Nông nghiệp sinh ra... Tết
Nghiên cứu - Trao đổi 18/01/2024 15:21
Nông nghiệp sinh ra… Tết
Trước Tết là quãng thời gian chuẩn bị cho mùa vụ mới. Theo “Đại Việt Sử kí Toàn thư”, vào đầu Xuân năm 987, Vua Lê Đại Hành làm lễ tịch điền, cày ruộng để khuyến khích dân chúng trồng trọt, sản xuất. Đó là lễ tịch điền đầu tiên ở Việt Nam được sử sách ghi nhận lại. Các triều đại như Lý, Trần… sau đó rất coi trọng lễ tịch điền. Vào thời nhà Nguyễn, Vua Gia Long quy định ruộng tịch điền và Vua Minh Mạng khôi phục nghi lễ này và coi như một đại lễ quan trọng. Sau nghi lễ, vua là người đầu tiên xuống ruộng cày, ba lần đẩy cày đi, ba lần đẩy cày lại, sau đó đến các vị hoàng công thân phiên cày năm lần rồi đến bá quan văn võ mỗi người cày chín lần, cuối cùng là các vị kì lão hương thôn và lão nông... cho đến khi kết thúc.
Bên cạnh đó là lễ Tiến Xuân được tổ chức vào tiết Lập Xuân. Lễ Tiến Xuân được chú trọng tổ chức nhằm mục đích khuyến nông, cầu nguyện cho thời tiết hanh thông, mùa màng thuận lợi. Vào thời Lê - Trịnh, ở Thăng Long cứ đến lễ Tiến xuân, dân chúng nô nức đi hội. Dưới thời nhà Nguyễn, hai cơ quan là Khâm Thiên giám và Võ khố sẽ lấy nước và đất ở phương thần Tuế đất rồi nặn hình 3 con trâu cùng 3 vị thần chăn trâu (Mang thần) với hình tượng đứa bé. Mỗi con trâu đất thân cao 4 thước, dài 8 thước tượng trưng cho 4 mùa và 8 tiết, đuôi dài 1 thước 2 tấc để tượng trưng 12 tháng. Mang thần cao 3 thước, 6 tấc, 5 phân để tượng trưng 365 ngày; cái roi làm bằng cành liễu, dài 2 thước 4 tấc để tượng trưng 24 khí trong năm. Sáng sớm ngày Lập xuân, các quan đại thần mặc triều phục rước trâu đất và Mang thần với đủ nghi trượng, tàn, lọng cùng nhã nhạc, đi vào Hoàng thành đứng đợi. Đến giờ, Nội giám tiếp nhận tiến lên nhà vua. Xong việc, các quan đều lui ra. Quan phủ Thừa Thiên về phủ thự đưa trâu đất ra đánh 3 roi để tỏ ý khuyên việc cày cấy, khuyến khích nông nghiệp. Sách “Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ” ghi lại rằng: “Mang thần và trâu đất là lễ đời cổ để khuyên cày, lại là việc đầu Xuân, có quan hệ đến gốc lớn của sinh dân... nguyên là ý chăm việc làm ruộng, khuyên bảo, giúp đỡ, ở Kinh thành đã cử hành trước thì các địa phương cũng nên tuân làm tất cả...”.
Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt |
Thời phong kiến, con trâu là sức kéo trong nông nghiệp nên rất được bảo vệ. Năm 1123, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu nhắc nhở: “Trâu là con vật quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người. Từ nay cấm không được giết trâu ăn thịt. Ai làm trái thì trị tội theo pháp luật”. Luật Hình thư (thời Lý), Hình luật (thời Trần) đều có những điều khoản cụ thể quy định hình phạt về tội ăn trộm và giết hại trâu bò. Những nhà láng giềng biết mà không tố giác cũng bị trừng phạt.
