Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa) tuyển dụng và biệt phái sang Việt tấn xã trong vai biên tập viên để theo dõi các mật vụ của Tuyến được cài vào hãng tin này và cả người của Việt tấn xã, người nước ngoài làm việc ở Việt tấn xã.
Từ khi ở Mỹ về nước cho đến tháng 4/1975, với vỏ bọc là phóng viên, nhờ quan hệ rộng với các sĩ quan cao cấp, an ninh quân đội và người của CIA, của tổ chức tình báo Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc,…, Phạm Xuân Ẩn đã có được nhiều nguồn tin quan trọng, rất quan trọng. Phạm Xuân Ẩn tạo dựng được mối quan hệ rất giá trị với trùm mật vụ Trần Kim Tuyến, tướng Trần Văn Đôn, tướng Nguyễn Cao Kỳ… và một loạt tướng tá, chính khách, cả người Việt, cả người Mỹ, nên được phép ra vào Phủ Tổng thống, được tiếp cận rất nhiều tài liệu mật, tuyệt mật do được “nhờ đọc hộ” để “cho ý kiến”.
Phạm Xuân Ẩn đã gửi ra chiến khu tài liệu về chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, tài liệu về kế hoạch xây dựng “ấp chiến lược” của Mỹ - Diệm, tài liệu khẳng định trong năm 1964 -1965, Mỹ sẽ đổ quân vào miền Nam và đánh phá miền Bắc bằng không quân, tài liệu về chiến lược “Chiến tranh cục bộ”; các báo cáo về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, những tài liệu liên quan đến chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, báo cáo chiến dịch “Vượt biên Cao Miên”, 1970, chiến dịch “Lam Sơn 179”, 1972 của đối phương, báo cáo về tinh thần, vật chất đang cạn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Mỹ sẽ không trở lại Việt Nam sau khi quân Giải phóng đánh chiếm tỉnh Phước Long, làm chủ con đường chiến lược 14, và hàng trăm bản tin nguyên bản phục vụ cấp trên hạ quyết tâm giải phóng miền Nam.
Trong sự nghiệp tình báo lừng lẫy, Phạm Xuân Ẩn đã gửi về căn cứ tổng cộng 498 báo cáo, tài liệu nguyên gốc được sao chụp, thông tin thu lượm được về tình hình của Mỹ, quân đội và chính quyền Sài Gòn, trong đó có những thông tin vô cùng quan trọng, khiến Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhận xét, đại ý, cứ như ta đang ở trong bộ tổng tham mưu của địch.
Tất cả những tài liệu ấy đều được giao cho bà Nguyễn Thị Ba - cầu nối duy nhất giữa nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn với hậu phương trong suốt 15 năm (1960-1975) chuyển đến giao liên Cụm Tình báo H63, từ đó đưa lên chiến khu rồi ra Hà Nội. Phạm Xuân Ẩn từng nói về bà Ba: "Không thể nhớ hết đã bao lần bà mang theo người những tài liệu tối mật có ảnh hưởng đến cục diện toàn miền Nam và đến sinh mạng cá nhân tôi".
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Xuân Ẩn |
2. Sự nghiệp báo chí của Phạm Xuân Ẩn bắt đầu từ năm 1960, khi làm phóng viên cho hãng tin Reuters, rồi New York Herald Tribune, The Christian Science Monitor, lâu nhất là tại Time (1965-1975) - một tạp chí tin tức xuất bản từ năm 1923, ra hằng tuần, uy tín nhất của Mỹ, cùng lúc in và phát hành ở nhiều nước với trên 4 triệu bản. Phạm Xuân Ẩn là người Việt Nam duy nhất vào biên chế một hãng truyền thông lớn nước ngoài như Time, với mức lương rất cao thời đó: 750 USD một tháng.
Là một nhà báo cần cù, luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp. Hầu hết phóng viên các hãng truyền thông nước ngoài khi đến Sài Gòn tác nghiệp đều tìm Phạm Xuân Ẩn để được nghe ông nói về con người và đất nước Việt Nam một cách trung thực nhất, để nghe ông phân tích tình hình chính trị, quân sự một cách chính xác, không bao giờ “bịa”, cả của Việt Nam.
Sau này ông kể, tôi cung cấp thông tin cho đồng nghiệp các nước để có được thông tin. Thức ăn của họ là thông tin, tư liệu. Giống như chim, phải cho ăn chúng mới chịu hót. Từ quân đội, đến tình báo, cảnh sát…, tôi có đủ mọi loại thông tin. Chỉ huy các quân binh chủng, sĩ quan lực lượng đặc biệt, hải, lục, không quân họ đều giúp tôi thông tin, ngược lại, những phóng viên ấy cũng giúp tôi nhiều tin tức thú vị”.
Các tướng lĩnh, quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn đều nể trọng Phạm Xuân Ẩn. Họ muốn lấy lòng ông hơn là ông kết thân với họ để lấy tin viết báo.
Phạm Xuân Ẩn kể: “Tác nghiệp tốt nhất của tôi là hằng ngày đấu láo, tán dóc, cà giỡn, kể chuyện tiếu lâm với đồng nghiệp, với nhiều sĩ quan, quan chức Sài Gòn, của rất nhiều hãng tin lớn trên thế giới tại quán cà phê Givral trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi). Trong số họ, không ít người là tình báo của CIA, của Việt Nam Cộng hòa, của nhiều nước khác, thân Cộng có, ghét Cộng có”.
