Ông ngoại tôi, một cựu chiến binh già nhân hậu
Tâm sự 21/02/2024 09:04
Xuất thân trong một gia đình nghèo, đông anh em, thuở nhỏ không được học hành, chỉ đến khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, tròn 18 tuổi, ông mới được đi học bình dân học vụ của thôn, chỉ biết đọc, biết viết, biết chữ kí để đi bầu cử. Đất nước có chiến tranh, ông gia nhập quân đội, tham gia kháng chiến chống Pháp, khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, năm 1958, ông được phục viên về địa phương xây dựng gia đình lập nghiệp.
Ông ngoại tôi tên là Đặng Văn Thập, sinh năm 1927, ông bà có 4 người con gái. Lúc trẻ tuổi hai ông bà cần cù lao động, chịu thương chịu khó làm lụng vất vả tìm hạt ngô, hạt thóc để nuôi con ăn học, khi các con lớn khôn lần lượt đi lấy chồng. Trong lúc trời yên biển lặng, ông bà đang tính toán làm ăn, chẳng may bà ngoại tôi bị cơn bạo bệnh, gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi, các bệnh viện đông - tây y đều bó tay với căn bệnh tâm thần phân liệt. Bệnh viện khuyên đưa bà về, sống chung với bệnh.
Cụ Đặng Văn Thập đi thăm bạn bè |
Suốt 11 năm trời, một mình ông ngày đêm chăm sóc ăn uống, giặt dũ, thuốc men cho bà. Bởi các con gái đều đi lấy chồng ở xa, người Hà Nội, người Sơn Tây,chỉ có dì Đặng Thị Tâm lấy chồng làng những cũng thường xuyên đi làm ruộng đồng, ít khi ở nhà đến với ông bà. Hơn chục năm, bà tôi chỉ ăn được, nói được những không di chuyển được, ngày đêm sống trong một gian phòng, muốn ra ngoài, ông phải dắt dìu bà ra sân để đón ánh nắng, đón gió. Ngày có hội đình làng, bà muốn đi xem, ông cõng bà ra đình làng xem hội. Những khi bà nhớ bạn bè thân thiết, ông lại cõng cụ bà đi thăm thú, cách nhà chừng 100 mét. Mọi người thấy tấm lòng chung thủy, tận tâm của ông với bà, ai cũng cảm động và khâm phục. Trên đời ít có người được như ông nuôi bà như thế. Ròng rã suốt 11 năm trời, bà mới xa ông về nơi tiên cảnh, để lại ông sống một mình trên ngôi nhà cũ. Lúc đó, ông đã ngoài 70 tuổi, dượng Nguyễn Văn Tiến và vợ là dì Đặng Thị Tâm mời cụ về ở cùng nhà để các con, các cháu ngoại chăm nuôi, nhưng nhiều lần mời ông mới chịu về ở với con rể, con gái và các cháu ngoại. Hằng ngày ông vẫn giúp được nhiều việc cho con cháu như chăm con lợn, đàn gà, vườn rau, cây ăn quả,...
Tuy cao tuổi nhưng ông vẫn tích cực hoạt động xã hội, như vận động con cháu và mọi người tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đình chùa làng; ông không bỏ buổi sinh hoạt nào với Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi. Ông còn có nhiều sáng kiến đóng góp xây dựng cho các chi hội đoàn thể. Khi các chi hội đoàn thể có công việc huy động hội viên làm việcgì, ông đều tham gia một cách tích cực và gương mẫu, làm đến nơi đến chốn, mọi người phải học tập và làm theo.
Ông là người sống nhân hậu, làm việc cống hiến cho đời, cho cộng đồng xã hội. Đối với gia đình, ông rất yêu thương các con, các cháu. Thường xuyên khuyên bảocác cháu phải chăm học, chăm làm giúp đỡ cha mẹ những công việc nặng nhọc, phải biết quý trọng thời gian, ngoài ra còn phải có ý thức giúp đỡ những người khó khăn, yếu thế ngoài xã hội. Nghe lời ông các cháu rất cảm động và hứa nghe lời ông để tu dưỡng làm người.
Bây giờ các cháu đều đã lớn khôn, nhiều người làm việc ở Hà Nội, mỗi khi về nhà lại được nghe những lời khuyên bảo, dạy dỗ của ông. Các cháu còn được ngủ chung với ông để nghe ông kể chuyện chiến đấu ngoài mặt trận. Chúng tôi thường nói với mọi người: ông ngoại của chúng tôi là thần tượng của đời tôi, chúng tôi lấy gương sáng của ông ngoại để soi rọi vào công việc làm của mình sao cho xứng đáng là cháu ngoại của ông, để làm người có ích cho gia đình và xã hội. Chúng tôi chúc ông luôn mạnh khỏe để 3 năm nữa chúng tôi được cùng với cha mẹ mình và gia đình, quê hương, làng xóm mừng thọ ông tròn 100 tuổi.