Lời giải thích của ông Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh Trần Thành Tô
Cùng suy ngẫm 06/01/2021 08:08
Công ty cổ phần tiếp vận ATT Việt Nam (Công ty ATT Việt Nam) chuyên kinh doanh trong ngành nghề logistics, công ty này là nơi bà Phạm Thị Thu (vợ ông Trần Thành Tô, Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh) làm việc.
Trụ sở Cục Hải quan Bắc Ninh. (Ảnh: I.E) |
Logistics là hoạt động thương mại, thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng. Như vậy, công ty ATT Việt Nam được xem là có liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực mà ngành hải quan quản lý.
Thế nhưng, ông Trần Thành Tô lại vừa lên tiếng rằng, tháng 8/2018 sau khi nghỉ hưu, bà Thu được cháu mời về quản lý tại công ty ATT Việt Nam phụ trách mảng tài chính, kế toán, hạch toán, không tham gia cổ phần.
“Công ty ATT chuyên làm vận tải trong nước và quốc tế, làm dịch vụ khai hải quan cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Công ty ATT Việt Nam được thuê để làm dịch vụ khai hải quan (giống như làm dịch vụ đăng ký xe máy), không phải là công ty xuất nhập khẩu. Các quan hệ này là gián tiếp và hải quan không thể gặp và can thiệp, do đó không thể tham nhũng được” - Ông Tô giải thích.
Đành rằng vợ ông Tô không có “khả năng” tham nhũng, nhưng với cương vị là vợ ông Cục trưởng đương chức thì ai dám chắc bà Thu không “tác động” đến ông Cục trưởng tạo thuận lợi cho công ty của người cháu mời bà Thu về làm?
Hơn ai hết, ông Tô là người hiểu và nắm rõ nhất việc này.
Khoản 4 Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ quyền hạn: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”.
Ngày 01/7/2019 Chính phủ ban hành Nghị định số 59 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng chống tham nhũng, trong đó đã quy định rõ người thân không được thực hiện là kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do cán bộ, công chức đó trực tiếp quản lý.
Đây là một trong những quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn nhằm kiểm soát xung đột lợi ích.
Quy định đã có và rõ ràng, với hàng loạt các văn bản chặt chẽ, cụ thể. Vậy với lời giải thích như trên của ông Cục trưởng Trần Thành Tô có được xem là hợp lý, khách quan?Thậm chí như là không liên quan?Xin nhường câu trả lời cho Bộ Tài chính, Tổng Cục Hải quan và các cấp ngành có liên quan xem xét trả lời công luận.