Huyền bí Di Linh với ngọn núi thiêng Brăh Yàng
Du lịch 21/05/2023 09:35
Cạnh một Đà Lạt mộng mơ, lãng mạn là một Di Linh mạnh mẽ và huyền bí có sức hút mãnh liệt với những lữ khách ưa khám phá, thích mạo hiểm. |
Theo bước chân những người con của đại ngàn Di Linh
Qua giới thiệu của người bạn đồng bào K’Ho Srê là anh Mul K’Vang, chúng tôi tìm đến căn nhà gỗ cổ kính ở xã Liên Đầm, huyện Di Linh nơi chúng tôi may mắn gặp vị chủ nhà hiếu khách là anh Nhoi Mur, cũng là người K’Ho Srê.
Trong căn nhà gỗ nhỏ xây từ những năm 1986, anh Nhoi Mur đón chúng tôi nồng hậu với nhiều món ăn đặc trưng của bà con nơi đây như món cà đắng da trâu, măng chua nấu tôm suối, đọt mây nấu cà chua rẫy (biap pài gòl mờ blơn sút), lá bép (bap nge pài) với cá khô và thịt gác bếp nấu trong ống lồ ô, cả món cháo bí đỏ đậm đà vị khó tả mà chúng tôi chỉ biết gọi là hương vị núi rừng.
Càng thú vị hơn khi được tìm hiểu cuộc sống của đồng bào của anh Nhoi Mur qua các chuyến lên rẫy. Dưới những gốc cà phê ngỡ như là cỏ bụi tôi mém dẫm lên thì anh nhanh tay bứt lấy bảo đây là rau nút áo (n’ha kơ loan). Rồi anh giới thiệu nào lá mì (n’ha blàng), ngọn ớt (nhà mré), đọt dớn (rơ tuơn), cà đắng (prền tăng), cà gai (prền jùn), cà dẻo (blơn ngan), cà chua rẫy trái nhỏ chỉ nhỉn hơn hạt đậu tí chút (blơn sut), v.v. Nhiều loại rau quả không biết gọi tên thế nào. Tôi cảm giác những loài cây nơi đây tựa hồ sinh ra cho chính những người con của mảnh đất này. Anh Nhoi Mur vui vẻ giới thiệu tôi về công dụng của từng loại. Chỉ dạo một vòng là chúng tôi hái đủ nguyên liệu cho bữa ăn của cả đoàn rồi.
Hái lá mì (n’ha blàng) trên rẫy của gia đình anh Nhoi Mur |
Trong ánh lửa bập bùng, tiếng gỗ cháy tí tách, làn khói bếp bảng lảng như sương như ảo, người lớn quây quần bên bếp lửa thưởng thức men rượu cùng các món ăn của núi rừng và kể lại những câu chuyện cổ xưa. Nhanh chóng thôi, chúng tôi bị thu hút bởi câu chuyện mang màu sắc sử thi về tổ tiên người K'Ho khai mở vùng đất Di Linh, về câu chuyện ngọn núi cao nhất Di Linh nơi ngày xưa chàng Brăh lấy nàng tiên trên núi trở thành thần (Yàng) cai quản ngọn núi mang tên chàng là Brăh Yàng.
Một buổi tối trò chuyện ấm cúng trước căn nhà gỗ của anh Nhoi Mur |
Hành trình lên đỉnh núi thiêng Brăh Yàng
Brăh Yàng (ồng iah Brăh Yàng) theo tiếng bản địa có nghĩa là nơi ở của vị thần núi rất linh thiêng. Đây là ngọn núi cao nhất của Cao Nguyên Di Linh với độ cao 1.879m so với mực nước biển, bao quanh là rừng nguyên sinh, dãy núi đá trùng điệp và nhiều khe nước trong vắt gắn với nhiều truyền thuyết của đồng bào K’Ho Srê. Bà con nơi đây tin rằng vị thần Brăh Yàng có sức khỏe và tài quy phục dã thú, bảo vệ con người cùng vạn vật, rằng ai đến được đỉnh núi cao hiểm trở này cần có niềm tin, sức bền lẫn thể lực.
