Nghề công tác xã hội, thực trạng và giải pháp
Nghiên cứu - Trao đổi 18/09/2022 08:00
Nếu so sánh tính chuyên nghiệp của công tác xã hội (CTXH) ở nước ta với các nước phát triển, ngay cả các nước trong khu vực chúng ta thấy còn một khoảng cách và có sự thiếu hụt.
NCT cần được chăm sóc toàn diện cả về vật chất, tinh thần và sức khỏe |
Thể chế, bộ máy và cán bộ
Về mặt thể chế, cơ sở pháp lí cho sự phát triển ngành, nghề CTXH và đào tạo cán bộ xã hội ở nước ta còn rất mới mẻ, chưa hình thành một cách đầy đủ và có hệ thống. Mặc dù đến thời điểm hiện nay, nhiều cấp lãnh đạo đã nhận thức được vai trò của ngành, nghề CTXH đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam, nhưng thực tế vẫn chưa có sự đồng bộ trong nhận thức về vị trí, vai trò cũng như sự thừa nhận chính thức một cách rộng rãi đối với CTXH, dịch vụ CTXH.
Về tổ chức bộ máy, nước ta chưa có hệ thống tổ chức mang tính chuyên nghiệp về CTXH, đặc biệt ở các cấp huyện, cơ sở và cộng đồng, mặc dù ở cả cấp trung ương và địa phương vẫn có một số cơ quan chức năng đảm nhiệm thực thi CTXH. Tình trạng nhiều cơ quan hoạt động bán chuyên nghiệp vẫn là chủ yếu dẫn đến chất lượng, hiệu quả CTXH chưa cao, lãng phí nguồn lực. Do thiếu cơ sở pháp lí và các điều kiện cần thiết khác như nhân sự, bộ máy... nên đến nay các Hội, Hiệp hội liên quan đến CTXH ở Việt Nam còn rất mới, non trẻ và mới chỉ đang dần hình thành.
Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các giảng viên có trình độ cao về CTXH còn rất ít. Mặt khác chưa có cơ chế và sự phối kết hợp trong công việc để huy động tổng hợp các nguồn sức mạnh hiện có đang hoạt động trong lĩnh vực CTXH, các cán bộ được đào tạo trong ngoài nước về CTXH từ nhiều nguồn khác nhau, các sinh viên được đào tạo về CTXH mới ra trường...
Mạng lưới cán bộ xã hội, cộng tác viên, tình nguyện viên và tổ chức hoạt động CTXH còn nhiều hạn chế, thiếu về lực lượng, yếu về chất lượng. Bên cạnh đó cơ chế hoạt động, phụ cấp kinh phí cũng như điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, bất cập, đó là những hạn chế cho sự phát triển mạng lưới nhân viên CTXH hoạt động có hiệu quả. Hoạt động dịch vụ CTXH mang tính chuyên nghiệp chủ yếu vẫn do nhiều tổ chức phi chính phủ làm dưới các tên gọi như trung tâm, hội, nhà, văn phòng. Cán bộ xã hội hoạt động trong các cơ quan nhà nước quản lí chủ yếu vẫn mang tính chất bán chuyên nghiệp.
Hiện tại CTXH đang được cán bộ ở nhiều ngành tham gia, tuy nhiên, những cán bộ đó trên thực tế là cán bộ thuộc biên chế của những tổ chức, cơ quan, đơn vị cụ thể, do vậy trước hết họ phải thực hiện chức trách của người thuộc tổ chức, cơ quan, đơn vị đó; CTXH chưa phải là công việc chính thường xuyên của họ. Vì vậy, về lâu dài CTXH cần có tổ chức bộ máy phù hợp.
Trung tâm Chăm sóc NCT Bách niên Thiên Đức đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng NCT |
Những cán bộ thuộc biên chế của các tổ chức, cơ quan, đơn vị mà công việc của họ gắn bó chặt chẽ với việc thực hiện CTXH cũng không ổn định. Trên thực tế, do các yếu tố khác nhau, việc thay đổi vị trí công tác của cán bộ ở các tổ chức, cơ quan, đơn vị luôn thay đổi. Trong nhiều trường hợp, người đang quen việc, có nhiều thế mạnh trong việc thực hiện công việc liên quan đến CTXH không ổn định. Kiến thức, kĩ năng về CTXH của cán bộ ở các tổ chức, cơ quan, đơn vị mà công việc của họ liên quan chặt chẽ với việc thực hiện CTXH nhìn chung còn chưa đáp ứng yêu cầu công tác, cần có các cuộc tập huấn, bồi dưỡng trang bị kiến thức, kĩ năng về CTXH cho đội ngũ cán bộ này, đặc biệt là các vấn đề tư vấn, tiếp xúc, bảo vệ...
