Một số kiến nghị xây dựng cơ sở dưỡng lão tại Việt Nam
Xã hội 02/05/2023 08:07
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng dự báo “Xu hướng già hoá dân số nhanh” là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải giải quyết; trong thời gian tới cần “chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hoá dân số”. Vì vậy cần nhìn nhận đúng vai trò và đóng góp của NCT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để xây dựng đồng bộ chính sách, các quy định pháp lí và một hệ thống cơ sở hạ tầng kĩ thuật và dịch vụ xã hội hoàn thiện cho xã hội chuyển dần sang già hóa là rất cần thiết; trong đó có hệ thống cơ sở (Trung tâm, viện, nhà) dưỡng lão.
Hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe NCT đã bước đầu hình thành, phát triển, tuy nhiên vẫn chưa bắt kịp với tốc độ chuyển đổi nhân khẩu học, hiện tại chỗ dựa của NCT vẫn chủ yếu là gia đình, dòng họ, làng mạc theo kiểu “trẻ cậy cha, già cậy con”. Cả nước mới chỉ có một bệnh viện lão khoa thành lập năm 2016, với quy mô khiêm tốn 500 giường, có 49/63 bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố có khoa lão; 3 cơ sở đào tạo bộ môn lão khoa, vừa điều trị bệnh vừa điều trị phục hồi chức năng cho NCT; chưa có cơ sở nào đào tạo chuyên ngành điều dưỡng phục vụ NCT. Trong số 134 trung tâm bảo trợ xã hội hiện nay có 13 cơ sở dưỡng lão, 32/63 tỉnh, thành đã thành lập 59 cơ sở dưỡng lão tư nhân dành cho việc chăm sóc NCT. Mặc dù Chính phủ đặt mục tiêu vào năm 2025 mỗi tỉnh có ít nhất 1 cơ sở dưỡng lão, nhưng thực tế cho thấy mục tiêu đó khó thực hiện, trong khi đó tại các thành phố lớn nhu cầu được chăm sóc tại các cơ sở dưỡng lão đang tăng lên và tâm lí xã hội cũng không còn quá nặng nề khi con cái đưa cha mẹ vào các cơ sở dưỡng lão. Chính quyền một số địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe NCT (từ 60 tuổi trở lên) đến năm 2030. Theo đó sẽ thí điểm mô hình trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa, khuyến khích các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ dưỡng lão và đã tiếp nhận được các hồ sơ xin phép thành lập cơ sở dưỡng lão. Tuy nhiên, sau thẩm tra đang gặp những khó khăn về các chính sách miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế đất do nghị định và luật chưa quy định cụ thể nên muốn xã hội hóa không thể một sớm một chiều. Việc xã hội hóa thành lập cơ sở dưỡng lão là một mô hình mới, tuy Nhà nước có hỗ trợ cho hoạt động của các trung tâm, viện dưỡng lão, nhưng hiện nay chưa có một mô hình mẫu chuẩn hay hướng dẫn chi tiết cụ thể. Các trung tâm, viện dưỡng lão tư nhân hoạt động thường học hỏi kinh nghiệm mô hình mẫu từ các nước trên thế giới…
Bên cạnh đó theo khảo sát tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mức phí chăm sóc NCT hiện nay khá cao (khoảng từ 7 triệu đồng đến 20 triệu đồng 1 người/tháng) so mức lương hưu bình quân khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng, vì vậy NCT muốn vào cơ sở dưỡng lão cũng không dễ dàng gì, cho dù là với mức đóng góp thấp nhất (với nhà dưỡng lão tư nhân 7 triệu đồng/người/tháng). Nhìn chung NCT vẫn phải trông nhờ vào sự hỗ trợ của con cái, người thân ở mức độ nào đó. Trong khi đó, đối tượng của các trung tâm bảo trợ xã hội công lập chủ yếu là người thuộc diện gia đình chính sách, có công, những NCT neo đơn, không nơi nương tựa.
Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2021 - 2030 đề ra mục tiêu: “Giai đoạn 2022-2025, mỗi năm hỗ trợ xây dựng tối thiểu 2 mô hinh: Cơ sở trợ giúp xã hội, chăm sóc, phục hồi chức năng cho NCT và cơ sở trợ giúp xã hội dưỡng lão”. Để thực hiện mục tiêu của Chương trình thì việc xã hội hóa xây dựng các cơ sở dưỡng lão cũng như tạo điều kiện để phát triển mô hình này, giảm chi phí cho NCT vào sống trong nhà dưỡng lão là điều cần thiết và phải tiến hành ngay từ bây giờ vì vậy kiến nghị một số giải pháp thực hiện như sau:
Thứ nhất, Nhà nước ban hành Nghị định quy định cụ thể chính sách về đất đai, các chính sách miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế đất, ưu đãi tín dụng cho hoạt động chăm sóc NCT. Cần đưa cơ sở chăm sóc NCT vào quy hoạch đất đai tại các địa phương, các khu dân cư như trường học và trung tâm Y tế để tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận được các quỹ đất đúng quy hoạch.
Thứ hai, Nhà nước cần có chính sách phát triển ngành lão khoa trong y học, xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực chăm sóc với các trình độ khác nhau, kèm theo các chế độ về hệ số cấp bậc lương thưởng như các ngành nghề khác để tạo thành một nghề nghiệp chuyên môn trong xã hội, nhằm khuyến khích và thu hút người lao động tham gia vào lĩnh vực chăm sóc NCT. Các chính sách chăm sóc về NCT cần đồng bộ, hướng đến tạo môi trường thân thiện với NCT, tính đến các điều kiện thuận lợi và bao quát tất cả các lĩnh vực liên quan đến NCT như: Y tế, văn hóa, xã hội, giao thông, xây dựng,…
Thứ ba, học tập những mô hình kinh nghiệm của các nước trong xây dựng cơ sở dưỡng lão và hoạt động chăm sóc NCT, đa dạng hóa các hoạt động chăm sóc NCT theo 5 nội dung: Chăm sóc tại nhà, dưỡng lão bán trú, chung cư cho NCT, dưỡng lão chăm sóc dài hạn và dưỡng lão chăm sóc có y tế…