Hội Người cao tuổi nhìn từ góc độ công tác tổ chức
Nghiên cứu - Trao đổi 15/04/2022 08:36
Chẳng thế mà V. I. Lê-nin - lãnh tụ thiên tài của nước Nga Xô Viết từng nói: Nếu cho chúng tôi một tổ chức, chúng tôi sẽ làm đảo lộn nước Nga. Quả thật, khi Lê-nin sáng lập và xây dựng được Đảng Bônsêvich, Người đã lãnh đạo nước Nga làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mà người đời đã ca ngợi là “Mười ngày rung chuyển thế giới”. Điều đó nghĩa là việc định hình một tổ chức là một vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết.
Là một cán bộ Hội, từ lâu tôi đã có những suy tư, trăn trở rất nhiều về tổ chức Hội và có cảm tưởng Hội còn nhiều vấn đề bất cập về khâu tổ chức ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động. Với tình cảm sâu sắc và tâm huyết với Hội, Tôi xin mạnh dạn tham gia một số vấn đề theo suy nghĩ của cá nhân.
Một là về vị thế chính trị: Hội NCT có phải là một tổ chức chính trị? Ngay từ thời xã hội phong kiến, các triều đình phong kiến Việt Nam đã đánh giá rất cao vị thế của NCT trong xã hội. Chẳng thế mà năm 1284, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã mở hội nghị Diên Hồng mời các cụ bô lão trong nước về họp để xin ý kiến về việc hòa hay đánh khi quân Nguyên Mông chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ 2. Ý chí quyết đánh của các cụ đã khích lệ quân dân nhà Trần đánh thắng quân xâm lược.
Bài dưỡng sinh của NCT huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai |
Cũng kế thừa truyền thống đó, ngay từ khi về nước năm 1941, Bác Hồ của chúng ta đánh giá rất cao sự đóng góp của NCT trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Người từng viết: “Đất nước hưng thịnh là do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại là do phụ lão giúp sức. Đất nước bị mất thì phụ lão cứu. Đất nước suy sụp thì phụ lão phù trì…”. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Hội Phụ lão Cứu quốc là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cả đất nước đánh giặc và lao động sản xuất. Không những thế, các cụ còn trực tiếp tham gia đánh giặc như các cụ lão dân quân ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa bắn rơi máy bay hiện đại của Mỹ…
Bây giờ đất nước hòa bình, NCT và Hội NCT vẫn giữ được truyền thống anh dũng trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Ý thức gương mẫu về mọi mặt, sự giáo dục, truyền bá lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đổi mới của đất nước là nguồn lực về tinh thần không bao giờ cạn làm chỗ dựa vững chắc cho chế độ, cho đất nước. Hoạt động của Hội không chỉ là tổ chức vận động NCT để sống vui, sống khỏe, mà còn là sống có ích cho xã hội, làm rường cột cho đất nước. Vì vậy, Hội NCT không phải là một tổ chức xã hội mà phải là một tổ chức chính trị của lớp tuổi già mới đúng vị thế.
Thứ hai là hệ thống tổ chức của Hội chưa thống nhất, đồng bộ. Lãnh đạo cao nhất là Trung ương Hội nhưng đến các tỉnh thành phố, các huyện thì hình thức tổ chức của Hội đã theo 2 kiểu khác nhau. 13 tỉnh, thành phố tiếp tục theo hướng tổ chức là Hội, còn lại 50 tỉnh, thành thì tổ chức theo kiểu Ban đại diện. Ở đây tôi thấy có sự không phù hợp, không đồng bộ, không thống nhất.
Trước hết là chọn nơi làm thí điểm. Thông thường khi chọn nơi làm thí điểm phải là nơi khác thường (ở đây nơi khác thường chính là theo hình thức Ban đại diện, còn nơi thông thường là Hội) nhưng chúng ta lại chọn nơi thông thường (tức là 13 tỉnh theo hình thức tổ chức Hội) làm điểm. Như vậy, khi tổng kết sẽ không đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra là tìm một hình thức mới thay thế cho hình thức thông thường.
Ngoài ra, hình thức tổ chức Ban đại diện tuy có vẻ là tinh gọn bộ máy, thực hiện mục đích “hai trong một”, song không phù hợp vì một Ban của chính quyền lại trực tiếp lãnh đạo, điều hành Hội cấp dưới. Điều đó làm mất tính độc lập tương đối của Hội. Mặt khác, nếu để hình thức tổ chức Hội thì dù có thêm một Ban Đại diện NCT ở tỉnh, huyện (giống như Uỷ ban Quốc gia về NCT của Trung ương) cũng không tăng thêm về biên chế và kinh phí vì đây đều là các ban kiêm nhiệm. Trong khi để kéo dài tình trạng như hiện nay thì tổ chức Hội không có sự đồng bộ, thống nhất, thông suốt. Vì vậy, tôi đề nghị Trung ương Hội sớm cho tổng kết thí điểm để hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức của Hội.
Thứ 3 là chính sách đối với cán bộ Hội. Trong khi các tổ chức đoàn thể khác thì những người tham gia công tác Hội đều có một mức phụ cấp nhất định, thì đối với Hội NCT vì là tổ chức xã hội nên chỉ có Chủ tịch Hội cơ sở (cấp xã) có phụ cấp, còn từ Phó Chủ tịch Hội cơ sở đến các chi hội trưởng đều không có phụ cấp. Đối với NCT thường là những người có thu nhập thấp trong xã hội, sức khỏe lại bị giảm sút thì rõ ràng chưa khuyến khích được tinh thần công tác của các cụ. Trong khi đó kinh phí hoạt động cũng rất hạn chế, không được quy định cụ thể, nên có nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm giải quyết để các Hội cơ sở có điều kiện hoạt động.
Thứ tư là Chính phủ đã xếp Hội NCT là một trong những Hội đặc thù nhưng lại chưa có những quy định cụ thể hóa để các Bộ, ngành, chính quyền địa phương có sự quan tâm đầy đủ đến các nhu cầu hoạt động của Hội.
Đó là những trăn trở của nhiều cán bộ Hội, rất mong thời gian tới có sự nhìn nhận, đánh giá trở lại và có hướng điều chỉnh để Hội trở lại vị thế đáng có và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.