Nghề công tác xã hội, thực trạng và giải pháp
Nghiên cứu - Trao đổi 15/09/2022 15:02
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến phát triển nghề công tác xã hội (CTXH). Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/03/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020, Hiến pháp năm 1992, 2013 và định hướng phát triển xã hội tại các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực phát triển CTXH, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Trung ương Hội NCT Việt Nam thường xuyên quan tâm, chăm lo hội viên cao tuổi và người có công |
Hiểu đúng về nghề CTXH
Theo các chuyên gia và tổ chức quốc tế, CTXH là một khoa học, một hoạt động chuyên môn bao gồm hệ thống kiến thức, kĩ năng nghiệp vụ và những quy định chuẩn mức đạo đức nghề nghiệp. Hướng trọng tâm của CTXH là tác động tới con người (cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng, đặc biệt là nhóm người yếu thế trong xã hội như người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, gia đình nghèo, nạn nhân của các tệ nạn xã hội, bạo lực, bạo hành…, những người hoàn cảnh khó khăn khó hòa nhập cộng đồng và chức năng xã hội bị suy giảm) trong môi trường xã hội, qua việc can thiệp vấn đề để giúp đỡ phục hồi, nâng cao năng lực, tạo ra những thay đổi về vai trò, vị trí, giúp hòa nhập xã hội, tiếp cận được với chính sách, nguồn lực xã hội.
CTXH là hướng đến trợ giúp cho các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng yếu thế phát triển kĩ năng sống và sử dụng các nguồn lực riêng để giải quyết vấn đề khó khăn. Đồng thời, CTXH cũng hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội rộng lớn hơn như việc làm, nghèo đói và bạo lực gia đình. Nhiệm vụ của CTXH là hỗ trợ con người phát triển tiềm năng, làm phong phú cuộc sống, phòng ngừa những vấn đề khó khăn và giúp tự giải quyết được vấn đề của chính mình.
Phó Chủ tịch Trương Xuân Cừ thăm NCT đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội số III TP Hà Nội |
Nghề CTXH ở Việt Nam
Thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế - xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam đã có những thay đổi tích cực và quan trọng trên nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là tăng trưởng kinh tế phải tiến hành đồng thời với tiến bộ và công bằng xã hội. Song song với tăng trưởng kinh tế phải tập trung cho giảm nghèo, hỗ trợ các đối tượng yếu thế như người già, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo và các đối tượng xã hội khác.
Thực hiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, chính sách về an sinh xã hội hình thành và từng bước hoàn thiện. Trong lĩnh vực an sinh xã hội, tính từ năm 1989 đến nay đã có trên 15 Bộ luật, Luật; 7 Pháp lệnh và hơn 50 Nghị định, Quyết định, Chỉ thị, Thông tư và các văn bản chỉ đạo khác có nội dung về CTXH là cơ sở, tiền đề cho việc thực hiện CTXH ở Việt Nam; trợ giúp các đối tượng, góp phần ổn định xã hội.
Các chính sách an sinh xã hội ngày càng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề. Đối tượng trợ giúp từng bước được mở rộng, mức trợ cấp ngày càng cao hơn, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Đặc biệt các chính sách mới ngày càng mang tính hội nhập, phát huy truyền thống văn hóa, nhân văn của dân tộc và mang tính xã hội hóa, không ỷ lại vào Nhà nước. Hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên làm CTXH ngày càng mở rộng. Đó là những người làm việc trong các lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, phụ nữ, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp các cá nhân, gia đình tan vỡ, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, chăm sóc trợ giúp người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giảm nghèo và trợ giúp người cao tuổi…
Những năm gần đây, chương trình đào tạo nghề CTXH cũng đang bắt đầu ở khoảng 55 trường đại học và cao đẳng, đánh dấu một bước phát triển về ngành CTXH, mở đường cho việc chuyên môn hóa các cán bộ làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội ở nước ta. Hoạt động này không chỉ tạo ra sự phát triển bền vững mà còn góp phần đáng kể giảm tải ngân sách nhà nước trong giải quyết lao động, việc làm và các vấn đề an sinh xã hội khác. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, CTXH giúp con người phát triển đầy đủ, hài hòa và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn; bảo vệ quyền con người, nhân phẩm, giá trị con người, công bằng và bình đẳng xã hội; thúc đẩy xây dựng một xã hội hài hòa vì hạnh phúc của tất cả mọi người.
