Ninh Bình: Dự án sông Sào Khê đội vốn 36 lần, tại sao rơi vào im lặng?
Pháp luật - Bạn đọc 16/08/2021 15:38
Có thể nói, cách đây 3 năm phiên thảo luận tại hội trường (kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV) về thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (giai đoạn 2011-2016), dự án sông Sào Khê tại tỉnh Ninh Bình được phát biểu và tranh luận khá sôi nổi, gay gắt. Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước rất quan tâm là sau kỳ họp các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ và có câu trả lời thỏa đáng về nguyên nhân dự án đội vốn từ 72 tỷ lên gần 2.600 tỷ đồng.
Dự án sông Sào Khê đội vốn gấp 36 lần. Sau 3 năm ồn ào, nay có nguy cơ rơi vào im lặng? Ảnh: internet |
Dự án nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê do UBND tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường trúng thầu xây lắp với vốn đầu tư ban đầu 72 tỷ đồng.
Tranh luận và lý giải thay cho địa phương về nguyên nhân của đội vốn, ông Bùi Văn Phương (đại biểu tỉnh Ninh Bình) cho biết, dự án này bắt đầu từ năm 2001.
Ban đầu mục tiêu là nạo vét sông phục vụ thủy lợi tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, nhưng vì sông Sào Khê chảy qua khu vực cố đô Hoa Lư, nơi bến sông ngày xưa vua Lý Công Uẩn dời kinh đô ra Hà Nội. Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà nước cho đầu tư để tôn tạo cố đô Hoa Lư. Sông Sào Khê chảy qua di sản thế giới Tràng An và Ninh Bình lại là vùng đất du lịch, cho nên dự án được điều chỉnh lại.
Đầu tiên mục tiêu chỉ dành cho sản xuất nông nghiệp, sau đó dự án điều chỉnh với 4 mục tiêu là sản xuất nông nghiệp, tôn tạo cố đô Hoa Lư, tạo nền tảng một bước để Tràng An được công nhận là di sản thế giới, phục vụ cho giao thông thủy, phục vụ cho các công trình để phát triển du lịch.
Nguồn vốn ở đây không phải là toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước. Ngân sách Nhà nước trong dự án này chỉ có khoảng 1.400 tỷ. Số vốn còn lại là vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn khác để kết hợp phát triển du lịch của địa phương. Chúng tôi nghĩ việc điều chỉnh dự án như thế để có được Ninh Bình hôm nay, có cố đô Hoa Lư được tôn tạo, di sản Tràng An mà cả thế giới biết đến và chúng ta tự hào vì trong đó có phần đóng góp của dự án này, việc điều chỉnh là phù hợp và chúng ta làm hiệu quả nguồn vốn – đại biểu Phương nhấn mạnh.
Đưa ra quan điểm tranh luận lại với ý kiến đại biểu Bùi Văn Phương về dự án đội vốn 36 lần ở Ninh Bình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Ninh Bình cũng là nơi có số nợ đọng lớn, nợ đọng là 5.900 tỷ đồng, trong khi số vốn bố trí chỉ có 2.000 tỷ, chiếm 34% tổng nợ, có nghĩa là phần còn lại trên 65% chưa có phương án bố trí nguồn. Tôi nghĩ trên thế giới này một dự án đầu tư phát triển tăng vốn hơn 30 lần như thế thì chúng ta không thể giải thích gì thêm được, vì đầu tư phát triển quan trọng nhất của nó là chất lượng và hiệu quả.
Dự án kéo dài (chưa nói tới tham nhũng, tiêu cực) là đã không có hiệu quả và sẽ tác động ngược trở lại nền kinh tế, thua lỗ và trở thành gánh nặng của nền kinh tế. Trong trường hợp có hiện tượng như vậy cần phải tiến hành thanh tra, có kết luận để các đồng chí ở Ninh Bình khỏi băn khoăn, thắc mắc, cử tri thấy minh bạch, rõ ràng và yên tâm - đại biểu Nghĩa đề nghị.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại hội trường về dự án đội vốn sông Sào Khê từ 72 tỷ lên gần 2.600 tỷ đồng (ngày 28/5/2018). |
Cùng tranh luận lại ý kiến của ông Bùi Văn Phương, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) đề cập đến hiện tượng "đầu chuột, đuôi voi" rất phổ biến, từ đó phê phán hiện tượng này: “Khi xin dự án thì chỉ dự án rất nhỏ, sau cứ nở dần ra. Thử hỏi, Quốc hội hàng năm vẫn thông qua bây giờ lấy tiền đâu ra để bù vào?”.
Thứ hai, nói trong đó chỉ có 1.400 tỷ đồng tiền của Nhà nước, còn lại là kêu gọi vốn. 1.400 không nhiều à? Có nở ra nhưng nở gấp 2-3 lần là quá đáng, còn nở nhiều như thế này thì nên xin làm một dự án khác. Tôi đã từng làm quản lý 5 dự án khi làm Viện trưởng tôi biết, có (đội vốn) nhưng chỉ chừng mực - đại biểu Trí xót xa.
So sánh đến cuộc sống cực khổ, khó khăn mà Nhân dân các cùng khác đang gặp phải, đại biểu Trí đặt ra câu hỏi: "Các đồng chí có thương người dân ở Tây Bắc không có cơm ăn, rất khổ, người ta phải di dân. Không ai thích di dân, người ta phải di chuyển chỗ nọ chỗ kia. Không thương những đoạn đường ở Tây bắc, Tây nam rất khó khăn. Một lần, tôi đi chỉ còn thiếu đường là ứa nước mắt, tại sao không thương họ?
Có những vùng như Hà Giang, mùa hoa Tam giác mạch đưa ra cả thế mạnh mới, họ rất cần đường, con đường hạnh phúc đó chỉ có tốt cách đây 20 năm, bây giờ không phù hợp để làm du lịch, tại sao không giúp họ? Xin thưa Quốc hội, có hàng triệu người đang mang gen bệnh, tôi chỉ cần xin 1.000 tỷ, tôi cam đoan với Quốc hội có thể giảm được tỷ lệ người mang gen bệnh cho cộng đồng người Việt Nam để cải thiện giống nòi rất nhiều, nhưng chúng tôi không dám xin và xin cũng không được".
Cho đến nay đã 3 năm sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, mọi thông tin về nguyên nhân dự án đội vốn “khủng” sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình từ 72 tỷ lên gần 2.600 tỷ đồng lại khá "im hơi, lặng tiếng"?!.