Những “ông Tây” ở làng rau Trà Quế
Du lịch 24/11/2021 10:16
Cho rau “ăn” rong
Các bậc cao niên “Làng rau” cho hay, ngày xưa nơi đây là làng chài ven sông Đế Võng, nhưng càng ngày tôm cá càng ít, nên ngư dân chuyển sang trồng rau. Và cứ thế từ làng chài thành làng trồng các loại rau gia vị chủ yếu là rau thơm, rau sống cung cấp cho quanh vùng. Khi đó làng có tên Như Quế, cho đến năm 1.800, vua Gia Long đặt lại là Trà Quế. Nay rau Trà Quế thơm ngon nức tiếng gần xa.
Bà Nguyễn Thị Huê (77 tuổi) có 60 năm trồng rau cho hay, làng rau Trà Quế ngon có tiếng với hương vị đặc biệt nhờ người nông dân nơi đây bón cho rau các loại rong như: Rong cây, rong chồn, rong chèo, rong vịt, rong trứng,... Chỉ cần vớt rong dưới sông lên mà lót vào đáy luống đất trồng rau, không cần nhiều các loại phân khác cũng đủ cung cấp dinh dưỡng cho rau tạo nên sắc thái riêng cho làng rau Trà Quế.
Du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm ở vườn rau Trà Quế. |
Làng rau Trà Quế có gần 30 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị với nhiều màu sắc như húng, é, tía tô…, góp phần làm nổi tiếng các món ăn dân dã ở Hội An và Quảng Nam như mì Quảng, cao lầu, bánh xèo, nem lụi… Giờ đây, rau sống Trà Quế trở thành một thương hiệu rau nổi tiếng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rau. Rau Trà Quế đã vươn tầm ra khỏi khu vực Quảng Nam và có mặt tại các siêu thị ở TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh,…
Nông dân trồng rau làm du lịch
Thời dịch Covid-19 chưa hoành hành, có dịp ghé thăm Trà Quế. Vào gần vườn rau, chúng tôi thấy có một đoàn du khách nước ngoài, mặc áo nâu đi chậm rãi trên con đường xuyên qua cánh đồng rau bằng phẳng, xinh đẹp, sạch sẽ. Hai bên đường là những luống rau xanh tốt mỡ màng.
Những người nông dân đang chăm chỉ, cần cù làm việc trên cánh đồng rau của mình mà không nhìn ngó hay ngạc nhiên khi có nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tìm hiểu được biết, làng trồng rau Trà Quế là điểm du lịch độc đáo cho du khách trong và ngoài nước từ lâu. Người Trà Quế có cách làm du lịch riêng theo kiểu “homestay” (nghĩa là du khách cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân). Họ sắm những bộ áo quần nông dân có màu nâu, dép lê, nón lá và dựng những ngôi nhà dành cho du khách nghỉ ngơi.
Làng rau Trà Quế - địa điểm du lịch sinh thái được nhiều du khách quốc tế lựa chọn trải. |
Du khách sẽ được người trồng rau bày cho cách cuốc đất, vun hàng, bón rong, trồng rau, tưới nước và chăm bón rau. Nhưng trước khi xuống các vườn rau để làm nông dân, du khách sẽ xem các loại rau Trà Quế đã trồng. Sau khi làm nông dân xong, du khách có thể theo gia chủ về nhà nghỉ trưa, đồng thời chế biến và thưởng thức những món ăn đặc sản từ rau Trà Quế, rồi mắc võng hoặc nằm trên những chõng tre ngoài vườn mát mẻ để nghỉ ngơi, trao đổi, đọc sách, thư giãn trong không gian miền quê yên tĩnh.
Những “ông Tây” cuốc đất trồng rau
Du khách đến Hội An không khỏi tò mò tìm đến làng rau Trà Quế, đôi khi chỉ để mục sở thị những luống rau xanh và những “ông Tây” to lớn đang cuốc đất, gánh nước tưới, bón rong, trồng rau… Song, những du khách nước ngoài này không những giúp cho các hộ trồng rau một công đoạn nào đó mà còn phải “pay money” (trả tiền) dịch vụ nữa!
“Nhờ dịch vụ này mà mỗi tháng gia đình tui có thu nhập hơn 6 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống…”, ông Huỳnh Nông, một người dân ở làng rau Trà Quế cho biết.
Hằng ngày có rất nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến Trà Quế thăm quan và cùng làm... nông dân. Nhiều học sinh, sinh viên cũng có dịp trải nghiệm cuộc sống nhà nông, thực hành công việc làm ra sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, du khách ngoại quốc rất thích thú được trải nghiệm bởi cách trồng rau “thủ công” ở đây khác xa xứ sở “công nghiệp” của họ.
Cũng chỉ đơn thuần là một làng trồng rau, nhưng làng rau Trà Quế như một bức tranh làng quê sinh động. Vài chỗ có giàn bầu đang ra trái hay những giàn mướp nở đầy hoa vàng trong nắng sớm làm duyên cho làng rau nức tiếng xứ Quảng.