Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”
Nghiên cứu - Trao đổi 09/01/2024 13:16
Bác Hồ phát động “Tết trồng cây”
Trong bài: “Tết trồng cây”, đăng trên Báo Nhân dân số 2082 ra ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của Nhân dân ta...”.
Trong bài nói chuyện với đại biểu thanh niên vào ngày 5/2/1961 tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng 3 cây chăm sóc thật tốt, thì tám triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Năm năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây. Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên con đường nối liền Hà Nội - Mátxcơva thì con đường từ Chủ nghĩa xã hội đến Chủ nghĩa Cộng sản thêm xanh tươi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây đa tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969. Ảnh tư liệu lịch sử |
Bà Ketherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam trong Lễ kỉ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2010 đã nhận định: “Với tầm nhìn xa rộng của mình, Người đã nhận thấy trước ý nghĩa quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tăng cường mối quan hệ hòa hợp giữa con người và thiên nhiên vì sự phát triển bền vững của quốc gia. Người ủng hộ sự cần thiết phải chống thiên tai, duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cùng môi trường sinh thái, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trồng rừng, làm thủy lợi và cải thiện chất đất. Người khuyến khích Nhân dân trồng thật nhiều cây”.
Do đó, hiện nay, cả nước ta đang chung sức, đồng lòng cho kế hoạch trồng mới 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 để làm cho đất nước Việt Nam “càng ngày càng xuân” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
“Trồng người” để phục vụ công cuộc xây dựng nước nhà
Tại buổi nói chuyện với giáo viên cấp II, III toàn miền Bắc (13/9/1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị nước ta. Người cho biết hơn 90% đồng bào chúng ta mù chữ và do đó Người đã đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ. Ngày 8/9/1945, Chính phủ cách mạng lâm thời ban hành liền ba sắc lệnh số 17, 19 và 20. Nha Bình dân học vụ được thành lập, hạn trong 6 tháng làng và thị trấn nào cũng phải có “ít ra là một lớp bình dân” và cưỡng bách học chữ quốc ngữ trên toàn quốc.
Sau đó, ngày 4/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Chống nạn thất học” gửi tới toàn thể quốc dân đồng bào. Người viết: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”.
Bên cạnh đó, trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (ngày 15/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã kêu gọi: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Kể từ đó, ngành Giáo dục nước ta có những thành tựu đạt được ngày càng khả quan.
Với phong trào Bình dân học vụ, trên 2,5 triệu người đã biết đọc, biết viết. Tiếp đó, những lớp bổ túc văn hóa đã xóa mù chữ cho 8 triệu người dân trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Kết thúc kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1965), các vùng thấp thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc đã xóa xong nạn mù chữ cho Nhân dân các dân tộc thiểu số.
Tại miền Nam, đến năm 1975, 30% người dân vẫn mù chữ. Trong Chỉ thị 221 ngày 17/6/1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Trước mắt, phải coi đây (xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa) là nhiệm vụ cấp thiết số một”. Cuối tháng 2/1978, toàn bộ 21 tỉnh, thành phố ở miền Nam đã cơ bản thanh toán nạn mù chữ.
Trong bài viết “Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” (năm 2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Trong khi chưa có điều kiện để bảo đảm giáo dục miễn phí cho mọi người ở tất cả các cấp, Việt Nam tập trung hoàn thành xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục THCS năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỉ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỉ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.