Khi về già nên ở với ai?
Nghiên cứu - Trao đổi 29/07/2022 09:32
Theo quan niệm truyền thống ở nước ta thì cha mẹ khi về già thường sống chung với con trai, còn nếu gia đình không có con trai thì cha mẹ già sẽ sống với con gái, con rể, hoặc là với các cháu... Thực tế thì xu hướng con cái tách ra sống riêng, không sống cùng cha mẹ đã, đang xuất hiện giống như ở các nước phương Tây nhưng chưa nhiều…
Theo như tôi được biết, trong hơn chục năm gần đây, ở hầu hết các vùng quê quanh các đô thị lớn nhỏ nước ta, nơi mà đang diễn ra quá trình đô thị hóa khá mạnh, thì những gia đình hạt nhân kiểu 2 thế hệ dần thay thế cho kiểu gia đình 3 - 4 thế hệ. Tuy nhiên, theo quan điểm của người dân, mô hình sống tốt nhất dành cho người già vẫn là sống chung với con trai, khi đại đa số người già được hỏi cho biết việc sống với con trai trưởng thành là mô hình mà họ được chăm sóc tốt nhất; kế đến là sống với bất kì người con nào khác đã trưởng thành.
Ảnh minh hoạ |
Trong những năm gần đây, mô hình nhà dưỡng lão ở nước ta đã và đang được xây dựng ở nhiều nơi, nhưng vẫn rất ít người già lựa chọn nhà dưỡng lão, với lí do chính là vì sự cô đơn và thiếu thốn tình cảm. Hơn nữa, có một suy nghĩ còn “ăn sâu” vào tiềm thức của nhiều người, đó là: Việc con cái để cha mẹ già đi ở viện dưỡng lão là… bất hiếu. Vì vậy nên có rất ít trường hợp người già đến ở những nơi chốn tập thể này, trừ những người cô đơn không con cháu, thiếu nơi nương tựa.
Như chúng ta biết, người già không chỉ chú trọng đến sự chăm sóc chu đáo mà cả lời thăm hỏi của con cái, bởi lẽ họ ít có cơ hội mở rộng quan hệ và giao lưu khi lớn tuổi, sâu bên trong còn có nhu cầu được giao tiếp, nói chuyện thân tình với con, cháu. Chẳng vậy mà cuộc sống của cha mẹ già sẽ phụ thuộc rất nhiều vào con cái. Xu hướng sống dựa vào sự chăm sóc, phụng dưỡng của con vẫn là phổ biến. Già yếu là về với con, nương tựa vào con.
Với những người có lương hưu, có khoản tiền tiết kiệm gửi ngân hàng, có thể muộn hơn một chút nhưng cuối đời vẫn phải quay về với con. “Trẻ cậy cha, già cậy con”, đó là lời của một bà năm nay 69 tuổi, là láng giềng của bố mẹ tôi. Mẹ của bạn tôi năm nay 71 tuổi cũng cho rằng: “Cha mẹ lúc còn khỏe tự lo được thì sống riêng không thành vấn đề gì, nhưng khi về già, sức khỏe yếu thì con cái sẽ có trách nhiệm với bố mẹ, nên cần ở chung…”.
Tìm hiểu vai trò của con đối với cuộc sống của người già ở gia đình nông thôn hiện nay, chúng tôi thấy rằng, đối với tất cả những người già được hỏi thì con cái luôn đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối các thế hệ, là nguồn lao động, người thờ cúng, là nhân tố củng cố mối quan hệ vợ chồng, là người chăm sóc lúc về già và đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho cha mẹ.
Người già sống chung với con để được chăm sóc tốt nhất, tuy nhiên, cụ thể sống chung với ai thì có sự khác biệt rõ rệt theo nhóm tuổi người được hỏi. Số người được hỏi ở nhóm trung niên lựa chọn sẽ sống với con trai khi về già có tỉ lệ cao nhất, tiếp đó là số ít các cụ muốn sống với con gái, con rể với lí do không hợp con trai, con dâu. Chỉ rất ít các cụ cho rằng, bất đắc dĩ lắm mới sống với các cháu (do các con mất, hoặc không có điều kiện chăm sóc). Tuy vậy, vẫn còn có một số không ít các cụ muốn sống riêng biệt, bởi với họ khi vẫn còn sức khoẻ, tự chủ về kinh tế được thì sống riêng thích hơn, con cái chỉ cần thi thoảng tới thăm chơi là được.