Cột mốc độ cao 1.879m trên đỉnh Brăh Yàng |
Đường lên đỉnh núi chỉ có con đường mòn rất khó đi với hàng loạt con dốc cao tiếp nối nhau. Không như một số ngọn núi chúng tôi từng leo thách thức chỉ bởi vài con dốc dựng đứng nhưng phá sức nhanh, hay nguy hiểm bởi những con suối gầm gừ lúc nước về, hay những cung đường lài lài dễ gây chán với những ai ưa cảm giác mạnh, ngọn núi thiêng cao nhất Di Linh này chính xác dành cho ai thích những gì gai góc, thách thức và huyền bí.
Để lên đỉnh Brăh Yàng, chúng tôi phải băng qua những ruộng lúa, rồi những rẫy cà phê được canh tác trên các con dốc đứng, đá và cỏ chen nhau. Cái nắng cao nguyên gắt cao mà tán lá cà phê lùm xùm chẳng đủ tạo bóng mát khiến tôi chóng mệt, mồ hôi nhễ nhại ướt cả tấm áo. Thế nhưng anh K'Brẻoh, người dẫn đường của tôi, vẫn bước đi thản nhiên như không. Vừa đi anh vừa kể chuyện lúc nhỏ đi chăn trâu, chuyện đá banh quanh rẫy, rồi anh chỉ tay về hướng rừng thông nơi trước đây là bãi đất trống giờ đã được phủ xanh bởi Lâm trường Bảo Thuận.
Cánh đồng lúa trên đường lên núi Brăh Yàng |
Trong lúc tôi ngồi thở dốc bên tảng đá ven đường, anh đã nhanh chóng trèo lên cây vú sữa giữa rẫy hái cho tôi vài quả ăn cho lại sức. Tôi bất chợt mỉm cười bởi sự chu đáo của anh, và thán phục cách anh trèo cây như bước đi trên bậc thang vô hình nào đấy. Anh bảo những quả này bà con đi rẫy vẫn hái ăn mà không cần xin phép ai cả lâu dần thành lệ rồi. Quả ra nhiều, ăn không hết rụng đầy cả gốc. Như minh chứng cho sự phóng khoáng, chân tình của bà con nơi đây, anh đưa tôi mấy trái chuối từ quày chuối chặt sẵn bên hiên nhà mà ai đi rẫy mệt cứ ghé qua vặt vài quả.
Cứ thế suốt đuờng đi, những người con hiếu khách của Brăh Yàng đã chiêu đãi tôi thêm món xoài rẫy chua thanh, rồi trái ổi rừng chan chát. Trái cây vùng này tuy nhỏ trái mà hương vị đậm đà đầy mê hoặc đến lạ.
Băng qua rẫy, qua những cánh rừng thông là đến khu rừng nguyên sinh. Theo lối những con đường mòn chỉ vừa một người đi, cái mệt như giảm bớt bởi hàng loạt cây cổ thụ vươn lên che bóng mát. Thảm thực vật trong rừng nguyên sinh đa dạng hơn nhiều từ các loại cây bụi mọc chen với những búi dây gai chằng chịt đến những cây cổ thụ phải chục người ôm không xuể.
Thảm thực vật đa dạng của rừng nguyên sinh gần đỉnh núi Brăh Yàng |
Một nhánh của suối Dà glar trong rừng nguyên sinh mùa khô cạn nước |
Bộ rễ của cây đa bóp cổ bao quanh thân cây cổ thụ to trong rừng nguyên sinh |
Khách đường xa tìm nguồn nước thần
Chiều dần buông cũng là lúc lượng nước chúng tôi mang theo gần cạn. Những người con của Brăh Yàng động viên chúng tôi đi tiếp hướng về giếng nước thần, nơi có nguồn nước không bao giờ cạn kể cả vào hè oi ả.
Tương truyền khi chàng Brăh theo các nàng tiên lên núi, chàng chỉ thấy toàn cây là cây chứ không có nhà nào để ở cả. Thần núi bèn ban cho chàng nước từ giếng này để rửa mặt. Vừa rửa xong thì khuôn mặt chàng sáng hẳn lên, và chàng bỗng nhìn thấy những căn nhà dài cổ xưa giữa rừng. Từ đó, chàng ở lại luôn cùng con gái của thần núi và cai quản ngọn núi thiêng.
Chúng tôi đến được giếng cổ sau khi đã mệt nhoài vì những con dốc đứng và cơn khát thiêu đốt. Khác với tưởng tượng ban đầu, giếng nước rất nông nhìn vào là thấy đáy ngay nhưng lạ thay lại không bao giờ cạn nước và cũng không bị cỏ cây vùi lấp. Vốc lấy ít nước vào mặt, tôi cảm nhận sự mát lạnh đến khoan khoái, dễ chịu.
