Mong muốn tỉnh, thị xã sớm cho phép xây dựng, khôi phục đình Vị Dương
Pháp luật - Bạn đọc 03/12/2020 09:34
Lịch sử hình thành thôn Vị Dương và đình Vị Dương:
Theo gia phả họ Hoàng, do ông Hoàng Hồng Bàng, 76 tuổi, hậu duệ đời thứ 15 của cụ tổ Hoàng Kim Bảng, một trong hai cụ Tiên công của thôn Vị Dương, năm 1434, niên hiệu Thiệu Bình, năm thứ nhất, vua Lê Thái Tông lên ngôi, khuyến khích dân chúng đi khai khẩn đất hoang, mở mang đất đai, bờ cõi, lệnh cho các địa phương còn đất hoang hóa không cày cấy hết, dân khác có sức được quyền khai khẩn. Cụ tổ Hoàng Kim Bảng và hai người con trai là Hoàng Nhân Hiếu, Hoàng Phúc Diễn cùng người anh em kết nghĩa là Đồng Đức Hấn từ vùng cửa sông Trà Lý, tổng Đại Hoàng (tỉnh Thái Bình) đã chiêu mộ hơn 100 người, ra cửa sông Bạch Đằng, quai đê lấn biển được 913 trượng (khoảng hơn 3km) lập ra làng Vị Dương. Năm 1474 là xã Vị Dương, cụ Hoàng Kim Bảng làm Xã trưởng, nay là xã Liên Vị (xã Vị Dương, xã Phong Lưu, xã Lương Quy là 3 đơn vị hành chính đầu tiên được xác lập ở đảo Hà Nam, huyện Yên Hưng). Khi ấy làng Vị Dương có 247 khẩu, với 1.483 mẫu ruộng, mỗi khẩu được chia 5 mẫu ruộng, mỗi gia đình được chia 5 sào đất ở. Trải qua gần 600 năm xây dựng và phát triển, hiện nay làng Vị Dương xưa đã trở thành một khu dân cư trù phú có 2.081 hộ, 8.916 khẩu. Diện tích đất ở là 55,5 ha, đất trồng lúa là 444,99 ha, đất nuôi trồng thủy sản là 1.594,53 ha với 10 thôn. Người dân Vị Dương, cần cù trong lao động, sáng tạo, anh dũng trong chiến đấu xây dựng quê hương, trên 100 người con của làng Vị Dương đã anh dũng hi trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong chiến tranh chống giặc Mỹ, trung đội trực chiến của xã Liên Vị đã bắn rơi một máy bay “thần sấm” khi chúng vào bắn phá Nhà máy nhiệt điện Uông Bí, được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Chiến công. Từ đường họ Hoàng, họ Đỗ được Nhà nước cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, chùa Rui, đền thờ chúa Liễu Hạnh, đền thờ Trần Hưng Đạo, Phạm Tử Nghi được cấp bằng Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Cổng Tam Quan di vật còn sót lại của Đình Vị Dương xã Liên Vị |
Qua trao đổi với cụ Phạm Văn Diệm, 87 tuổi, đại diện dòng họ Phạm, ông Đỗ Văn Bường, 68 tuổi, nguyên Chủ tịch MTTQ xã Liên Vị, đại diện dòng họ Đỗ, đình thôn Vị Dương được các bậc tiền nhân và Nhân dân thôn Vị Dương đầu tư, xây dựng vào đầu thế kỉ XVI để thờ Thượng đẳng thần Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và Phạm Tử Nghi; Thờ Nhị vị Đại lang chi Thần Hoàng Kim Bảng, Đồng Đức Hấn. Đình làng là trung tâm văn hóa, tâm linh và tín ngưỡng của làng, là nơi các vị bô lão, chức sắc trong làng đàm đạo bàn việc của làng; là nơi tổ chức lễ hội trọng đại trong năm của làng, là nơi tế lễ thần thánh vào các ngày Đại lễ và các hoạt động văn hóa làng xã. Ngoài ra, còn là trường học của con em trong làng xã. Đình được xây dựng trên mảnh đất linh thiêng tại thôn Đình, là điểm trung tâm của làng Vị Dương. Về kiến trúc, đình Vị Dương được xây theo dáng kiến trúc cổ thời Lê Duệ Tông thế kỉ XVI, “Tiền cung, Hậu quốc”, là một trong những ngôi đình đẹp, bề thế tôn nghiêm ở khu vực đảo Hà Nam, huyện Yên Hưng nay là thị xã Quảng Yên. Theo đó, đình quay hướng Nam, gồm hai tòa nhà, tòa trong có 3 gian và hậu cung, tòa ngoài có 5 gian, trong đó 3 gian giữa dùng để tế, lễ, hai gian hai đầu được lắp đặt sạp gỗ để quan viên các dòng họ và quan khách đến dự nhân dịp các ngày tế, lễ. Trước cổng tam quan là hồ đình. Bốn cột tứ trụ của đình hai người ôm không xuể, đình làng có sức chứa hàng trăm người. Ngoài đình về phía Đông còn lợp một khu văn chỉ đường để tế trời đất, thần thánh cầu cho mưa thuận, gió hòa, dân làng được yên lành, làm ăn thịnh vượng…
