Huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh: Một vụ kiện, 6 năm bị "ngâm", chưa xử!
Pháp luật - Bạn đọc 19/01/2021 07:58
Nội dung tranh chấp
Theo ông Võ Văn Mười, sinh năm 1947, ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, ông được cha mẹ để lại khá nhiều ruộng nên sau giải phóng 1975, ông hiến 11 mẫu cho HTX để chia cho bà con xã viên (có xác nhận của nguyên Bí thư Đảng uỷ xã và Tập đoàn trưởng), chỉ giữ lại hơn 20 công canh tác. Năm 1990, do thấy gia cảnh bà Nguyễn Thị Mười, sinh năm 1927, ở xã Quy Đức, cùng huyện có hoàn cảnh khó khăn nên ông cho mượn 03 thửa 391, 392 và 393 (5.356m2) để trồng hoa màu. Sáu năm sau (năm 1996), ông được cấp sổ cho phần ruộng còn lại sau khi hiến, bao gồm cả 3 thửa cho bà Mười mượn.
Phần khai đất "không rõ ràng" của bà Mười (ảnh nhỏ là kê khai của ông Mười) |
Thế nhưng, năm 2012, do có nhu cầu sử dụng nên ông Mười yêu cầu bà Mười trả đất thì không được đáp ứng. Tìm hiểu, ông được biết, năm 1998, tức sau 2 năm khi ông được cấp sổ thì bà Mười, bằng cách nào đó cũng có tấm sổ đỏ (chỉ cấp riêng 3 thửa của ông) trong tay. Quá bất ngờ, ông Mười thưa lên UBND xã Hưng Long. Song, cả 2 lần chính quyền cấp cơ sở tổ chức hòa giải (gồm đầy đủ thành phần: Lãnh đạo uỷ ban; chủ tịch mặt trận, hội nông dân; cán bộ địa chính, tư pháp...) bà Mười đều né tránh, không có mặt buộc ông phải phát đơn khởi kiện!
Chủ tịch xã mâu thuẫn, "khuất tất"!?
Trung tuần tháng 10/2013, TAND huyện Bình Chánh thụ lý vụ án. Để có cơ sở phán quyết, ngày 24/6/2014, Tòa án ra công văn yêu cầu chính quyền xã Hưng Long xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng, đăng kí kê khai 3 thửa đất tranh chấp. Trả lời tòa, ngày 4/9/2014, Chủ tịch UBND xã Ngô Văn Nhân ra Báo cáo số 1.222, lờ đi nguồn gốc đất và việc cấp sổ đỏ đúng, sai mà chỉ xác nhận: Ông Mười có kê khai đăng kí trên sổ địa chính (trang 148, quyển số 3), được cấp sổ ngày 30/7/1996. Bà Mười được cấp sổ ngày 27/11/1998 và cũng có kê khai (trang 186, quyển số 6), "nhưng không rõ ràng"!
Sổ đỏ cấp năm 1998 cho bà Mười, đầy nghi vấn |
Hơn 4 năm sau, ngày 10/9/2018, tại văn bản số 1.547 trả lời Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện, cũng chính ông Nhân, đã "dũng cảm" hơn khi khẳng định nguồn gốc đất là của... anh trai ông Mười (ông Nghị, đã mất) canh tác trước 1975. "Năm tám mươi mấy, vợ ông Nghị bán cho bà Mười, bà Mười canh tác 2 năm rồi cho người khác thuê làm lúa". Đến 2001, bà Mười chuyển nhượng toàn bộ cho cháu ngoại là ông Đàm Anh Dũng, để rồi, năm 2011, ông Dũng tặng hết cho con gái (bà Đàm Ý Nhi, đã mất)... Tức, ông Nhân khẳng định, đất là bà Mười mua (từ chị dâu ông Mười), còn đất của ông Mười... ở chỗ khác (thửa 146, 147), nhưng "do có sai sót" và tại thời điểm cấp sổ "UBND xã căn cứ vào sổ mục kê của tài liệu 02" (trang 45, quyển số 4) "có dấu hiệu cạo sửa bằng bút xoá" nên dẫn đến cấp... trùng vào 3 thửa 391, 392, 393 của bà Mười (!)... Có thể thấy, ông Chủ tịch Nhân đã mâu thuẫn với chính mình, khi năm 2014 tại Báo cáo số 1.222, ông quả quyết bà Mười kê khai "không rõ ràng", thế mà 4 năm sau đó, tại văn bản 1.547, ông cho rằng: Ông Mười kê khai "có dấu hiệu cạo sửa"!?
