Kết luận “hàng hai” của ông Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng
Pháp luật - Bạn đọc 25/03/2021 18:29
Được biết, hồi 8 giờ 30 phút ngày 11/3/2021, UBND TP Đà Nẵng tổ chức đối thoại với ông Lý Việt Trung. Thành phần tham dự, ngoài ông Lý Việt Trung, gồm: Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng; bà Trần Thị Kim Oanh, Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy; ông Lê Xuân Hòa, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng; ông Lương Công Tuấn, Chánh Thanh tra thành phố; đại diện các cơ quan: Văn phòng Thành ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND thành phố, Ban Tiếp công dân thành phố, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố.
Ông Trung cho biết, cuộc đối thoại diễn ra khoảng 2 tiếng đồng hồ. Tại buổi đối thoại này, ông Trung trình bày cặn kẽ sự việc với gia đình ông, không ai trong thành phần tham dự đưa ra được ý kiến gì để phản biện, hoặc phân tích pháp lí để bắt bẻ những ý kiến của ông. Theo đó, tóm tắt vụ việc như sau:
Cụ Võ Thị Hạnh, mẹ đẻ ông Lý Việt Trung có hơn 200m2 đất tại địa chỉ số 14B đường Trần Phú, TP Đà Nẵng. Nhà, đất này do cụ Hạnh và chồng là cụ Lý Huỳnh Chuyên tạo lập từ năm 1968 (từ thời chế độ cũ), sử dụng ổn định từ đó đến khi bị thu hồi. Năm 1988, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) thu hồi toàn bộ diện tích nhà, đất tại 14B Trần Phú giao cho Nhà máy bia nước ngọt Sông Hàn mở rộng diện tích sản xuất. Thế nhưng, chính quyền TP Đà Nẵng lại cho rằng, ngôi nhà của cụ Hạnh thuộc sở hữu Nhà nước, nên không bồi thường, cũng không bố trí tái định cư. Cụ Hạnh khiếu nại liên tục trong vòng 7 năm, từ năm 1989 đến năm 1996, nhưng không được giải quyết. Sau khi cụ Hạnh mất, ông Trung thừa kế quyền khiếu nại tiếp, cũng không được TP Đà Nẵng giải quyết dứt điểm. Ông Trung đã phải nhiều lần ra Trung ương khiếu nại, cầu cứu.
Ông Lý Việt Trung, người đi khiếu nại hơn 30 năm chưa dứt |
Tại Biên bản đối thoại ngày 11/3/2021, ông Trung nêu ý kiến: “Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991 quy định tại Điều 8 và Điều 23, phải gửi quyết định giải quyết cho người khiếu nại, đề nghị cho tôi biết nội dung khiếu nại liên quan đến nhà, đất tại 14B Trần Phú, TP Đà Nẵng của tôi đã giải quyết tại quyết định nào?”. Nội dung này không có câu trả lời.
Ông Trung tiếp: “Tại Công văn số 391/CV-UB ngày 7/6/1996 khẳng định mẹ tôi khiếu nại liên tục, UBND thành phố không thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, tại Thông báo số 217. Theo đó thành phố không giao đất là trái với chỉ đạo trên. Báo cáo số 1873 không giao đất bị khiếu nại và Thanh tra Chính phủ đã rà soát lại, kiến nghị giao đất và được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kết luận như thế”.
Ông Lương Công Tuấn nêu ý kiến: “Về việc liên quan đến giải tỏa tại 14B Trần Phú, TP Đà Nẵng đã được UBND thành phố xử lí theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận tại Báo cáo số 1873/BC-TTCP ngày 13/8/2014 của Thanh tra Chính phủ, được Chính phủ đồng ý tại Công văn số 7864/VPCP-V.I ngày 8/10/2014 của Văn phòng Chính phủ. Về việc giao đất cho gia đình ông Lý Việt Trung, theo chỉ đạo tại Thông báo số 217/TB-VPCP ngày 4/8/2016 của Văn phòng Chính phủ. Nội dung này đã được UBND thành phố triển khai thực hiện đúng chỉ đạo nêu trên”.
