Một số luật có hiệu lực từ 1/8/2024: Bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi
Pháp luật - Bạn đọc 27/07/2024 08:25
Bảo vệ quyền lợi người dân có đất bị thu hồi
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa XV thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Các Luật trên đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành và có nhiều quy định mang tính đổi mới đột phá được tổng kết đánh giá, thí điểm từ thực tiễn người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới nhận được sự kỳ vọng, đồng tình của nhân dân. Ảnh: Internet |
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng được bố cục thành 5 điều. Cụ thể:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, trong đó sửa đổi khoản 1 Điều 252; Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; Điều 3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15; Điều 4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; Điều 5. Hiệu lực thi hành.
Các điều được sửa đổi trên theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.
Riêng nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế tại khoản 2 Điều 251 và khoản 4 Điều 260 Luật Đất đai và nội dung chuyển tiếp tại khoản 10 Điều 255 Luật Đất đai liên quan đến các dự án đầu tư thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 mà nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ để thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư trước ngày 1/8/2024 thì cho phép có hiệu lực đến trước ngày 1/1/2025.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sớm đưa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào cuộc sống là phù hợp với chủ trương của Đảng; khắc phục tồn tại hạn chế nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Đồng thời, các Luật này tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư nhất là các dự án đầu tư công, các dự án bất động sản, dự án nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi, bà Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh.
Bà Hoàng Thị Khánh, 67 tuổi (bên phải), ở phường Yên Thịnh, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái kỳ vọng: Sau khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực, quyền lợi của gia đình bà sẽ được bảo vệ vì chính quyền thu hồi hàng nghìn m2 đất làm khu đô thị (trong đó có 400m2 đất thổ cư) nhưng lại không bố trí tái định cư cho gia đình 2 con trai bà, với 9 nhân khẩu. Ảnh: L.K |
Dư luận cho rằng, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới, được sự đồng tình của nhân dân. Bên cạnh bảo vệ quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, với quy định đa dạng các hình thức bồi thường (bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng hoặc bằng tiền, người bị thu hồi đất còn được xem xét theo nguyện vọng). Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất; bổ sung các khoản hỗ trợ cho người dân bị thu hồi so với trước đây. Đồng thời, các quy định của Luật Đất đai được kỳ vọng giúp những dự án "treo" nhiều năm sớm được tháo gỡ, mang lại điều kiện sống tốt hơn cho người dân.
Phòng, chống tiêu cực trong đấu giá tài sản
Bên cạnh một số Luật về Kinh doanh Bất động sản, Đất đai, Các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực ngày từ 1/8/2024. Từ ngày 1/1/2025, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản cũng được kỳ vọng sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản.
Bên cạnh đó Luật ban hành còn khắc phục hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Luật có nội dung mới liên quan đến sửa đổi, bổ sung các quy định về: Đấu giá viên và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu giá tài sản...
Đáng chú ý, Luật bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, người có tài sản đấu giá như cấm lập danh sách khống về người tham gia đấu giá, lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động đấu giá, hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định để tăng cường tính độc lập, khách quan, minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực trong hoạt động đấu giá.
Luật bổ sung 2 điều mới về đấu giá trực tuyến và trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến, trong đó quy định việc đấu giá trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến, các nguyên tắc chung thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến và giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm hoàn thiện hơn nữa hình thức đấu giá trực tuyến, góp phân nâng cao tính khách quan, công khai, minh bạch, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản.