Nhân văn với mọi mảnh đời
Nhịp sống văn hóa 27/07/2020 17:39
Trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay, mô hình CLB đã góp phần không nhỏ giảm tải gánh nặng cho chính quyền địa phương khi thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò NCT…
Buổi sinh hoạt của CLB LTHTGN thôn Ba Khe |
Buổi sinh hoạt đặc biệt của CLB LTHTGN thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái hôm ấy trở thành ngày hội của các thành viên và nhân dân. Các bà, các chị người Thái, người Tày, người Kinh đan xen, xúng xính trong những bộ váy áo mới rực sắc màu văn hóa bản địa. Mái tóc dài mượt “tằng cẩu” gọn gàng. Khuôn mặt thêm hút má hồng, môi đỏ xinh tươi. Lời ca tiếng hát thêm bay bổng, bài dưỡng sinh càng đẹp càng đều.
Ông Cù Đức Đua, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh cho biết: CLB LTHTGN Ba Khe là CLB đầu tiên của huyện, cũng là 1 trong 7 CLB đầu tiên của tỉnh Yên Bái. Ra đời năm 2017, với 44 thành viên, đến nay đã khẳng định hiệu quả trong đời sống cộng đồng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm và tạo điều kiện cho CLB hoạt động. Để tạo vốn quỹ, Chủ nhiệm CLB đã vận động đơn vị cũ ủng hộ 20 triệu đồng; còn UBND xã thì dành 300m2 đất ruộng. Từ đó, CLB tổ chức cho hội viên lao động luân phiên, trồng cói, dệt chiếu rồi bán lấy tiền nhập quỹ.
Tiết mục văn nghệ của CLB LTHTGN thôn Ba Khe |
Chủ nhiệm Hoàng Minh Thủy phấn khởi: Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dần dần, hoạt động đi vào nền nếp nền nếp, ổn định, sinh hoạt đều đặn mỗi tháng một lần. 8 mảng hoạt động được triển khai, sôi nổi nhất vẫn là hoạt động văn hóa, thể thao. Sáng sáng, chiều chiều, tại sân nhà văn hóa khu lại đông vui tấp nập; đông đủ các ông bà, con cháu cùng luyện tập dưỡng sinh, bóng chuyền hơi và giao lưu văn nghệ, phấn chấn cả một vùng quê nghèo. Một tổ 10 tình nguyện viên được hình thành, thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ thành viên khó khăn không đi lại được hoặc cô đơn cần người tâm sự. Nòng cốt của CLB là các thành viên Ban Chủ nhiệm, mỗi người phụ trách, theo dõi một mảng như tăng thu nhập, chăm sóc sức khỏe, tình nguyện viên, hỗ trợ cộng đồng... Với tinh thần năng động, sáng tạo, tâm huyết, 5 thành viên Ban Chủ nhiệm như con thoi lăn lộn với phong trào, để CLB thực sự là sân chơi bổ ích, là nơi gửi gắm tâm tư nguyện vọng, rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần cho các thành viên.
Sản phẩm chiếu cói của CLB LTHTGN thôn Ba Khe |
Bà Sa Thị Chi, 62 tuổi chia sẻ: Là thành viên CLB từ ngày đầu thành lập, được vui chơi, được lao động và làm những việc có ích, cảm thấy mình tự tin hơn rất nhiều. Sức khỏe được cải thiện rõ rệt, tinh thần sảng khoái, vui vẻ. Không chỉ tự chăm lo cho bản thân, chăm sóc thành viên trong CLB, chúng tôi còn tham gia dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng hoa làm đẹp cảnh quan và đóng góp vào các phong trào do địa phương phát động.
Đã 95 tuổi, cụ Đinh Thị Thanh sức khỏe giảm sút nhiều. Mặc dù ở gần các con nhưng ai nấy đều mang gánh nặng trên vai cuộc sống của cả gia đình nên không có điều kiện thường xuyên chăm lo cho mẹ. CLB cử 2 tình nguyện ngày ngày đến thăm, hỗ trợ cụ các công việc gia đình như nấu cơm, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa, lại còn nhổ cỏ trồng rau trong vườn… Có người ra người vào, câu chuyện câu trò, cụ Thanh vui vẻ trở lại, không còn ủ rũ buồn rầu như trước.
Thăm mô hình nuôi ba ba giống của hội viên |
Là thương binh bậc 2/4, mọi sinh hoạt thường ngày của ông Đinh Công Bút gặp nhiều khó khăn. Mỗi tuần vài lần, tình nguyện viên được phân công theo dõi giúp đỡ, hỗ trợ các công việc gia đình, trò chuyện, động viên tinh thần, giúp ông vơi bớt nhọc nhằn và vượt lên mặc cảm bệnh tật.
Mô hình nuôi ba ba thịt và bán giống của bà Dương Thị Văn từ ngày được CLB hỗ trợ vay vốn đã phần nào cải thiện. Bà bảo, nuôi ba ba phải đầu tư lớn, đối với dân nghèo ở Cát Thịnh thì đó là cả một khối tài sản. Tuy đã vay ngân hàng nhưng ông bà vẫn rất cần nguồn hỗ trợ từ vốn quỹ tăng thu nhập nên đã đề xuất và được CLB cho vay 10 triệu đồng. Từ đó, ông bà mở rộng quy mô ao nuôi, mua thêm con giống và thức ăn chăn nuôi, từng bước tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. “Thương hiệu” ba ba của ông bà được bà con khắp vùng biết đến, kinh tế gia đình được cải thiện. Không chỉ làm giàu cho gia đình, bà Văn còn là tổ trưởng tình nguyện viên, sẵn sàng hỗ trợ kĩ thuật, giống vốn để những hoàn cảnh khó khăn cùng vươn lên trong cuộc sống.