Nỗi khổ của người phụ nữ đơn thân và cách hành xử của cán bộ chính quyền sở tại
Pháp luật - Bạn đọc 13/09/2021 15:49
Trong lá thư dài 10 trang giấy vở viết tay, bà Phan Thị Ly Hương trình bày, từ đó đến nay, bà liên tục hứng chịu những sự cố đau lòng. Bà cho biết, tại buổi hòa giải ngày 8/5/2019, do UBND phường Thuận Lộc tổ chức, bà Nguyễn Thị Mão (người được cho là giả mạo giấy mua bán viết tay, chiếm 42,6m2 đất của gia đình bà Hương) nói rằng, Báo Người cao tuổi đưa tin sai lệch, chỉ nghe từ một phía. Trong khi đó, Báo Người cao tuổi (nay là Tạp chí) khẳng định đã xác minh thông tin nhiều phía trước khi đăng bài. Sau đó bà Hương bị xúc phạm, mặc dù cuộc hòa giải không thành, nhưng bà không được cung cấp biên bản, khiến bà phải la hét ầm ĩ mới lấy được.
Bà V.T.H, cán bộ phường Thuận Lộc còn gây khó, không cấp cho bà giấy chứng tử của mẹ và em bà, thậm chí bà H còn có những hành vi, lời nói khiếm nhã với bà Hương: vò giấy vứt vào mặt bà, đuổi bà về khi nào gọi mới được lên. “chưa gọi thì đừng vác mặt tới” – bà H cay nghiệt nói… Khi trả kết quả, lại là bản trích lục khai tử, trong khi bà Hương yêu cầu được cấp giấy chứng tử. Khi bà đến UBND phường Thuận Lộc chứng thực bản sao chứng minh Nhân dân và hộ khẩu để xin việc, cũng bị cán bộ Tr gây khó dễ, buộc bà phải sang phường khác chứng thực. Cán bộ địa chính tên Lê Thanh Chung không chịu cung cấp dữ liệu đất đai khi bà có yêu cầu, cũng có thái độ với bà như cán bộ H và cán bộ Tr. Đến nay bà vẫn chưa được trả lại 2 bản chính giấy chứng tử của mẹ và em gái bà.
Bà Phan Thị Ly Hương |
Nỗi khổ gặp phải khi đến trụ sở chính quyền sở tại chưa yên, bà Hương còn bị “hành” khi thực hiện quyền khởi kiện ra TAND TP Huế. Bà Ly Hương cho biết, thẩm phán Thái Thị Hồng Vân dây dưa không thụ lí hồ sơ của bà. Bà khiếu nại trực tiếp đến Chánh án TAND TP Huế, nhưng không được giải quyết, buộc bà phải khiếu nại lên TAND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 14/7/2019, Viện KSND TP Huế can thiệp, thì ngày 3/9/2019 thẩm phán Vân tống đạt cho bà hồ sơ bổ sung ghi ngày 10/6/2019, quá hạn hơn 60 ngày. Do đó, bà lại phải gửi đơn khiếu nại đến Phòng tiếp dân TAND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Như chúng tôi đã phản ánh, mảnh đất rộng 42,6m2, mà bà Hương cho rằng bà Nguyễn Thị Mão giả mạo giấy mua bán viết tay để chiếm đoạt, được bà Mão xây căn nhà, sau đó bán căn nhà cho mẹ bà là cụ Nguyễn Thị Lịch, cụ Lịch cho con trai là ông Nguyễn Văn Hải ở. Từ đó, ông Nguyễn Văn Hải nhiều lần gây sự, hành hung bà Hương gây thương tích. Đỉnh điểm là trận hành hung ngày 30/7/2018, khiến bà Hương bị bầm giập phẩn mềm, gãy mấy sương sườn, ảnh hưởng não, nhưng sự việc không được giải quyết đúng pháp luật.
Trở lại trình bày của bà Hương tại Thư kêu cứu, ngày 16/9/2019, Quỹ nhà đất TP Huế phối hợp với Ban địa chính phường Thuận Lộc đến làm việc tại nhà ông Hải. Bà Hương không được thông báo về cuộc làm việc này, nên bà không hợp tác, không cho đo đạc. Ông Nguyễn Văn Hải xông vào đòi đánh bà Hương, hăm dọa sẽ đập chết bà, trước mặt hàng xóm, các cán bộ, mà trong đó có cán bộ bà Hương ghi được bảng tên như sau: “UBND TP Huế - Trung tâm Phát triển quỹ đất – tên: Nguyễn Viết Huy – chuyên viên – số hiệu: T33-603-010033-17”.