Tiếp đó là Tết, ngày lễ hội lớn của người Việt cổ nhằm đón mừng một vụ mùa nông nghiệp mới. Về bản chất, Tết là khoảng thời gian người nông dân được nghỉ ngơi, vui chơi trước khi bắt đầu một chu kì canh tác, gieo trồng mới. Bên cạnh đó, bữa cơm ngày thường của người Việt xưa, đặc biệt là người nông dân, luôn thiếu thốn. Cho nên, ăn Tết với đầy đủ vật chất (nhà cửa tươi mới, bàn thờ được lau dọn sạch sẽ, trang trí thêm cành đào, cành mai, nụ tầm xuân…), nhiều món ngon vật lạ (bánh chưng, bánh dày, bánh tét, dưa món, mứt, thịt heo…) là ước mơ về sự đủ đầy trong cả năm.
Chúng ta đừng nên coi Tết là một cái gì to tát lắm mà hãy coi đó là những ngày “nông nhàn” của người nông dân thì sẽ dễ đồng cảm. Thậm chí, trong các ngày “nông nhàn” là Tết, một bộ phận nông dân còn trở thành người buôn bán ở chợ hoặc trở thành người thợ thủ công để kiếm thêm thu nhập. Đó chính là nguồn gốc của các khu chợ chỉ họp vào ngày Tết Âm lịch, như Phiên chợ Thiều (Thanh Hóa), chợ đình Bích La (Quảng Trị), chợ Gia Lạc (Huế), chợ Gò (Bình Định)... Như vậy, Tết là đặc trưng của văn hóa Việt cổ và là Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Nấu bánh chưng, bánh dày, bánh tét, ăn trầu cau… là những nét độc đáo vào ngày Tết của người Việt cổ còn lưu lại đến tận bây giờ.
Tết ta khác Tết Tây, Tết Trung Quốc như thế nào?
Trong khi đó, ngày 1/1 Dương lịch - Ngày Năm mới (New Year's Day) ở phương Tây chỉ đơn giản là ngày đầu tiên của tháng Một (January). Đó là vị thần Janus, được phác họa có hai đầu, một trông về phía trước, một trông về phía sau, biểu tượng cho sự chuyển giao giữa cái cũ và cái mới. Dân ta hay gọi là Tết Tây để phân biệt với Tết ta.
Năm mới ở Trung Quốc bắt đầu bằng việc xua đuổi con “Niên” (năm). Theo truyền thuyết, ngày xưa ở Trung Quốc có con thú dữ gọi là “Niên”, trên đầu mọc sừng, hết sức hung dữ. Con “Niên” quanh năm suốt tháng sống dưới đáy biển, cứ đầu năm mới thì lên bờ để giết súc vật và hại người. Tuy nhiên, con vật này sợ tiếng ồn nên người Trung Quốc đã dùng pháo tre trúc và pháo nổ đốt để xua đuổi. Bởi vậy, những ngày đầu năm trong tâm thức của người Trung Quốc xưa là một nỗi sợ chứ không phải là mừng vụ mùa như người Việt cổ.
Khổng Tử (511 - 479 TCN) là nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng người Trung Hoa. Trong sách “Kinh Lễ”, ông viết: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”.
Sách “Giao Chỉ chí” của Trung Quốc cũng có đoạn viết về Tết Nguyên đán: “Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này”.
Nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng là nhà nước đầu tiên của người Việt. Văn Lang có nghĩa là cộng đồng người lập nghiệp bên lưu vực những con sông. Sách “Giao Châu ngoại vực kí” cũng chép rằng: “Ở thời xưa Giao Chỉ chưa có quận huyện thì đất đai có ruộng Lạc, ruộng ấy theo nước triều lên xuống mà làm. Dân khẩn ruộng ấy mà làm ăn nên gọi là dân Lạc. Đặt Lạc Vương Lạc hầu làm chủ các quận huyện. Các quận huyện phần nhiều là Lạc tướng”. Tài liệu này cho thấy dân ta thời các Vua Hùng làm ruộng Lạc. Từ ruộng Lạc mà cư dân gọi là Lạc dân, vua quan cũng mang danh hiệu đó: Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc vương. Lạc vương chính là Hùng Vương. Ngoài ra, nghề nông của người Việt dưới thời các vua Hùng cũng được phản ánh trong truyện bánh chưng bánh dày, truyện dưa hấu, truyện trầu cau…