Ông Lý Việt Trung từng phải ra tận Trung ương khiếu nại |
Kết quả: “Sau khi nghe đại diện Thanh tra thành phố trình bày, báo cáo kết quả giải quyết vụ việc của ông Lý Việt Trung, ý kiến của ông Lý Việt Trung và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố kết luận như sau: Nội dung vụ việc của ông Lý Việt Trung, được UBND thành phố thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tại Công văn số 7864/VPCP-V.I ngày 8/10/2014 và Thông báo số 217/TB-VPCP ngày 4/8/2016 của Văn phòng Chính phủ”.
Các ý kiến nêu trên của phía UBND TP Đà Nẵng, rõ ràng chưa đụng chạm được đến sự thật. Sự thật là, tại Thông báo số 217/TB-VPCP ngày 4/8/2016 của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có nội dung: “UBND TP Đà Nẵng quyết định cụ thể việc giao đất cho hộ ông Lý Việt Trung”. Như vậy có nghĩa UBND TP Đà Nẵng phải quyết định cụ thể việc giao đất cho hộ ông Lý Việt Trung, theo chế độ bồi thường bằng đất.
Thế nhưng, ông Lương Công Tuấn, thời điểm năm 2016 là Phó Chánh Thanh tra thành phố đưa ra thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố: “giao cho ông Trung một lô đất ở khu tái định cư Phước Lý (vùng ven) diện hộ phụ”, đồng thời ra điều kiện nếu ông Trung rút khiếu nại sẽ xem xét giải quyết diện hộ chính!? Mặc nhiên diện hộ phụ nhận đất là phải nộp tiền sử dụng đất, diện hộ chính đồng nghĩa với việc nhận đất không phải nộp tiền sử dụng đất. Việc rút khiếu nại là không cần thiết, bởi khi giải quyết thỏa đáng rồi, mặc nhiên khiếu nại hết hiệu lực, thì việc gì phải rút? Do đó ông Trung không thể đồng ý với cách giải quyết này, nên không nhận đất và tiếp tục khiếu nại.
Về kết luận của ông Hồ Kỳ Minh: Công văn số 7864/VPCP-V.I ngày 8/10/2014 có nội dung: “Đồng ý với báo cáo kết luận tại Văn bản số 1873/BC-TTCP ngày 13/8/2014 của Thanh tra Chính phủ, ý kiến của UBND TP Đà Nẵng tại Văn bản số 8437/UBND-NCPC ngày 19/9/2014, về việc kiểm tra, rà soát và đối thoại việc khiếu nại của các hộ dân. UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo kiểm tra, xem xét giải quyết cụ thể theo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương…”.
Khu đất 14B đường Trần Phú, hiện là trụ sở của Techcombank |
Còn Thông báo số 217/TB-VPCP ngày 4/8/2016 của Văn phòng Chính phủ có nội dung chỉ đạo cụ thể, hơn nữa mặc nhiên phủ nhận văn bản trước là Công văn số 7864/VPCP-V.I. Thông báo số 217/TB-VPCP có nội dung truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: “Đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, về việc UBND TP Đà Nẵng kiểm tra quỹ đất… quyết định cụ thể việc giao đất cho hộ ông Lý Việt Trung…”. Do đó, việc ông Lý Việt Trung cho rằng, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng kết luận vụ việc theo kiểu “hàng hai”, là có căn cứ.
Thực tế để giải quyết dứt điểm vụ việc này, theo chúng tôi là khá đơn giản. Đó là chỉ cần giao cho hộ ông Lý Việt Trung đất tái định cư theo quy định của pháp luật, thì ông Trung sẽ chấm dứt khiếu nại, tố cáo. Điều 74 Luật Đất đai năm 2013, về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, quy định rất rõ tại Khoản 1: “Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường”. Và Khoản 2 quy định: “Việc bồi thường được thực hiện bằng việc, giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền, theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất”.
Về điều kiện được bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất… Khoản 1, Điều 75 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm… hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này”. Như vậy, ngoài việc nghiêm chỉnh chấp hành ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, thì việc giao đất cho gia đình ông Lý Việt Trung không có vướng mắc gì về mặt pháp lí. Rất mong chính quyền TP Đà Nẵng nên nhìn thẳng vào sự thật khách quan, mà tiến hành giao đất ở cho gia đình ông Lý Việt Trung.
Nội dung rõ như ban ngày nhưng vẫn cố ý giải quyết quanh co Như Báo (nay là Tạp chí) Người cao tuổi đã phản ánh, từ năm 1989 đến nay gia đình ông Lý Việt Trung tiếp tục ... |