Nghề luật sư ở Việt Nam: Vui, buồn và… những đam mê
Tâm sự 05/01/2020 02:31
Phiên tòa sáng nay kết thúc sớm hơn dự tính. Tôi nhanh chóng di chuyển đến một quán cà phê nhỏ ở con phố đối diện, để chuẩn bị gặp khách hàng theo lịch hẹn. Nhấp một ngụm cà phê nâu đá, tôi bâng quơ nhìn ra dòng người tấp nập ngoài phố, rồi tư lự một mình. Những ngày Tết cận kề, mặc nhiên phố phường cũng có phần sôi động và vội vã hơn. Cái không khí ngày cuối năm dễ khiến người ta bồn chồn với nhiều suy tư. Tôi nghĩ về phiên tòa ban sáng, về những điều chuẩn bị trao đổi với khách hàng, rồi đọc vài trang báo mạng về những tin tức thường nhật. Trong vài khoảng lặng, tôi lại nghĩ về mình, về cuộc sống, về nghề luật sư bao năm tôi theo đuổi…
Nghề nghiệp đến với mỗi người như một cái duyên. Người ta vẫn thường nói: Nghề chọn người, chứ người không chọn được nghề. Câu nói đó, ngẫm lại chính bản thân mình tôi mới thấy đúng.
Luật sư Hoàng Văn Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa |
Tôi vốn xuất phát là một chàng trai chuyên sử. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi ôn thi vào trường sư phạm, nhưng thiếu điểm nên mất thêm một năm ở nhà dùi mài kinh sử. Cuối cùng, tôi chọn thi vào Đại học Luật Hà Nội, dù ngành luật đối với tôi lúc đó không phải niềm yêu thích. Thời điểm tôi ra trường, vào những năm 2006 – 2007, lúc ấy ngành luật chưa có nhiều cơ hội việc làm như hiện tại. Cử nhân luật chúng tôi, hoặc về làm việc tại các cơ quan Nhà nước ở địa phương, hoặc tiếp tục theo học khóa đào tạo luật sư tại Học viện Tư pháp, để lấy chứng chỉ hành nghề. Ban đầu, tôi cũng về quê làm việc tại Sở Tư pháp, nhưng cảm thấy công việc Nhà nước khá gò bó, không phù hợp với mình, nên quyết định nghỉ việc, lựa chọn đi theo hướng còn lại. Vẫn phải thừa nhận một lần nữa, vào vào thời điểm đó, tôi đến với nghề luật sư không xuất phát từ niềm đam mê, chỉ nghĩ đơn giản, có lẽ đó là công việc khả quan nhất.
Nhưng giờ đây, sau hơn mười năm hành nghề, “chinh chiến” qua bao vụ án lớn nhỏ, tôi càng cảm thấy được lựa chọn của mình là đúng đắn, càng làm càng thấy yêu, tự hào và gắn bó với nghề. Chẳng phải ngẫu nhiên, người ta vẫn nhắc về nghề luật sư là một trong những nghề cao quý của xã hội, bởi đó là nghề hội tụ những câu chuyện nhân tình thế thái, những nỗi buồn, góc khuất của cuộc đời, số phận con người. Cái nghề cần có kiến thức vừa sâu, vừa rộng, vừa cần có kĩ năng và kinh nghiệm, ứng xử nhanh nhạy, đặc biệt phải có đạo đức, tâm huyết.
Luật sư Hoàng Văn Tùng tranh tụng trong một vụ án |
Thật vậy, công việc này đã mang đến cho tôi nhiều bài học giá trị mà tôi muốn gói gọn trong hai chữ: “Tâm” và “Nhẫn”. Trong nghề luật sư, “Tâm” là tận tụy, tâm huyết và cống hiến hết mình; tháo gỡ, xử lí đến cùng mọi vấn đề mà khách hàng yêu cầu. “Nhẫn” là kiên tâm nhẫn nại, không vì khó mà ngại, không vì khổ mà chùn bước. Công việc của người luật sư, đặc biệt luật sư chuyên về tranh tụng, là công việc đặc thù mà khó khăn lớn nhất. Tôi cho rằng, chính là phải làm việc trong môi trường hệ thống pháp luật lỏng lẻo, nhiều lỗ hổng mà những người nắm trong tay quyền vận hành bộ máy Nhà nước thì cứng nhắc, bảo thủ, thường xuyên gây khó dễ cho luật sư trong quá trình đồng hành cùng thân chủ đi tìm lại công bằng, công lí.
