Hoa mai trong thơ trung đại Việt Nam
Pháp luật - Bạn đọc 01/02/2024 10:40
Hán tự của mai là 梅 - đứng đầu là bộ mộc 木, chỉ cây mai, hoa mai, quả mai, họ Mai (ở Trung Quốc, chữ 梅 còn được hiểu là mơ trong quan niệm về tứ quý của dân tộc họ). Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài (số 6, 2018), nhóm tác giả Phạm Ngọc Hàm và Lê Thị Kim Dung viết: “Từ sự ghi nhận về đặc tính của mai, người xưa đã liên hệ đến phẩm chất và đời sống tinh thần của con người. Màu trắng và màu hồng của hoa mai khiến cho mai mang ý nghĩa biểu trưng cho sự thanh khiết và tao nhã. Sức sống mãnh liệt vượt lên giá rét để có thể nở hoa vào cả những ngày Đông giá và báo hiệu Xuân sang đã khiến cho hoa mai được ví với sức sống mãnh liệt của con người. Dáng vẻ thanh mảnh của cây mai, nhành mai khiến người ta liên tưởng đến thân hình thon thả của người con gái. Cành mai nảy lộc, đơm hoa, toả hương sắc ngày Xuân khiến người ta liên tưởng đến một năm mới với biết bao hạnh phúc”. Bởi tính chất cao quý, tượng trưng cho sự khảng khái, cương trực, thanh khiết, tinh thần vượt lên nghịch cảnh... của cây mai, hoa mai nên sinh thời Cao Bá Quát thốt lên rằng: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (一 生 低 首 拜 梅), nghĩa là: một đời cúi đầu bái hoa mai. Có thể nói, mai là loài cây/hoa đại diện cho những điều đẹp đẽ, cao quý, tinh hoa, khí phách quý báu của con người trong suốt chiều dài lịch sử.
Trong thơ trung đại, mai thường được các tác giả lấy làm chuẩn mực để miêu tả vẻ đẹp của con người. Tuỳ vào đặc trưng nét đẹp, phẩm chất, giới tính nam/nữ, mục đích của người cầm bút mà cách sử dụng biểu tượng mai cũng khác nhau. Khi miêu tả vẻ đẹp Thuý Kiều, Thuý Vân, Nguyễn Du đã dùng mai với tư cách của hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho cốt cách của hai chị em: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”. Vịn vào dáng vẻ thanh cao, mảnh khảnh nhưng vững chãi của cây mai, Nguyễn Du đã gợi tả cốt cách tao nhã, quyền quý, đài cac mà không kém phần dịu dàng, uyển chuyển của Thuý Kiều, Thuý Vân. Trong khi đó, mai trong thơ Nguyễn Trãi lại tượng trưng cho khí tiết, phẩm chất trong sạch, tính tình cương trực, liêm chính của người quân tử: Xuân đến nào hoa chẳng tốt tươi/ Ưa mai vì tiết sạch hơn người (Mai - bài 1). Ở phần Môn hoa mộc, trong “Quốc âm thi tập”, Nguyễn Trãi viết rất nhiều về tứ quý danh hoa, đặc biệt ông có ba bài thơ viết về hoa mai, được đánh số thứ tự 1, 2, 3. Bằng những cảm nhận tinh tế và tấm lòng trân quý hoa mai, Nguyễn Trãi đã phát hiện và gợi tả hương thơm thanh tao của loài hoa được mệnh danh là sứ giả của mùa Xuân: Bóng thưa ánh nước động người vay/ Lịm đưa hương, một nguyệt hay/ Huống lại bảng xuân xưa chiếm được/ So tam hữu chẳng bằng mày (Mai - bài 3).
Với Trần Nguyên Đán, hoa mai tượng trưng cho phẩm chất thanh cao, trượng phu của kẻ sĩ yêu nước: Tùng quan nại tuyết thương nhan cụ/ Mai phán trùng xuân lão bút khai (Hạ Giới Hiên công trừ nhiếp hữu bộc xạ) (Dịch nghĩa: Như cây tùng không ngại tuyết vẻ xanh vẫn như cũ. Tựa cây mai gặp lại Xuân, ngọn bút lão luyện muốn vịnh).
