Học tập phẩm chất, đạo đức Hồ Chí Minh qua công tác “đền ơn”
Nghiên cứu - Trao đổi 23/09/2022 09:15
Ở góc độ người viết, nếu trong cuộc sống chúng ta không có lòng biết ơn những người đã giúp đỡ mình thì thật vô vị. Cũng như không biết công ơn ông, bà, cha, mẹ… làm sao chúng ta có thể báo hiếu, có thể “đền ơn”. Chỉ có lòng biết ơn mới làm cho con người lớn mạnh, gia đình hạnh phúc, xã hội phồn vinh, đất nước hùng cường.
Nghĩ rộng ra, nếu không hiểu sử ta, để biết ơn những người anh hùng đã cống hiến cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước, không hiểu về văn hoá, phong tục, tập quán… Dân tộc, làm sao có thể tiếp tục bảo vệ và xây dựng đất nước ngày một lớn mạnh? Xứng đáng với công ơn của cha anh?
Năm 1947, Nhà nước còn non trẻ, Nhân dân còn đói nghèo, đất nước đang trong cuộc chiến cam go với thực dân, phong kiến. Lớp lớp người dân đã ra trận và cũng không ít trong số đó hoà cùng núi sông… Là người chèo lái con thuyền cách mạng, Người đau xót vô cùng. Ngày đêm đau đáu nghĩ về sự hi sinh to lớn đó, trong khi đất nước còn trường kì kháng chiến. Tháng 6/1947, Bác Hồ ra Sắc lệnh chọn một ngày trong năm làm ngày Thương binh - Liệt sĩ để Nhân dân cả nước tỏ lòng biết ơn người có công chiến đấu vệ Tổ quốc và thân nhân của họ, và chúng ta có ngày Thương binh toàn quốc (27/7/1947). Trước hơn 300 đại biểu Đảng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Nha thông tin, Cục Chính trị Quân đội, chính quyền huyện, xã, bộ đội và Nhân dân địa phương họp tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để nghe công bố bức thư đầu tiên của Bác Hồ gửi Ban tổ chức ngày Thương binh toàn quốc (sau đổi thành ngày Thương binh - Liệt sĩ).
Thư Bác viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con thân thích, họ hàng ta bị đe doạ. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành thương binh”.
Tình cảm của Người đối với thương binh và gia đình liệt sĩ vô cùng rộng lớn và thiết tha. Sau khi Hà Nội được giải phóng, Bác cùng các đồng chí Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đến đặt vòng hoa trước đài liệt sĩ mới được dựng trên Quảng trường Ba Đình. Lời diễn từ của Người đau thương và xúc động: “Hỡi các Liệt sĩ! Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các Liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, vì Dân tộc. Máu nóng của các Liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kì. Tiếng thơm của các Liệt sĩ sẽ muôn đời truyền với sử xanh. Một nén hương thanh. Vài lời an ủi”.
Trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh tháng 7/1951, Bác viết: “Anh em thương binh đã hi sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân… Song đối với những người con trung hiếu ấy Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng. Mỗi xã phải tuỳ theo sự cố gắng và khả năng chung mà đón nhận một số anh em thương binh.
Giúp họ lâu dài chứ không phải trong một thời gian ngắn”. Người còn căn dặn cặn kẽ: “Đồng bào nên hết sức giúp đỡ anh em thương binh, nên coi đó là một nghĩa vụ của Nhân dân đối với những chiến sĩ bị thương, bị bệnh. Không nên coi đó là một việc làm phúc”.
Lòng biết ơn đó của Người lớn đến nỗi, ngay cả khi biết mình sắp về với thế giới người hiền Bác còn trăn trở khi viết Di chúc: “Đối với những người đã dũng cảm hi sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…) Đảng, Chính phủ, và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”. “Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỉ niệm ghi sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta”….
Và lời căn dặn của Người trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đội Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” sẽ còn vang vọng đến ngàn sau.
Ngày nay, Nhân dân ta đã ấm no, hạnh phúc, “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Phải chăng, nó cũng được đóng góp từ lòng biết ơn của mỗi người dân Việt Nam với Bác Hồ, các vị anh hùng đã có công dựng nước và giữ nước.