NCT tỉnh Quảng Nam lan tỏa phong trào thi đua làm kinh tế giỏi
NCT làm kinh tế giỏi 29/07/2023 10:08
NCT làm kinh tế giỏi trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp
Cụ Nguyễn Đức Sơn, hội viên Hội NCT xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, là chủ cơ sở chăn nuôi, chuyên cung cấp heo giống và dịch vụ thú y cho nhiều cơ sở chăn nuôi vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh và TP Đà Nẵng. Doanh thu bình quân của cơ sở đạt 11 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm ổn định cho 18 lao động và việc làm thời vụ cho hàng chục lao động khác. Cụ tham gia làm từ thiện và hỗ trợ cộng đồng bình quân 60 triệu đồng/năm, đã được Trung ương Hội Nông dân tặng Bằng khen là “Nông dân làm kinh tế giỏi” năm 2019.
Cụ Trần Tiến, 80 tuổi, hội viên Hội NCT xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành là chủ trang trại trồng rừng, cung ứng cây giống kết hợp với chăn nuôi (trùn quế, ốc bươu...) có doanh thu hơn 12 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 60 lao động và việc làm thời vụ cho hàng chục lao động khác. Cạnh đó, cụ Tiến còn làm từ thiện và hỗ trợ cộng đồng hàng chục triệu đồng/năm. Năm 2018, cụ được Trung ương Hội NCT Việt Nam tặng Bằng khen tại Hội nghị biểu dương NCT làm kinh tế giỏi toàn quốc lần thứ III năm (2013 - 2018).
Ông Nguyễn Đình Tâm, Ủy viên BCH Trung ương Hội NCT Việt Nam, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh trao Giấy chứng nhận cho NCT tiêu biểu làm kinh tế giỏi cấp tỉnh, giai đoạn 2018-2023. |
Ngoài ra, có các cụ Trần Công Thư, hội viên Hội NCT xã Bình Hải, huyện Thăng Bình đầu tư 500 triệu đồng để nuôi tôm sú, ốc bươu, thu nhập bình quân 100 triệu/tháng và có 1 trang trại nuôi gà được Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận thương hiệu, thu nhập hàng tỉ đồng/năm, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen tại Hội nghị Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc năm 2018; cụ Phan Thị Hải, cán bộ Hội NCT phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn có 2 trang trại nuôi gà và 1 trang trại nuôi heo, thu nhập hằng năm trên 5 tỉ đồng;
NCT làm kinh tế giỏi trong sản xuất công nghiệp - xây dựng
Với tâm niệm còn sức khỏe còn cống hiến, cụ Trương Quốc Lâm ở xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, sau khi về hưu, cùng con cháu mạnh dạn bỏ vốn 10 tỉ đồng để thành lập Công ty TNHH MTV Lâm Trường Thịnh, có trụ sở đặt tại thôn Tĩnh Yên, xã Duy Thu. Công ty hoạt động trên lĩnh vực Xây dựng dân dụng, lợi nhuận không dưới 1 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 32 lao động, với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng và việc làm thời vụ cho hàng chục lao động khác. Cụ còn tham gia làm từ thiện và hỗ trợ cộng đồng hàng chục triệu đồng/năm.
Cụ Phạm Ngọc Thành xã Đại Quang, huyện Đại Lộc thành lập Công ty TNHH Thành Phát do mình làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Doanh nghiệp chuyên sản xuất – kinh doanh, khai thác, chế biến nguyên vật liệu xây dựng và thi công các công trình dân dụng như giao thông, thủy lợi, vận tải hàng hóa đường bộ. Cụ thành lập thêm công ty do mình làm Giám đốc điều hành chuyên thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản và sản xuất hàng mộc dân dụng. Đồng thời, cụ còn có trại chăn nuôi hơn 1vạn con gà siêu trứng, một trại chăn nuôi 1.300 con heo thịt, một ao nuôi 5.000 con cá trê, đạt tiêu chuẩn Ocop, cung ứng cho thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng. Doanh thu bình quân 17,25 tỉ đồng/năm, làm nghĩa vụ thuế cho Nhà nước bình quân 1,62 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 70 lao động và việc làm thời vụ cho 31 lao động khác. Trong 4 năm từ 2018 – 2022, cụ làm từ thiện và hỗ trợ cộng đồng 585 triệu đồng (trong đó, có hỗ trợ cho hoạt động của Hội NCT, Hội Khuyến học và các đoàn thể xã 135 triệu đồng). Ngoài ra, giúp NCT gặp khó khăn về vốn mượn (không trả lãi) 2 tỉ đồng để làm kinh tế gia đình. Từ năm 2018 đến năm2021, 3 năm liền cụ được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen là “Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi”.
NCT làm kinh tế giỏi trong sản xuất thủ công - mĩ nghệ
Sản xuất hàng thủ công – mĩ nghệ là một trong những thế mạnh của các doanh nghiệp làm ngành nghề thủ công truyền thống. Đặc điểm nổi bật của các doanh nghiệp do NCT làm chủ, là việc lưu giữ, truyền thụ lại nghề truyền thống cho thế hệ sau tiếp nối. Đến nay, cả tỉnh có 2.653 doanh nghiệp hành nghề thủ công – mĩ nghệ như các làng nghề Chiêm Sơn, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên với các cơ sở làm chổi đót của cụ Phạm Thị Lang, đạt doanh thu bình quân hơn 1 tỉ đồng/năm; cơ sở làm thảm lau chân của cụ Phạm Thị Thông, mặt hàng rất bền đẹp, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng…
Đặc biệt, cụ Lê Viết Tới, hội viên Hội NCT xã Điện An, thị xã Điện Bàn là chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công – mĩ nghệ từ nguyên liệu mây tre, đạt tiêu chuẩn Ocop, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động và việc làm thời vụ cho hàng chục lao động khác. Doanh thu bình quân trên 10 tỉ đồng/năm. Hằng năm, cụ làm từ thiện và hỗ trợ cộng đồng bình quân 50 triệu đồng. Trong 5 năm qua, năm nào cụ Lê Viết Tới cũng đạt danh hiệu “NCT làm kinh tế giỏi cấp tỉnh”. Cụ Nguyễn Kiên, cán bộ Hội NCT thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, năm nay trên 80 tuổi nhưng vẫn còn làm chủ cơ sở gia công đồ mộc dân dụng, với nhiều sản phẩm rất đẹp mắt, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động và thời vụ cho 10 lao động khác
NCT làm kinh tế giỏi trong kinh doanh thương mại - dịch vụ
Các ngành nghề kinh doanh Thương mại - Dịch vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phát triển khá đa dạng và phong phú, đa số NCT là chủ các doanh nghiệp trên lĩnh vực này. Đến nay, trên cả tỉnh có 2.261 NCT là chủ hộ kinh doanh thương mại – dịch vụ.
Tiêu biểu như cụ Lê Minh Thuận, cán bộ Hội NCT xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, là chủ doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm lấy nguyên liệu từ cây quế. Với 3 nhà xưởng chế biến, doanh thu mỗi năm trên 15 tỉ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 30 lao động và việc làm thời vụ cho hàng chục lao động khác. Cụ Trần Đình Phi, hội viên Hội NCT thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc – xăng dầu, có doanh thu hằng năm trên 5 tỉ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động, làm từ thiện và hỗ trợ cộng đồng bình quân 50 triệu đồng/năm.