Thời Lý, Trần, Trần Nhân Tông - người sáng lập nên dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử cũng từng say đắm hoa mai: Ngũ xuất viên ba kim niễn tu/ San hô trầm ảnh hải lân phù/ Cá tam đông bạch chi tiền diện/ Tá nhất biện hương xuân thượng đầu (Tảo mai - kì 1) (Dịch nghĩa: Năm cánh hoa tròn nhị điểm vàng. Như bó san hô chìm, như vảy cá biển nổi. Cành hoa trắng xoá suốt trong ba tháng Đông. Sang đầu Xuân chỉ còn loáng thoáng một vài cánh thơm nhẹ). Đó là những dòng thơ gợi tả vẻ đẹp của hoa mai, song đến khi bài thơ sắp sửa kết thúc thì vẻ đẹp ấy mới được thi nhân gọi tên: “Hằng Nga nhược thức hoa giai xứ” (Dịch nghĩa: Nếu Hằng Nga biết được vẻ đẹp thanh nhã của hoa mai). “Hoa giai xứ” - loài hoa thanh nhã, mang nét đẹp thanh cao, đài các đã vương vấn tâm trí thi nhân, là sự thôi thúc cho Tảo mai - kì 2 ra đời, Trần Nhân Tông viết: Nhất chi mê nhập cố nhân mộng/ Giác hậu bất kham trì tặng nhân (Dịch nghĩa: Một cành hoa lạc vào giấc mộng cố nhân. Tỉnh dậy không thể hái đem tặng người). Bài ngũ ngôn cổ phong của Nguyễn Văn Siêu là áng thơ tuyệt bút viết về mai, là sự tổng hợp tuyệt vời những phẩm chất tốt đẹp, quý báu của mai để từ đó thi nhân tỏ niềm tôn kính: Ngã ái nhất thụ mai/ Độc phụ không sơn tháo/ Thẩn thử băng ngọc tư/ Khẳng hướng tuyết sương lão/ Hà thụ bất sinh hoa/ Đá đầu thanh đạm hảo (Ái mai trúc di Ngô Dương Đình) (Dịch nghĩa: Ta yêu một cây mai. Không phụ tình với núi non. Ta yêu cái tính băng ngọc của mai. Luôn mang nét tuyết sương già lão. Cây nào mà không nở hoa. Cuối cùng thì rõ rệt là sự thanh đạm). Thuỷ chung, đài các, từng trải, thanh đạm chính là những tính cách của loài mai được Nguyễn Văn Siêu ngợi ca qua những dòng thơ trên.
Không chỉ thế, mai trong thơ trung đại còn ẩn dụ, tượng trưng cho những điều tốt đẹp, tích cực, biểu tượng của sự lạc quan, sinh sôi. Chẳng thể quên bài kệ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư, trong đó, sự xuất hiện của hoa mai ở cuối bài kệ như một điều nhiệm màu, một tín hiệu vui, một hi vọng mới: Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai (Dịch nghĩa: Đừng tưởng Xuân đi qua là hoa tàn rụi hết. Đêm qua có một cành mai rụng trước sân). “Nhất chi mai” không chỉ là một chi tiết nghệ thuật mà trở thành hình tượng chủ đạo của bài kệ gửi gắm thông điệp về sự an lạc, tích cực giữa cuộc đời, mặc kệ sự biến chuyển của vũ trụ và quy luật sinh - lão - bệnh - tử theo quan niệm Phật giáo. Sắc mai cuối bài như gieo một tia hi vọng mới, thắp lên niềm vui mới trong tâm hồn thanh sạch của vị Thiền sư. Ta cũng bắt gặp niềm vui đó trong “Ái sơn” của Nguyễn Phong: Mai trào hiểu nhật tri xuân noãn (Dịch nghĩa: Hoa mai cười tuyết, biết khí Xuân ấm đã đến). Rõ ràng, mai là tín hiệu của mùa Xuân. Trong thơ trung đại, hoa mai xuất hiện thường là mai màu trắng (bạch mai, tuyết mai) hoặc mai vàng, chiếm ưu thế là mai trắng. Hình ảnh hoa mai màu trắng và quan niệm về loài mai trắng trong thơ trung đại ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi Trung Hoa. Tuy nhiên, cũng có cơ sở để khẳng định trong thơ trung đại, ý niệm về mai không hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi quốc gia “núi liền núi, sông liền sông” với chúng ta.
Như vậy, từ lâu, mai đã trở thành một biểu tượng đẹp trong văn hoá dân tộc. Hiểu về ý nghĩa, giá trị của loài cây/hoa này, ta không chỉ biết rằng mai là biểu tượng của mùa Xuân phương Nam mà còn tượng trưng cho phẩm chất, cốt cách của con người hoặc biểu trưng cho những kiểu người, những tính cách văn hoá. Mai là một phần không thể thiếu trong bức tranh tứ quý Việt Nam, loài cây/hoa đi sâu vào tâm hồn dân tộc, được người đời nhìn bằng đôi mắt nâng niu, trân trọng, ngưỡng phục. Hơn nữa, mai còn là đại diện của cái đẹp mà không chỉ riêng Cao Bá Quát, bất cứ ai yêu cái đẹp đều muốn được “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”.