Nghề Công tác xã hội, thực trạng và giải pháp
Nghiên cứu - Trao đổi 17/09/2022 07:00
Quang cảnh buổi tọa đàm NCT tham gia xây dựng nông thôn mới do Hội NCT TP Hà Nội tổ chức |
Sau 10 năm triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH), các cơ sở có liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH được phát triển ở nhiều ngành, lĩnh vực. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ CTXH cho các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội, cai nghiện; ngành Y tế đã ban hành Thông tư quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ CTXH của bệnh viện; ngành Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn CTXH trong trường học...
Mô hình các trung tâm CTXH
Để gia tăng hiệu quả, chất lượng trợ giúp các đối tượng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 09 ngày 10/6/2013 hướng dẫn các địa phương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các mô hình Trung tâm CTXH; phối hợp với Bộ Tài chính hỗ trợ các tỉnh, thành phố hình thành trung tâm CTXH, nâng tổng số lên 425 cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 30% đối tượng.
Đến nay, rất nhiều mô hình trung tâm CTXH vận hành hiệu quả, cung cấp dịch vụ CTXH cho hàng nghìn lượt đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp và các đối tượng khác. Các tỉnh, thành phố từng bước chuyển đổi hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ CTXH đối với người cao tuổi, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn tại một số tỉnh, thành phố.
Khám sức khỏe cho NCT bằng thiết bị hiện đại tại Bệnh viện Thu Cúc |
Đến nay, đã có 45 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần; trong đó có 27 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, 19 cơ sở tổng hợp. Tổ chức lao động sản xuất, phục hồi chức năng cho đối tượng. Phần lớn các cơ sở liên kết với tiểu thương, tổ chức, cá nhân, tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề, tạo việc làm cho người tâm thần thông qua các nghề chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng nấm, sản xuất hương, vàng mã, giấy bản, trồng cây cảnh… tạo thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần cho đối tượng. Một số trung tâm đã tự bảo đảm thực phẩm hằng ngày cho đối tượng và còn cung cấp thực phẩm, sản phẩm ra ngoài thị trường. Trợ giúp các đối tượng tham gia các hoạt động tập thể như tự quản, sinh hoạt văn hóa, thể thao phù hợp lứa tuổi và sức khỏe.
Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi trung tâm trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống.
Cán bộ, cộng tác viên nghề CTXH
Từ năm 2007, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn cộng tác viên CTXH cấp xã phường, quy định nhiệm vụ chung, nhiệm vụ cụ thể và các yêu cầu về trình độ, năng lực của cộng tác viên CTXH. Đến nay, các tỉnh, thành phố thành lập mạng lưới cộng tác viên CTXH, khoảng 235.000 người làm CTXH; trong đó có trên 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100.000 người làm việc tại các hội, đoàn thể (MTTQ, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Thanh niên, Nông dân, Người cao tuổi, Chữ thập đỏ); trên 100.000 cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng… tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH trợ giúp các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và các đối tượng xã hội khác tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Pha bóng đẹp của NCT tỉnh Quảng Nam |
Đề án phát triển nghề CTXH đã hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu hoàn thiện kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo công tác xã hội hệ cử nhân ở 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành CTXH; có 4 trường đào tạo thạc sĩ, 2 trường đào tạo tiến sĩ CTXH; hằng năm đào tạo và dạy nghề cho khoảng 3.000 người, đào tạo CTXH hệ vừa làm, vừa học cho khoảng 3.500 lượt chỉ tiêu/năm. Hợp tác với Học viện Xã hội châu Á phát triển đào tạo thạc sĩ CTXH tại Việt Nam.
Về đào tạo ngắn hạn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức đào tạo 500 giảng viên dạy nghề CTXH cho các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong cả nước; đào tạo 8 lớp 320 cán bộ, quản lí CTXH cấp cao tại 2 miền Nam - Bắc; đào tạo 25 giảng viên nguồn CTXH cho các trường đại học của Việt Nam. Hằng năm hỗ trợ các tỉnh, thành phố bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 10.000 cán bộ, nhân viên CTXH, sức khỏe tâm thần; phối hợp với một số trường đại học liên quan tổ chức lớp đào tạo CTXH cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc tại các cơ sở chăm sóc, giáo dục, chỉnh hình và phục hồi chức năng đối với trẻ em khuyết tật, cơ sở bảo trợ xã hội, Trung tâm CTXH trong cả nước…
Khám sức khỏe cho NCT tỉnh Sơn La |
CTXH ở Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, nhưng trước đây các hoạt động trợ giúp xã hội về cơ bản cũng đã có ở nước ta và cũng là truyền thống tốt đẹp của Nhân dân ta. Các chính sách an sinh xã hội của chúng ta phản ánh tính nhân văn cao cả, sự huy động nguồn lực từ cộng đồng qua các tổ chức xã hội như nhà chùa, nhà thờ, các tổ chức từ thiện, đoàn thể vào thực hiện các chính sách xã hội ở nước ta là khá lớn, đây được coi là một trong những thế mạnh của nước ta. Chính nhờ có những thế mạnh này mà nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội như công tác xóa đói giảm nghèo, vấn đề dân số và gia đình, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trợ giúp các đối tượng yếu thế, người già cô đơn, người tàn tật… góp phần tạo ra nền tảng ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.
Bên cạnh những cơ hội do việc phát triển nghề CTXH mang lại, chúng ta cũng phải đối đầu với những thách thức, tồn tại nhất định, đó là: 1. Khuôn khổ pháp lí phát triển nghề CTXH chưa được hoàn chỉnh; vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH chưa được xác định cụ thể. Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, nhân viên CTXH chưa được ban hành; chưa có cơ sở pháp lí quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm CTXH cấp tỉnh. 2. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu, chủ yếu mới hình thành ở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, bước đầu thí điểm ở ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo, số lượng đối tượng hưởng thụ rất hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng, chưa dựa vào cộng đồng. 3. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng và chưa được đào tạo chuyên nghiệp. Hệ thống cơ sở dạy nghề CTXH còn thiếu về số lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH tại cộng đồng. Nhận thức về vai trò, vị trí của nghề CTXH ở nhiều cấp, ngành còn hạn chế nên chưa quan tâm xây dựng hệ thống và phát triển nghề CTXH.
Đây là những vấn đề tồn tại, khó khăn đang đặt ra cho các Bộ, ngành, địa phương cần phải giải quyết một cách quyết liệt, thấu đáo nhằm phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp tại Việt Nam.
(Còn nữa)