Bà Hương trình bày hoàn cảnh của mình với luật sư |
Đang hứng chịu hàng loạt sự cố, thì bà Hương nhận được thông báo của Điện lực Bắc Sông Hương, cho bà biết gia đình bà bị cắt điện. Bà Hương lại phải rong ruổi “tìm nguồn ánh sáng” cho cuộc sống sẵn nhiều tối tăm của bà. Rốt cuộc, gia đình bà một lần nữa phải thắp đèn dầu. Bà không biết sẽ phải khiếu nại ở đâu, bởi đơn khiếu nại bà gửi suốt 5 năm không ai giải quyết. Do bị từ chối cung cấp điện, bà Hương phải ngưng hoạt động máy may suốt bảy năm. Mất nguồn thu nhập từ máy may, bà Hương chỉ còn nguồn thu nhập từ việc làm phụ bếp cho nhà hàng tư nhân, làm khi nào lĩnh tiền khi đó, nên cuộc sống của bà vô cùng khó khăn.
Bà Hương cho biết: “Khi dịch covid bùng phát, nhiều gia đình trong khu vực được nhận tiền hỗ trợ hộ nghèo ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Trớ trêu thay, máy may của tôi phải ngưng hoạt động suốt bảy năm, do bị cúp điện, tôi bị mất thu nhập trầm trọng, mà không được nhận một xu tiền hỗ trợ nào cả”.
Bà Hương còn cho biết thêm: “Có lần 3 cán bộ Công an phường Thuận Lộc đem đến nhà tôi 10kg gạo, nhưng có một anh cầm điện thoại chụp hình, tôi yêu cầu không được chụp, nhưng cán bộ công an không chịu cất máy, buộc tôi phải từ chối nhận. Vậy là họ bảo tôi kiên quyết không nhận sự giúp đỡ của chính quyền, vậy có ai dám đến giúp đỡ cho hoàn cảnh khó khăn của tôi? Tết năm 2021, ban thờ, bát hương nhà tôi tràn trề nước đọng, tôi phải lau dọn đến kiệt sức. Hiện nhà tôi có mái như không. Đêm đến mái nhà vẫn bị đập ràn rạt, bụi bay mù mịt. Tôi phải ngủ dưới gầm ban thờ mẹ tôi từ sau cơn bão số 5 đến nay. Không có quạt điện nên rất nóng, không bỏ mùng thì muỗi, bỏ mùng thì bí không thở được. Hôm nào trời mưa tôi còn bị nước tạt ướt hết”.
Thư kêu cứu của bà Phan Thị Ly Hương |
Theo bà Hương, mặc dù bà đã từ chối nhận giấy yêu cầu đo đạc đất của UBND phường Thuận Lộc, nhưng sáng 16/5/2020, bà Phan Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường vẫn dẫn một đoàn khoảng hơn hai chục người, trong đó có ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc quỹ nhà đất, đến đòi cưỡng chế để đo đạc đất. Bà phản ứng dữ dội không cho đo, nên họ đành chịu.
Hoàn cảnh bà Phan Thị Ly Hương như vậy là rất đáng chia sẻ, giúp đỡ. Xin trích một đoạn trong Thư kêu cứu của bà Hương, để kết cho bài viết này: “Tôi kính thư này là để kêu cứu sự bảo vệ cho bản thân tôi hiện tại, cũng như những ngày tháng tới được an toàn. Rất mong được sự quan tâm, giúp đỡ…”. Rất mong các cơ quan chức năng, cấp chính quyền cơ sở hành xử có tình, có lí đối với số phận người phụ nữ cao tuổi đơn thân đang gặp nhiều bất công, bất hạnh này.
Những dấu hiệu cố ý sai phạm của ông Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế Như đã phản ánh, trong vụ án bác sĩ Lê Quang Huy Phương bị khởi tố, truy tố, kết án về 3 tội danh: “Cố ... |