Người đồng bào K’Ho Srê nơi đây vẫn tin thần núi sẽ ban cho lữ khách đến rửa mặt tại giếng sức khỏe dồi dào, mặt mày sáng sủa. Mỗi chuyến lên đỉnh Brăh Yàng cũng là chuyến viếng thăm vùng đất linh thiêng, như những người con về thăm ông bà tổ tiên nên phải giữ sự kính trọng, tôn nghiêm, không nói bậy chửi tục.
Giếng nước cổ truyền thuyết gần đỉnh Brăh Yàng |
Anh Nhoi Mur kể tôi nghe về thần núi phù hộ dân làng như thế nào, rằng con cháu của thần cứ huýt sáo 3 lần mỗi dịp lễ hội như lễ đâm trâu, mừng lúa mới, v.v. thì thần sẽ về lại thăm buôn làng trên những chiếc chiếu được các tiên nữ đan bằng lá chuối trải dọc lối đi. Anh lại kể về rẫy của Brăh Yàng vẫn còn trên đỉnh núi trồng nào là cây chanh, cây bưởi, cây quýt rừng… chẳng rõ có từ bao giờ mà chỉ những người con của Yàng có duyên mới nhìn thấy được.
Hái trà từ cây trà cổ thụ trên đỉnh núi Brăh Yàng |
Tự tại giữa đêm cao nguyên thăm thẳm
Sau hành trình băng rừng khoảng hơn chục km, chúng tôi cắm trại tại bãi đất trống gần giếng nước cổ truyền thuyết nơi mang đến nguồn nước để uống và nấu ăn cho bữa tối.
Bãi trại trong rừng gần giếng nước cổ lúc sương xuống |
Đêm rừng tối mịt, trời se se lạnh và ẩm ướt do làn hơi nước bốc lên từ mặt đất và nước đọng trên các tán lá bởi cơn mưa bụi lúc ban chiều. Giữa không gian tịch mịch của Cao Nguyên Di Linh, khói bếp dường như là hình ảnh sinh động duy nhất trong số những tạo vật xung quanh. Khói bếp lan tỏa mùi thơm lừng của cơm, thịt nướng với lá cây lilu vừa hái (lồ liê, tiêu rừng) và bắp nướng. Ngọn khói mỏng manh lan tỏa thứ ánh sáng ấm áp như mời gọi những người con, người lữ khách phương xa quây quần bên nhau.
Góc bếp dã chiến - tâm điểm của cả đoàn giữa đêm trong rừng thiêng Brăh Yàng |
Tôi đã ngạc nhiên chứng kiến ly rượu chuyền tay từ tôi đến anh K'Brẻoh thì anh dừng lại làm nghi thức rới rượu lên tảng đá và cúi đầu lầm rầm bằng ngôn ngữ K’Ho mà tôi chẳng thể hiểu được. Sau nghi thức đó anh mới nhấp hóp rượu. Tôi tò mò hỏi một cách ái ngại thì anh tươi cười giải thích vì anh là con cháu của Yàng nên trước khi ăn uống cần bày tỏ lòng biết ơn và mời Yàng. Và rồi câu chuyện của chúng tôi về bao thế hệ con cháu của thần núi Brăh Yàng cứ thế được tiếp nối.
Màn đêm tịch mịch cho phép làn khói bếp vẽ lên những hình thù ảo diệu. Tôi nghiện khói bếp và những câu chuyện kể về cha ông trong những đêm dài lạnh giá. Chính những truyền thuyết được kể lại này đã rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ, giữa các tộc người và giữa những kẻ tưởng chẳng hề quen biết.
Phong tục trên mảnh đất Di Linh cũng mang những điều đặc trưng như thần thoại thế đó. Vậy nên kẻ khách đường xa cứ chếnh choáng trong men say của đại ngàn, rồi lại ngất ngây những nét huyền diệu của cuộc sống miền cao, cứ thế hòa mình trọn vẹn vào những nét riêng nơi ấy.
Rời khỏi vùng đất Di Linh, chúng tôi vẫn mãi quyến luyến sự hùng vĩ của núi rừng Di Linh, sự hiếu khách của những người con chân thành và kiên cường mà vị thần Brăh Yàng bảo trợ, cũng như hiểu hơn những điều huyền bí mà chốn cao nguyên đã cất giấu bao đời.
Hoàng hôn trên Cao nguyên Di Linh |