Kiểm tra, giám sát, đôn đốc để các thể chế đi vào cuộc sống
Nghiên cứu - Trao đổi 16/02/2022 17:29
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp. |
Sáng 16/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 2/2022.
Tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành, Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng; Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Đây là phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật lần thứ 2 trong năm 2022. Trước đó, ngay trong tháng 1/2022, Chính phủ đã tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 8 dự án, đề nghị xây dựng luật.
Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2022 tập trung xem xét, thảo luận, quyết định đối với đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và 8 dự án luật, đề nghị xây dựng luật.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Tại phiên họp này, Chính phủ sẽ tiếp tục bàn việc hoàn thiện các dự án luật. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định rõ bảo đảm đầu tư cho xây dựng ba đột phá chiến lược xứng tầm, trong đó có đột phá về thể chế. Do đó, chúng ta liên tục tổ chức các cuộc họp, trao đổi, hội thảo để tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để xây dựng hệ thống pháp luật, trong đó có thẩm quyền của các cấp. Vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Quốc hội thì chúng ta phải chuẩn bị tích cực, trình theo đúng quy định, quy trình.
Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 2/2022. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng thể chế, bao gồm các luật liên quan ngành, lĩnh vực mình quản lý, xây dựng các nghị định, thông tư. Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định về trình tự, cũng như thay mặt Chính phủ đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành để bảo đảm đúng thời gian và chất lượng; bổ sung, hoàn thiện các chế độ, chính sách liên quan con người, cơ sở vật chất khác, qua đó tạo điều kiện tốt nhất cho các cán bộ làm công tác này, xứng tầm đột phá chiến lược.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, Bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để các thể chế đi vào cuộc sống.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, qua thực tiễn cho thấy, nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ như: Một luật sửa nhiều luật, chuẩn bị một số luật liên quan đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, liên quan các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định vĩ mô... Qua thực tiễn của từng bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, sau khi rà soát thấy vướng mắc gì cần sửa thì phải sửa ngay, nhất là những vấn đề liên quan đến chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; nếu có nút thắt thể chế gì cần để giải phóng nguồn lực, tạo hiệu quả thì qua kiểm tra, rà soát, các bộ, ngành cần tập trung làm một cách trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành đã tập trung rồi thì tập trung cao hơn, thúc đẩy rồi thì thúc đẩy hơn, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để các thể chế đi vào cuộc sống. Thủ tướng đề nghị tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, có chất lượng, khuyến khích các ý kiến phản biện. Đối với mỗi dự án luật, sau khi Chính phủ cho ý kiến, nếu còn vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục tổ chức hội thảo tham khảo thêm ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là tổ chức công tác truyền thông tốt.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan truyền thông phối hợp tốt với các bộ, ngành làm tốt công tác này. Kinh nghiệm cho thấy có những vấn đề làm đúng, trúng nhưng truyền thông không tốt thì rất dễ bị ảnh hưởng mục tiêu chung.
Tại phiên họp này, các đại biểu bàn và cho ý kiến về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật về Phòng thủ dân sự; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế xã hội để phòng chống tham nhũng Vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quang Tuấn ... |
Tạo lập thể chế kinh tế, thể chế hành chính phù hợp thông lệ chung của thế giới Trong điều kiện kinh tế mở, có tính toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng tạo lập đồng bộ hệ thống thể chế ... |