Cán bộ, nhân viên làm ở một số vị trí khá nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng (như chăm sóc người tâm thần, HIV/AIDS, người bị các bệnh dễ lây nhiễm, người là nhân chứng, bảo vệ nạn nhân...) nhưng chế độ bảo vệ, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, rõ ràng với công việc mà họ thực hiện. Do vậy, cần bổ sung chế độ phù hợp cho đối tượng cán bộ, nhân viên này.
Người đi chăm sóc người thân ở các bệnh viện, đặc biệt là những người thuộc hộ nghèo, hộ kinh tế khó khăn, ở xa bệnh viện, cơ sở chữa bệnh hiện nay đang gặp rất khó khăn (ăn, ở, chi phí chữa bệnh...). Nhà nước cần tổ chức, quản lí các dịch vụ liên quan để hỗ trợ.
Nhận thức xã hội và các quy định pháp luật
Hiện nay các ngành, các cấp, nhiều người dân còn chưa hiểu biết nhiều về CTXH, về cán bộ xã hội, hầu hết đều cho rằng CTXH là hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn, yếu thế; thực hiện luật pháp, chính sách xã hội thuần túy đối với các đối tượng xã hội và ai cũng có thể làm được, chỉ cần có nhiệt tình, tâm huyết. Do đó việc tuyển dụng, sắp xếp, bố trí cán bộ không phù hợp với vị trí công tác, coi bất cứ ai làm việc trong các lĩnh vực như lao động xã hội, chăm sóc trẻ em, chữ thập đỏ hay đoàn thanh niên đều được xem là cán bộ xã hội. Do đó làm ảnh hưởng đến chất lượng triển khai thực hiện luật pháp, chính sách, các dịch vụ CTXH tới các đối tượng.
Khám mắt cho NCT |
Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH, tuy nhiên trong thời gian tới, để Đề án vận hành tốt, đi vào cuộc sống chúng ta còn phải đối mặt với nhiều thách thức như hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, hệ thống chức danh nghề, thang bảng lương, quy định về đăng kí hành nghề CTXH để có các bước đi cụ thể, phù hợp cho ngành, CTXH phát triển.
Việt Nam đã có hàng chục cơ sở đang tiến hành đào tạo CTXH, cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ nhưng đội ngũ giảng viên còn thiếu, nhiều trường thiếu giáo viên được đào tạo căn bản về CTXH; hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo còn chưa đủ, chưa bài bản, chưa thống nhất... nên ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra.
Qua nghiên cứu, rà soát, hầu hết các quy định về nghề CTXH trong hệ thống pháp luật còn rải rác, chưa tập trung, thiếu đồng bộ, thống nhất và khó thực hiện, cần phải bổ sung, điều chỉnh hoặc xây dựng mới. Chúng ta chưa có Bộ quy tắc thực hành, tức là CTXH chưa được công nhận là một nghề thông qua các luật liên quan, được Nhà nước thông qua và giao cho các ngành đào tạo có chứng chỉ, xây dựng bộ quy tắc ứng xử, công nhận bằng cấp của những người được đào tạo. Hơn nữa, chúng ta cần có quy định việc cấp giấy phép hành nghề cho các cán bộ xã hội và đăng kí hành nghề của cá nhân, tổ chức hoạt động CTXH. Trên cơ sở này có hình thức hủy hoặc thu hồi giấy phép cho những cá nhân, tổ chức vi phạm luật pháp hay quy định về đạo đức nghề CTXH.
Cán bộ CTXH cần phải được coi là một phần trong hệ thống xem xét, xử phạt tại cộng đồng, án treo, ân xá, và phúc lợi cho tù nhân... Vấn đề này cũng cần được luật pháp hóa và quy trình can thiệp, trợ giúp các đối tượng có nhu cầu trong các dịch vụ CTXH cũng cần được nêu cụ thể trong các quy định chuyên ngành để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra.
(Còn nữa)