Givral là nơi có nguồn thông tin tốt nhất trong làng báo Sài Gòn và Phạm Xuân Ẩn luôn là người “chủ xị”. Vì thế, đồng nghiệp đặt cho Ẩn các biệt danh “Khoa trưởng Phân khoa báo chí Việt Nam”, ”Đài Phát thanh Catinat”. Để giễu mình, ông thường tự xưng là “Tiến sĩ tình dục học”, “Giáo sư đảo chính”, “Chỉ huy trưởng đội quân khuyển”, hoặc... “Ông tướng Givral”.
Cũng trong chương trình Người đương thời của VTV, khi được hỏi nghề tình báo khác nghề báo ở chỗ nào, Phạm Xuân Ẩn dí dỏm nói: “Hai cái giống hệt. Làm báo lấy tin, tình báo cũng lấy tin. Khác là một đằng lấy tin rồi viết ngay, viết và gửi đi thật nhanh. Một đằng lấy cất. Cái nào cất rồi cho ra, cho ra liền hay chậm, từng phần hay toàn bộ là qua phân tích. Mà muốn phân tích đúng thì phải nghiên cứu mọi mặt: Quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, mật vụ... Đúc kết lại mới làm báo cáo gửi vô trỏng”.
Khi đọc "Điệp viên hoàn hảo: Cuộc đời hai mặt không thể tin được của Phạm Xuân Ẩn phóng viên tạp chí TIME và điệp viên Cộng sản Việt Nam" của Giáo sư sử học Larry Berman, bản dịch tiếng Việt, do Nhà xuất bản Thông tấn phát hành tháng 10/2007, tôi thường so sánh nhà báo - nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn với nhà báo - nhà tình báo Liên Xô Richard Sorge. Biết so sánh thường khập khiễng nhưng rõ ràng hai con người kiệt xuất này có nhiều điểm giống nhau: Yêu nước, dũng cảm, kiên trung, hài hước, rất giỏi nghề báo, dùng nghề báo làm vỏ bọc để hoạt động tình báo và cả hai nghề đều rất thành công. Phạm Xuân Ẩn và Richard Sorge có mặt trong danh sách 20 nhà tình báo giỏi nhất thế kỉ XX. |
Stanley Cloud, Trưởng Văn phòng đại diện Time ở Sài Gòn, từng làm việc với Phạm Xuân Ẩn trong những năm 1970 - 1972 đã viết trong bài tưởng nhớ Phạm Xuân Ẩn, có đoạn: “Ông ấy đã có một cuộc đời mà không ai trong chúng ta biết cả, một cuộc đời liên quan tới mực hóa học và vi phim, và tới những đường hầm ở Củ Chi. Đối với chúng tôi, những người từng làm việc cận kề bên ông, với tôi là ba năm, Phạm Xuân Ẩn là một nhà báo hạng nhất, có những nguồn tin tốt trong chính phủ miền Nam Việt Nam và hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa lịch sử và chính trị của cuộc chiến Việt Nam hơn tất cả chúng tôi. Phạm Xuân Ẩn có một sự hiểu biết tinh tường về hiện tình chính trị Việt Nam, và đáng chú ý là những tin tức, tài liệu của ông chính xác một cách lạ thường. Sau này, tạp chí Time đã tiến hành thanh tra nội bộ, nhưng không tìm thấy bằng chứng nào về việc Phạm Xuân Ẩn đã viết những tin, bài xuyên tạc, bóp méo sự thật”.
Năm 2002, ông về hưu, nhưng cho tới 6 tháng trước khi qua đời, Phạm Xuân Ẩn vẫn tham gia phân tích, đánh giá các tài liệu của Tổng cục Tình báo (Tổng cục 2), Bộ Quốc phòng).
Có lần Phạm Xuân Ẩn tâm sự với một số nhà báo tại TP Hồ Chí Minh: “Tôi không chọn nghề tình báo nhưng vì nhiệm vụ phải làm. Từ khi học ở Mỹ, tôi đã yêu nghề báo hơn nghề tình báo. Khi đã là nhà báo, tôi càng yêu nghề báo. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi rất muốn làm việc ở một tờ báo nào đó nhưng đáng buồn là không thực hiện được”.
3. Khi chuẩn bị viết bài này, tôi đã nghĩ đến hai đề xuất. Một là Hội Nhà báo Việt Nam hay một cơ quan truyền thông nào đó hợp tác với Phạm Xuân Hoàng Ân, con trai cả của Phạm Xuân Ẩn đang công tác ở Bộ Ngoại giao sưu tầm toàn bộ những bài báo của nhà báo Phạm Xuân Ẩn đăng ở nhiều tờ báo để in thành sách. Đó là tài liệu không những rất quý với nghề báo mà còn là tư liệu trung thực một giai đoạn lịch sử của đất nước. Hai là hãy đặt tên đường Trần Quốc Hương (Mười Hương), Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Đặng Trần Đức (Ba Quốc), Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Tám Thảo), Nguyễn Thị Ba ở các thành phố, thị xã, bởi họ là những nhà tình báo kiệt xuất, có công rất lớn trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.