Hai văn bản của Chủ tịch UBND xã mâu thuẫn, "chọi" nhau |
Tương tự, năm 2014, ông Nhân khẳng định bà Mười trực tiếp canh tác từ 1976; song năm 2018, sau khi đã xác minh, ông lại khẳng định: Đất là của ông Nghị, đến tận năm "tám mươi mấy" bà Mười mới mua từ vợ ông này (giá bao nhiêu, có giấy tờ hay mua miệng cũng không nói rõ)... Còn nữa, ông Nhân bảo, sau khi mua đất bà Mười chỉ canh tác 2 năm rồi cho người khác thuê, "làm lúa" đến năm 2001 mới bán cho ông Dũng. Vậy, người thuê đất "làm lúa" hơn 10 năm ấy là ai và thuê với giá bao nhiêu? v.v... “Điều đáng nói, ông Nhân cho rằng, đất của ông Mười ở thửa 146, 147, thế nhưng năm 2012, ông Lê Văn Tám nào đó lại được cấp sổ đỏ gần hết thửa 147, ghi là đất trồng cây lâu năm, hạn sử dụng đến 2018 (6 năm) và đánh số thửa lạ hoắc, là 629", đại diện nguyên đơn cho biết!
Đến khi nào tòa xử?
Không chỉ mâu thuẫn với chính mình mà Chủ tịch UBND xã Hưng Long còn mâu thuẫn với bị đơn. Cụ thể, ông Nhân nói bà Mười mua đất của vợ ông Nghị và sử dụng từ "năm tám mươi mấy". Trong khi, tại bản tự khai gửi tòa, bà Mười cam đoan: Năm 1976, bà "hoán đổi" đất (hoán đổi miệng, không giấy tờ) với em ruột bằng vàng (nhưng bao nhiêu vàng thì không nhớ) và sau khi được cấp sổ, năm 2001 bà bán cho ông Dũng, giá 250 triệu đồng...
Mảnh đất cấp sổ cho ông Lê Văn Tám "nào đó", chèn vào giữa thửa 147 với số hiệu "lạ": 629! |
Chẳng những giữa chính quyền xã với bị đơn "ông chẳng, bà chuộc" mà ngay bà Mười cũng tự "phát lộ" mẫu thuẫn: Bị đơn cam đoan với tòa là "hoán đổi" đất, từ 1976, song tại đơn xin đăng kí quyền sử dụng, ngày 11/9/1998, lại khẳng định "đất tự có, sử dụng từ 1975 đến nay"!...
Quyết định "đá" vụ án lên tòa cấp trên của TAND huyện Bình Chánh |
Là những người "trong cuộc" vụ tranh chấp, gia đình ông Mười cho rằng, vụ việc không quá phức tạp. Bị đơn nói đất hoán đổi, nhưng lại không đưa ra được bằng chứng nào, và nếu là đất của mình, nhất là đã được cấp sổ thì tại sao 2 lần xã hòa giải bà Mười đều tránh né? Cũng theo nguyên đơn, một vấn đề rất đáng lưu tâm: Tính từ ngày TAND huyện Bình Chánh thụ lí đến nay đã hơn 6 năm, nhưng vụ án vẫn chưa đưa ra xét xử. Và, như vậy, tòa đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng Dân sự. "Tôi nhớ, sau khi ngâm chán chê, ngày 10/2/2017, tòa bỗng chuyển vụ kiện lên tòa thành phố và bị trả lại để bị ngâm tiếp tới bây giờ. Trong khi ông Mười vừa mới mất", người thân ông Mười bức xúc!