Làm việc và lạc quan khiến tinh thần người già nở hoa
Nghiên cứu - Trao đổi 23/03/2024 10:41
Tại sao già hóa không đến với mọi người vào cùng một độ tuổi? Tại sao những người già này mệt mỏi, còn những người già khác lại tỉnh táo, lạc quan và thậm chí, trẻ trung? Tại sao trên thế giới ít người nắm được nghệ thuật làm người già? Rõ ràng vấn đề ở đây là thái độ của con người đối với cuộc sống và lao động. Trước nhất, là phải yêu đời, yêu người, yêu bản thân mình thì không có khó khăn nào không giải quyết nổi. Thứ hai, luôn nghĩ tốt về mọi người, để cho đầu óc bớt căng thẳng, không ghen ghét ai; tập thể dục buổi sáng, đi bộ ít nhất 1km mỗi ngày; không uống nhiều rượu bia, không hút thuốc lá, ăn nhiều rau củ quả và cá hơn.
Victor Hugo, đại văn hào Pháp lúc 82 tuổi nói: “Không làm việc gì cả, không chăm chú đến vấn đề gì cả, đó là điều bất hạnh của tuổi già”. Kết quả nghiên cứu khoa học còn phát minh rằng, những người sau khi nghỉ hưu, nhưng vẫn làm những việc liên quan đến nghề nghiệp trước đây, thường sức khỏe tốt hơn những người đã nghỉ hưu hoàn toàn. Cụ Muslimod, một lão nông người Azerbaijan, lúc cụ 134 tuổi hằng ngày vẫn đi bộ thể dục, hoạt động chân tay vừa sức, sinh hoạt điều độ, giao lưu với cộng đồng, luôn hướng tới cái cao cả đẹp đẽ. Đây là một trong những điển hình đẹp đẽ nhất về nghệ thuật làm tinh thần người già nở hoa, làm cho người già mạnh khỏe, sống lâu, hạnh phúc nhất.
Một nghệ thuật nữa làm cho tinh thần người già nở hoa, mà nhiều người biết đến, đó là người già cần quan tâm làm tốt “chữ thập đỏ tích cực”, tức là đam mê hoạt động hằng ngày, sẵn sàng giúp đỡ người khác, nhất là người hoạn nạn khó khăn, rủi ro, cơ nhỡ, người nghèo đặc biệt khó khăn với phương châm có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít, không có thì giúp những lời khuyên bảo thiết thực, bổ ích, phù hợp thực tiễn, để giúp người đó vượt lên mọi số phận, mọi khó khăn, giành lấy niềm vui, hạnh phúc.
Trong cuộc sống bất kì ai có lòng khoan dung, độ lượng, yêu thương, hết lòng hết sức giúp đỡ mọi người, nhất là người khó khăn trên tinh thần nhân ái, mình vì mọi người thì người đó nhất định sẽ có một tinh thần lạc quan, đầu óc an yên, mát mẻ để “đầu mát, chân ấm”, đây là một trong những nghệ thuật làm người già luôn sống mạnh khỏe, hạnh phúc.
Thật vậy, muốn có cái đầu mát tức là muốn có một tinh thần lạc quan, thanh thản, thì phải có lòng nhân ái, yêu thương con người. Có câu chuyện sau: Vào thế kỷ XVI có một viên đại thần quyền uy cho kẻ hầu mang đến biếu danh y Lý Thời Trân một mâm vàng bạc để xin thuốc trường sinh. Lý Thời Trân không nhận từ chối rằng: “Muốn được lâu dài, người về bẩm lại với chủ ngươi - muốn thuốc ta uống hiệu nghiệm thì tấm lòng phải trong sạch, tâm phải thành và tinh thần phải thanh thản, lành mạnh… Thế nhưng, các vị quyền quý thì lòng mải tính toán lọc lừa thì lấy đâu trong sạch? Tâm tính nhiều mưu đồ thâm hiểm sao gọi là lòng thành? Tinh thần lúc nào cũng bon chen lợi danh lấy đâu mà sống lành mạnh, thanh thản, cho nên dùng thuốc ta có ích gì”.
Thật vậy, hoạt động nhân đạo từ thiện, từ bi bác ái thật sự sẽ giúp cho con người vừa thanh thản, vô tư, vừa minh mẫn trí tuệ và có đầy đủ năng lực để thực hiện mong muốn của Lý Thời Trân như câu chuyện trên:
Bởi hoạt động nhân đạo từ thiện sẽ nâng cao tâm hồn con người, nhất là người già cần một cuộc sống yên vui, bình yên. Hoạt động nhân đạo đúng với đường lối của Đảng, của Bác có sức sống trường tồn, có sức mạnh biến những điều không thể thành có thể. Chính lòng yêu mến của cộng đồng là phần thưởng vô giá làm cho người già thêm vui khỏe, minh mẫn, trường thọ.