Niềm tin về một xã hội không có chế độ người bóc lột người
Nghiên cứu - Trao đổi 19/09/2023 13:17
Trong bài “Gửi nông dân nghèo” viết năm 1903, V.I.Lênin (1870 -1924) khẳng định, phương sách duy nhất để làm cho Nhân dân lao động hết cùng khổ, là thay đổi từ dưới lên trên, chế độ hiện nay trên toàn quốc và lập chế độ xã hội chủ nghĩa. Ngày 7/11/1917, Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga thắng lợi. V.I.Lênin nhấn mạnh cuộc cách mạng này đã “mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi đều đang tiến tới một cuộc đời mới, tới chỗ chiến thắng giai cấp tư sản, tới chỗ thành lập chuyên chính vô sản, tới chỗ giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”. Tiếp đó, ngày 10/1/1918, Đại hội Xô viết toàn Nga lần III đã thông qua “Tuyên ngôn về quyền lợi nhân dân lao động và bị bóc lột”, khẳng định nước Nga là một nước xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu xóa bỏ chế độ người bóc lột người.
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), chủ nghĩa xã hội vượt ra khỏi phạm vi một nước và trở thành hệ thống thế giới. Chỉ tính riêng các quốc gia trong hệ thống xã hội chủ nghĩa có cùng mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, đã có thời chiếm gần 1/3 diện tích, 1/4 dân số và 40% sản lượng công nghiệp toàn thế giới.
Phong trào “Chiếm lấy phố Wall” của người lao động Mỹ. Ảnh tư liệu |
Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” đăng trên tạp chí “Các vấn đề Phương Đông” của Liên Xô, nhân dịp kỉ niệm lần thứ 90 ngày sinh của V.I.Lênin (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ lại: “Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lí luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” .
Về bản chất tốt đẹp của chế độ chủ nghĩa xã hội, Người chỉ rõ chủ nghĩa xã hội là “một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng”, “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho Nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội” . Người cũng nhấn mạnh: “Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang” .
Sau khi nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và căn cứ vào tình hình thực tiễn của cách mạng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết ngắn gọn, khúc triết về sự phát triển của các hình thái xã hội: “Lịch sử của xã hội do người lao động tạo ra. Sự phát triển của lịch sử là quy luật không ai ngăn trở được. Chế độ cộng sản nguyên thủy biến đổi thành chế độ nô lệ. Chế độ nô lệ biến đổi thành chế độ phong kiến. Chế độ phong kiến biến đổi thành chế độ tư bản chủ nghĩa. Chế độ tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ biến đổi thành chế độ xã hội chủ nghĩa. Một chế độ này biến đổi thành một chế độ khác là cả một cuộc đấu tranh gay go, kịch liệt và lâu dài giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái thoái bộ và cái tiến bộ, giữa cái đang suy tàn và cái đang phát triển. Kết quả là cái mới, cái đang tiến bộ nhất định thắng”.
Thực tế đã chứng minh, tại các nước tư bản khi có khủng hoảng xảy ra thì đời sống của người lao động lâm vào hoàn cảnh cực kì bi đát. Trong bài viết “Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (năm 2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa: Đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc”.
Trong bài: “Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (năm 2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua càng làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa… Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào “99 chống lại 1” diễn ra ở Mỹ đầu năm 2011 và nhanh chóng lan rộng ở nhiều nước tư bản”.
Cũng trong bài trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỉ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.