Phóng viên trao đổi với đại diện các dòng họ xã Liên Vị |
Vào năm 1964, chính quyền địa phương đã vận động Nhân dân tháo dỡ đình Vị Dương, lấy gỗ, gạch và toàn bộ diện tích của đình để xây trường học. Theo cụ Phạm Văn Diệm, khi đó đình có 14 Sắc phong của các triều đại. Ban khánh tiết của đình trao cho cụ Hoàng Văn Đạm là cụ thượng của làng mang về nhà thờ họ Hoàng lưu giữ, sau khi cụ Đạm mất giao lại cho ông, sau đó ông đưa 7 Sắc phong về miếu xóm Nam (miếu thờ Trần Hưng Đạo), 6 Sắc phong về miếu xóm Bấc (miếu thờ Mẫu Liễu Hạnh) để cất giữ, còn 1 sắc phong của cụ Hoàng Kim Bảng và Đồng Đức Hấn để lại thờ ở Từ đường họ Hoàng và hiện được luồn khung, bảo quản rất cẩn thận, được coi như “cổ vật” của làng. Hình ảnh “Cây đa - bến nước - sân đình” đã sớm đi sâu vào đời sống văn hóa của người Việt từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bởi vậy nhiều thập kỉ qua, nguyện vọng của các cụ cao niên và Nhân dân địa phương được phục dựng và xây lại đình làng.
Khi ý Đảng hợp lòng dân
Cách đây 22 năm, ngày 16/7/1998, Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết đã xác định 10 nhiệm vụ cụ thể để xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó nhiệm vụ thứ tư ghi rõ: “Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa”, nguyện vọng xây dựng và khôi phục đình Vị Dương của các bậc cao niên và các tầng lớp Nhân dân xã Liên Vị là chính đáng. Hơn nữa trong danh mục Di tích được kiểm kê, phân loại tại Quyết định số 789/QĐ-UBND ngày 23/6/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh về các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có đình Vị Dương và trong Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020, được UBND huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) phê duyệt, có mục “khôi phục, xây dựng lại Đình làng thôn Vị Dương” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Liên Vị nhiệm kì 2015-2020, nhiệm kì 2020-2025 cũng có chủ trương khôi phục lại đình Vị Dương.
Đơn đề nghị của các dòng họ trong thôn Vị Dương |
Thay cho lời kết.
Chúng tôi cùng các cụ cao niên thôn Vị Dương dạo bước dưới tán những cây phượng vĩ, nhìn lại những dấu tích còn sót lại như móng đình, một số trụ tảng bằng đá xanh được các bậc tiền nhân gia công với những họa tiết sắc sảo, rồi các tảng đá văn chỉ, kế đó là cổng tam quan, có lẽ còn nguyên vẹn hơn cả là cái hồ đình. Nhìn những hiện vật ấy hằng ngày, gợi những kỉ niệm, kí ức về tuổi thơ, về bản sắc văn hóa làng xã, về lòng tự hào truyền thống của cha ông, được xây dựng vun đắp lúc thiếu thời, thì những trăn trở, ước muốn cùng con cháu hôm nay xây dựng, khôi phục lại đình làng là nguyện vọng chính đáng. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang triển khai Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn tiên tiến và kiểu mẫu.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Quảng Ninh và thị xã Quảng Yên sớm cho phép Nhân dân xã Liên Vị được xây dựng, khôi phục lại đình Vị Dương. Theo đó, đình được xây dựng trên một phần diện tích khu vực cổng Tam quan Đình cũ và trên diện tích khu vực hồ đình (có diện tích là 1.460m2), kinh phí xây dựng bằng nguồn xã hội hóa và đóng góp của Nhân dân.