“Nhật ký trong tù” qua bút pháp của Cựu chiến binh Nghệ nhân dân gian Phan Thanh Sơn
Nghiên cứu - Trao đổi 25/12/2023 14:11
NNDG Phan Thanh Sơn (nghệ danh Thiện Nhẫn) hiện là Phó Chủ tịch CLB Nghệ nhân Thư pháp Việt (trực thuộc Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam), ông từng là một thầy giáo bộ môn Radar của Trường Đại học Trần Đại Nghĩa (tên cũ là Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự Vinhempich).
Sau khi rời quân ngũ, ông đã đi sâu vào nghiên cứu nghệ thuật thư pháp, đó là nghệ thuật tạo hình chữ viết, thể hiện những suy nghĩ nội tâm của người viết và giúp người viết rèn phẩm chất kiên trì, cẩn trọng, tỉ mỉ, chiêm nghiệm và thực hiện những triết lí cao đẹp của cuộc sống. Theo thời gian, thư pháp đã hòa trong mạch sống nghệ thuật dân tộc và có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống văn hóa xã hội.
Lễ đón nhận “Kỉ lục Việt Nam” dành cho NNDG Phan Thanh Sơn (người mặc áo dài dân tộc) về tác phẩm “Nhật ký trong tù” và 133 lời dạy của Bác Hồ viết bằng Thư pháp chữ Việt lớn nhất Việt Nam. |
Sự phát triển của Thư pháp chữ Việt hiện đại là sự đột phá mới mang tính sáng tạo trong nghệ thuật dân tộc, vừa mang tính đổi mới việc sử dụng chữ Latinh, vừa đậm nét truyền thống, lưu giữ phong cách nghệ thuật cổ xưa. Tính biểu cảm trong nghệ thuật Thư pháp chữ Việt thể hiện khá rõ nét thẩm mĩ của người viết cũng như thị hiếu của người thưởng lãm, hướng đến sự hài hòa bình dị, mang chất thơ, chất lãng mạn cho nét chữ Việt. Nội dung trong Thư pháp chữ Việt thường là ca dao, tục ngữ, những lời dạy của danh nhân, những bài thơ, lời thơ giàu chất trữ tình, triết lí nhân văn…
Trong quá trình say mê bộ môn nghệ thuật dân tộc suốt 20 năm, ý tưởng viết thư pháp những áng văn thơ, những lời dạy bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là đề tài ông tâm huyết nhất. Ông đã viết không biết bao nhiêu trang Thư pháp về những nội dung đặc biệt này để tặng những độc giả yêu thích thư pháp, để trưng bày, triển lãm trong các sự kiện văn hóa, các lễ hội, lễ Tết ở khắp các nơi trong và ngoài TP Hồ Chí Minh…
Song, ý tưởng viết thư pháp toàn bộ tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Bác chỉ nảy ra sau khi được dịch giả Hoàng Bá Vy - hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tặng cho ông cuốn "Ngục trung nhật ký" (Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2020).
Ông nhận thấy, đây là một tác phẩm lần đầu tiên được dịch theo vần lục bát, càng đọc càng lôi cuốn, gợi nên cảm xúc đặc biệt… Thế là ông quyết định thể hiện những dòng thơ lục bát ấy bằng thư pháp nghệ thuật. Vấn đề là cả một quyển sách thì phải làm thế nào, bởi trang thư pháp không phải như trang giấy thông thường… Khó, gian nan và chưa từng có ai làm để mà học hỏi kinh nghiệm… Nhưng cái ý tưởng đẹp đẽ ấy, chứa đầy niềm tin ấy cứ đau đáu, cháy bỏng trong tim ông.
Và rồi sau tất cả suy nghĩ, nghiên cứu mày mò… ngày 19/5/2022, đúng kỉ niệm 132 năm sinh nhật Bác, ông viết những dòng chữ đầu tiên. Ông coi đây là một công trình văn hóa đặc biệt của đời mình kính dâng Người nhân dịp 133 năm Ngày sinh của Người, cũng là dịp 80 năm Người hoàn thành tập “Nhật ký trong tù” bất hủ.
Lễ tiếp nhận tác phẩm thư pháp “Nhật ký trong tù” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
Để kịp tiến độ, ông đã dồn hết tâm sức, tình cảm, niềm đam mê để viết với trách nhiệm cao nhất và nghiêm túc nhất. Sau nhiều thể nghiệm, tìm tòi, làm đi làm lại bằng các loại giấy cao cấp, cuối cùng ông chọn vải toan (Hàn Quốc) làm trang sách để viết. Loại vải này các họa sĩ thường dùng để vẽ tranh sơn dầu, có khổ rộng 1,6m và độ dài phải dùng là 25m. Nét đặc sắc nhất của cuốn sách là độc bản, không qua in ấn mà viết thư pháp trực tiếp bằng bút lông trên vải toan, ép nóng hai mặt vải vào nhau, tạo nên kích thước mỗi trang sách là 81cm x 115cm. Xung quanh mỗi trang phải dùng máy chuyên dùng để may đường bo bằng lụa, vừa tạo thẩm mĩ vừa bền hơn.
Mặt trước của các trang là các bài thơ của Bác bằng chữ Hán Nôm (ở trên) và bằng chữ thuần Việt (ở dưới). Mặt sau của các trang là 133 lời dạy của Bác dành cho Đảng ta và với các tầng lớp Nhân dân về đạo đức cách mạng, lòng yêu nước, lẽ sống và quan hệ bạn bè quốc tế... Dưới mỗi lời dạy của Bác đều được ghi rõ xuất xứ Bác viết và nói ở đâu, thời gian nào. Những trang này đều có nền bằng in kĩ thuật 3D hình bông Sen và chân dung của Người, 280 trang của cuốn sách Thư pháp “Nhật ký trong tù” được đặt trong một hộp gỗ Gõ quý, đóng mở dễ dàng. Khuôn khổ “hộp” sách dài 131cm, rộng 99cm, cao 41cm, nặng gần 260kg.
Ông đã dành thời gian, tâm sức nỗ lực để hoàn thành cuốn sách Thư pháp vào ngày 16/8/2023. Không giấy bút nào có thể tả hết được sự kiên cường, tâm huyết của người nghệ nhân, đã góp phần lan tỏa tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong xã hội, trong mỗi chúng ta...
Cuốn sách Thư pháp "Nhật ký trong tù" của Nghệ nhân Phan Thanh Sơn đã được Tổ chức Kỉ lục Việt Nam, Kỉ lục châu Á công nhận. Ngày 15/12/2023, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội đã tổ chức lễ tiếp nhận tác phẩm thư pháp “Nhật ký trong tù”. Phát biểu tại lễ tiếp nhận, TS Vũ Mạnh Hà, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: “Bảo tàng Hồ Chí Minh rất vui mừng được NNDG Phan Thanh Sơn trao tặng tác phẩm thư pháp “Nhật ký trong tù”. Bảo tàng Hồ Chí Minh rất trân trọng tình cảm sâu sắc của NNDG Phan Thanh Sơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và chân thành cảm ơn ông đã gửi gắm niềm tin nơi Bảo tàng. Chúng tôi sẽ gìn giữ, bảo quản, phát huy giá trị và giới thiệu đến đông đảo công chúng hiện vật mà ông trao tặng”.