Trung tâm Chăm sóc NCT Nhân Ái tổ chức Đêm hội Trăng rằm cho NCT và các cháu |
CTXH - đòi hỏi khách quan
Trong lĩnh vực bảo vệ người cao tuổi, người già cô đơn, người tàn tật, khuyết tật, trẻ em, các gia đình có mâu thuẫn, khủng hoảng, nhân viên CTXH đánh giá tình hình, tiếp cận đối tượng, hỗ trợ dịch vụ chăm sóc thay thế hoặc sử dụng các phương pháp tham vấn, giáo dục về mặt xã hội để giúp họ nâng cao kiến thức, kĩ năng trong cuộc sống, các mối quan hệ trong gia đình và tăng cường khả năng ứng phó. Trong những tình huống phải can thiệp là bạo lực gia đình, nhân viên CTXH xác định mục tiêu, có giải pháp để từng thành viên có thể sống cùng nhau một cách an toàn, hòa thuận, giải quyết các bất hòa và xử lí các vấn đề của gia đình. Nhân viên CTXH cũng đảm nhận vai trò quản lí chăm sóc tập trung tại các trung tâm bảo trợ xã hội và hợp tác với các trung tâm để hỗ trợ tâm lí xã hội cho cá nhân có nhu cầu cùng gia đình của họ.
Lĩnh vực tư pháp, nhân viên CTXH cung cấp, hỗ trợ về tâm lí xã hội cho trẻ em và người chưa thành niên trước tòa án, cho dù trẻ là nhân chứng, nạn nhân hay bị cáo; góp phần cùng cha mẹ và người giám hộ giáo dục định hướng, hỗ trợ tâm lí xã hội cho trẻ em và người chưa thành niên phạm tội phục hồi nhân phẩm sau khi ra khỏi trường giáo dưỡng hoặc tìm việc làm.
Trong trường học, nhân viên CTXH giáo dục, tham vấn giải quyết những vấn đề trong học tập, cuộc sống gia đình hoặc ở trường ảnh hưởng đến khả năng học tập của học sinh, sinh viên; phối hợp với giáo viên xây dựng môi trường học tập thuận lợi, giải quyết mâu thuẫn giữa các nhóm học sinh, sinh viên.
Tại các bệnh viện và phòng khám, nhân viên CTXH hỗ trợ về tâm lí xã hội cho bệnh nhân và gia đình khi đối mặt với bệnh tật; đóng góp với bác sĩ quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh; cung cấp hỗ trợ tâm lí xã hội cho quá trình hồi phục của bệnh nhân và thu xếp những dịch vụ hỗ trợ điều trị bệnh.
Các nhân viên CTXH giúp đỡ khu phố, cụm dân cư nhận dạng các vấn đề trong cộng đồng và hỗ trợ tìm nguồn lực cần thiết để giải quyết; có thể là cơ sở vật chất như địa điểm giao lưu, nơi sinh hoạt cộng đồng cho người cao tuổi, thanh niên... Nhân viên CTXH có thể bày tỏ ý kiến đến các cấp chính quyền và các nhà hoạch định chính sách; trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao năng lực tăng cường chức năng xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời phối hợp cung cấp các dịch vụ CTXH nhằm hỗ trợ các trung tâm cai nghiện, trung tâm phục hồi, chữa bệnh, lao động xã hội cho gái mại dâm, người vi phạm pháp luật cũng như các trung tâm chăm sóc và hỗ trợ người bị nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán qua biên giới trở về hòa nhập cộng đồng…
Một xã hội văn minh và tiến bộ rất cần có các chính sách, kế hoạch và pháp luật cụ thể để phát huy các nguồn lực phát triển và tìm các phương thức đa dạng để bảo vệ, chăm sóc hiệu quả những đối tượng yếu thế. CTXH đã chứng minh được tính cần thiết góp phần giải quyết các vấn đề con người và xã hội. Phát triển ngành CTXH theo hướng chuyên nghiệp là đòi hỏi khách quan của công cuộc đổi mới đất nước.
(Còn nữa)