Bởi vậy, trong suốt nhiều năm hành nghề luật sư, niềm vui của tôi thì ít mà nỗi buồn, nỗi trăn trở nhiều vô kể. Nghề nghiệp cho tôi cơ hội tiếp xúc với nhiều số phận trong xã hội, chủ yếu là những người dân lam lũ, vất vả. Những người dân hàng chục năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, sinh tồn cùng đồng ruộng, cuối cùng lại bị lợi dụng sự “thấp cổ bé họng” để lấy đất, rồi bồi thường với giá rẻ mạt một cách ngang nhiên, tùy tiện và bằng thái độ thờ ơ, vô cảm. Cái thờ ơ, vô cảm từ “trên” xuống “dưới” ấy, chính là một trong những yếu tố gây nên nỗi buồn lớn nhất cho người luật sư. Sự thật khách quan, hay nguyên tắc thượng tôn pháp luật, cũng không chiến thắng được ý chí chủ quan của những cơ quan công quyền. Có những vụ kiện tôi theo đuổi từ năm này qua năm khác, có nhiều vụ bị xử thua một cách oan ức, bằng những phán quyết lạnh lùng, cố tình triệt tiêu sự thật, dù rõ ràng giấy trắng mực đen... Tôi vẫn nhớ phiên tòa hình sự gần đây nhất tôi tham gia bào chữa, phiên tòa xét xử vụ đại án Thủy điện Sơn La, liên quan đến công tác thu hồi đất và bồi thường, tái định cư. Có thể nói, đó là vụ án để lại trong tôi, cũng như nhiều luật sư đồng nghiệp nhiều trăn trở nhất, bởi vụ án rõ ràng có dấu hiệu oan sai, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn dựa trên những tài liệu, chứng cứ vô cùng mờ nhạt, lỏng lẻo để áp đặt ý chí chủ quan bằng một bản án cho 17 bị cáo, khi các yếu tố cấu thành tội phạm không được chứng minh. Phán quyết của Tòa án không xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Đây cũng là một trong những điều đáng lo ngại nhất của những người hành nghề luật sư chân chính, khi tình trạng “án bỏ túi”, “án chỉ đạo”, “thỉnh thị án” hay cơ chế thống nhất đường lối giải quyết liên ngành, đang làm triệt tiêu khả năng tìm kiếm công lí và sự thật.
Luật sư Hoàng Văn Tùng và nhà báo Trần Mỹ, phóng viên Báo Người cao tuổi |
Mặc dù vậy, chưa bao giờ tôi chán nản với nghề, bởi chúng tôi đã nỗ lực đến cùng. Và dẫu sao, dù thành công hay thất bại, đó cũng là cái nghiệp mà người luật sư phải chấp nhận mang vác trong suốt thời gian hành nghề. Nói về niềm vui trong nghề thì hiếm hoi, nhưng không phải không có. Tôi vui vì đã giúp biết bao thân chủ tháo gỡ được những vướng mắc của họ, trong các quan hệ dân sự, kinh doanh thương mại... Vui mừng vì nhờ bài bào chữa của mình trong các vụ án hình sự, mà thân chủ được giảm mức án. Vui mừng vì tại các phiên tòa hành chính, bằng phát biểu của mình, tôi đã lên tiếng thay cho bao người dân nghèo, không chỉ về các vấn đề pháp lí, quyền và lợi ích chính đáng của họ, mà còn là những tâm tư, nguyện vọng của người dân, mà chính quyền và các cơ quan tố tụng chưa thấu hiểu… Nhìn chung lại, với tôi, điều làm nên niềm vui, động lực và cũng khiến tôi trân quý nhất, đó chính là sự ghi nhận từ những thân chủ của mình. Dù bị o ép vào tình cảnh ngặt nghèo nhất, họ vẫn tin tưởng vào pháp luật và đặt niềm tin triệt để vào luật sư.
Ngày nay, thế hệ trẻ đang hướng đến nghề luật sư nhiều hơn. Điều đó cho thấy nghề nghiệp này đang có rất nhiều triển vọng. Những người luật sư được tôn vinh, bởi họ phụng sự cho công lí, đóng góp cho công cuộc cải cách tư pháp của Đảng, của Nhà nước. Nhưng giống như ánh hào quang của người nghệ sĩ trên sân khấu, thế hệ trẻ tất nhiên chưa mường tượng hết những khó khăn khi thực sự bước chân vào.
Tôi nghĩ, bất cứ một nghề nào, một cá nhân nào cũng đều có một thời kì khởi đầu đầy gian nan, trước khi được xã hội ghi nhận và coi trọng. Nhưng “ngọc bất trác bất thành khí”, mọi thành công, vinh quang đều không tự nhiên có được. Nó đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó việc rèn giũa, phát triển nhân tố “con người”, đặc biệt cái “tâm” với nghề là điều cực kì quan trọng. Người luật sư muốn tồn tại, phải là người trước hết sống bằng cái tâm trong sáng, theo nghề bằng con đường chân chính, bằng việc vận dụng đúng pháp luật. Và sau cùng, tôi luôn lấy đó làm “kim chỉ nam” trong hoạt động nghề nghiệp của mình.
Trước thềm năm mới, dẫu còn nhiều tâm sự chưa thế nói hết trong khuôn khổ hạn hẹp này, song tôi muốn được góp tiếng nói của mình để truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, những người đang định hướng theo nghề luật sư trong tương lai, đồng thời cũng là chia sẻ cùng những luật sư đồng nghiệp về những khó khăn, thách thức trước mắt, mà chúng ta phải đối mặt. Đứng trước những trái ngang của cuộc sống, những khó khăn, áp lực và sự gian truân trong công việc, tôi hi vọng chúng ta, những người hành nghề chân chính sẽ luôn giữ được sự bình tĩnh và bản lĩnh của mình; lạc quan, tin tưởng vào sự nghiệp mà mình đã theo đuổi, tin tưởng vào công lí, vào sứ mệnh vinh quang của nghề nghiệp.