Một cuộc hội thảo chất lượng về công tác Hội
Nghiên cứu - Trao đổi 15/08/2022 09:28
Khó làm thì hội thảo, nhưng càng hội thảo càng… khó làm
Vừa qua, người viết bài này có may mắn được dự 2 cuộc hội thảo chuyên đề do Hội NCT Việt Nam tổ chức.
Hội thảo thứ nhất là về Tư vấn xây dựng kế hoạch khoa học năm 2023 của Trung ương Hội với thành phần tham dự là các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo một số Bộ, ngành, Viện Nghiên cứu, Học viện, Nhà trường.
Hội thảo thứ hai là về Nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, trong đó tập trung vào giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” và công tác đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức Hội, cán bộ Hội NCT các cấp. Thành phần tham gia Hội thảo là cán bộ lãnh đạo Hội NCT 25 tỉnh, thành phố phía Bắc và địa bàn TP Lạng Sơn.
Tại cuộc Hội thảo thứ nhất, xin không bàn về nội dung, bởi đó chỉ là những tham luận có tính tư vấn cho công tác nghiên cứu khoa học của Hội NCT Việt Nam từ nay đến năm 2023. Song, điều mà tôi cảm nhận được rõ nhất về ý nghĩa của một cuộc hội thảo là từ ý kiến của tiến sĩ Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ kinh nghiệm của mình, ông đúc rút: “Bao nhiêu vấn đề khó làm thì đưa ra hội thảo, nhưng càng hội thảo thì càng khó làm”.
Phó Chủ tịch Trương Xuân Cừ điều hành Hội thảo Nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức Hội vững mạnh tại Lạng Sơn. |
Điều này nghe có vẻ “gai gai”, nhưng trong thực tiễn thì đúng như vậy. Có những vấn đề thực tiễn phát sinh mà chưa có giải pháp hiệu quả để xử lí thì phải đưa ra hội thảo để trao đổi, tranh luận và từ đó có cơ sở để đưa ra kết luận. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề đưa ra nhiều cuộc hội thảo mà vẫn không ngã ngũ, thậm chí càng hội thảo càng đẻ ra nhiều vấn đề phức tạp hơn và càng khó làm hơn. Nói như câu thành ngữ dân gian là “Lắm thầy nhiều ma, lắm cha con khó lấy chồng” cũng chả sai.
Chính vì vậy, để một cuộc hội thảo mang lại hiệu quả cao thì công tác chuẩn bị cho hội thảo cần hết sức công phu. Vấn đề đưa ra hội thảo phải thiết thực, bổ ích, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội. Thành phần tham gia hội thảo phải là những người am hiểu, có kiến thức, kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến nội dung hội thảo. Cơ quan, người chủ trì hội thảo phải rất kiên định về mục đích, yêu cầu đặt ra, nhưng cũng phải rất linh hoạt trong điều hành quá trình hội thảo. Đặc biệt cần kịp thời phát hiện những vấn đề mới, đúng; điều chỉnh những vấn đề còn sai lệch để hội thảo đúng hướng, tìm ra được những vấn đề cần tìm, hạn chế tình trạng “càng hội thảo càng khó làm”.
Hội thảo để “bốc đúng thuốc”
Nói thế có vẻ là khập khiễng, nhưng hội thảo cũng giống như hội chẩn của ngành y, đều nhằm để “bốc đúng thuốc” cho đối tượng cần “điều trị”. Song, để “bốc đúng thuốc”, không chỉ cần có chuyên môn giỏi mà còn phải có phương thức “hội chẩn” phù hợp.
Tại cuộc hội thảo ở Lạng Sơn vừa qua đã hội tụ được cả 2 yếu tố này và đã mang đến sự thành công bước đầu. Về chuyên môn, thành phần tham gia hầu hết là cán bộ Hội từ Trung ương tới cơ sở. Ở Trung ương Hội, tuy có nhiều cán bộ mới nhưng đều trải qua nhiều cương vị công tác ở các Bộ, ban, ngành, lĩnh vực có liên quan đến NCT, giàu kinh nghiệm quản lí chuyên môn và tổ chức hội thảo. Ở các địa phương, hầu hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Hội NCT cấp tỉnh, thành phố, huyện và cơ sở, trong đó có nhiều người hàng chục năm gắn bó với công tác Hội NCT. Nghĩa là thành phần trên có đủ trình độ lí luận và kinh nghiệm thực tiễn để tổ chức hội thảo về những nội dung đặt ra.
Về phương thức, có thể nói đây là cuộc hội thảo được tổ chức bài bản, nội dung vấn đề cụ thể, đề dẫn chỉ ra những điểm khó cần tập trung tham luận, thảo luận. Hệ thống tài liệu được chuẩn bị chu đáo, in ấn đầy đủ từ nội dung cần hội thảo đến tham luận của một số địa phương được chuẩn bị từ trước. Việc sắp xếp chỗ ngồi tại hội trường theo kiểu “hội nghị bàn tròn” cũng tạo cho không khí buổi hội thảo trở nên gần gũi, cởi mở, chân tình giữa người chủ trì và các diễn giả.
Điều làm nên thành công nữa là sự điều hành linh hoạt của người chủ trì hội thảo. Sau khi nghe một vài tham luận được chuẩn bị sẵn, nhận thấy nội dung không khác mấy với văn bản đã gửi cho Ban tổ chức, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Trương Xuân Cừ đề nghị các đại biểu nói thẳng những vấn đề còn vướng mắc ngoài văn bản. Các ý kiến không nhất thiết phải được chỉ định từ đầu mà các đại biểu dự hội thảo ai cũng có thể phát biểu. Lập tức, không khí hội thảo sôi nổi hẳn lên, đại biểu từ cấp tỉnh, thành phố đến cơ sở đều hăng hái trao đổi về những việc cần làm, những việc còn chưa rõ, khó thực hiện, thậm chí là cả những việc chưa đồng thuận… Rõ ràng điều này giúp cho Ban tổ chức hội thảo rút ra được nhiều vấn đề hơn hẳn những hội nghị xuôi chiều, ít hoặc không có ý kiến phát biểu.
Với mục tiêu xây dựng Hội NCT ngày càng vững mạnh, có uy tín cao, phát huy tốt vai trò trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, lãnh đạo Trung ương Hội đặt ra yêu cầu cao trong công tác xây dựng tổ chức, cán bộ Hội các cấp cũng như các nhiệm vụ công tác Hội. Có những nội dung đã và đang làm hiệu quả, nhưng cũng có những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung, nên việc hội thảo là rất cần thiết. Điều quan trọng là sau hội thảo cần “bốc đúng thuốc”, để công tác Hội ngày càng bài bản, phù hợp với thực tiễn hơn.
Với cách tổ chức hội thảo chất lượng như ở Lạng Sơn, tin rằng Trung ương Hội sẽ tìm ra được những vấn đề cốt lõi, phù hợp, có sự đồng thuận cao, giúp hoạt động của Hội NCT các cấp đạt được các mục tiêu đề ra.