Hiểu và cảm thông đối với người cao tuổi
Cùng suy ngẫm 08/03/2021 14:26
Khi con người bước qua tuổi 60 được gọi là NCT, cơ thể và tinh thần đều thay đổi, da nhăn, tóc bạc, đi đứng cũng chậm chạp, mắt mờ, tai lãng, sức yếu, mắt kém, răng đau, ăn uống kém ngon, ít ngủ, khó ngủ, hay đi tiểu đêm. Dễ mủi lòng, tủi thân khi những yêu cầu nhu cầu của mình không được con cháu đáp ứng đầy đủ vì nghĩ rằng con cái không còn kính trọng mình nữa. NCT hay hờn giận, khó chịu là do có nhiều thay đổi về mặt cơ thể, tinh thần khiến họ dễ bất an. Nói chung, trong quá trình lão hóa của cơ thể cùng với những bệnh tật xuất hiện cũng đều có ảnh hưởng tới sự ứng xử của người già.
Ảnh minh hoạ |
Người Trung Hoa có câu: “Ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”. Có thể được coi là sự tổng kết triết lí về tâm lí sống và hành động của con người. Tất cả những biến động về sức khỏe và thay đổi về mặt xã hội như đã nói ở trên đều dễ đem lại tâm trạng không tốt cho NCT. Ngoài ra, phải kể đến những thay đổi trong gia đình như việc các con lập gia đình, đi học xa, người thân qua đời… Những việc đó tác động rất lớn đến tinh thần NCT, khiến họ không dễ lấy lại được sự cân bằng, để sống vui vẻ được. Các bác sĩ lão khoa đã đưa ra kết luận: NCT khó chịu, dễ giận như trẻ con nhưng lại khó chiều, bởi họ đang phải đối mặt với những thay đổi cả về trong thể chất lẫn tinh thần, nên rất có thể dẫn đến cảm xúc tiêu cực. Song song với đó, tinh thần của họ cũng bị chuyển biến theo. Xét về mặt xã hội, việc nghỉ hưu khiến họ hụt hẫng về tinh thần. Vì thế, con cái, người thân nên hiểu, cảm thông và chia sẻ với họ, hiểu rõ tính tình của người cao tuổi trong nhà để có thể cùng các cụ chào đón “tuổi vàng”. Nếu có xảy ra mâu thuẫn, thì con cháu đừng cố khăng khăng theo ý mình mà nên mềm mỏng, đợi thời gian và cơ hội thích hợp để bày tỏ cùng họ. Để các cụ sống một cuộc sống “tuổi vàng” vui vẻ, con cháu trong nhà nên chú ý những điều sau: Nuôi dưỡng, chăm sóc tận tình, chu đáo, nên chú ý đến chế độ ăn uống, bệnh tật của các cụ. Tuyệt đối không được bỏ bê các cụ.
Còn đối với NCT nên chú ý vận động tăng cường thể lực, nên tập thể dục thường xuyên. Chọn những môn vừa sức, tốt nhất là đi bộ nhiều. Con cháu vận động các cụ tham gia các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ thơ, ông bà cháu, câu lạc bộ dân ca… như vậy là rất có lợi về mặt tinh thần đối với các cụ. Các hoạt động trong đời sống hằng ngày như tập luyện, lao động chân tay hay trí óc, giải trí, nghỉ ngơi, giấc ngủ đều là những yếu tố liên quan đến sức khỏe NCT. Con cháu đừng quá ham mê công việc mà bỏ bê việc chăm sóc các cụ. Hãy lắng nghe ý kiến của các cụ vì người cao tuổi thích truyền lại cho con cháu những hiểu biết kinh nghiệm quý báu của mình. NCT luôn có tâm lí sợ chết, nên lo âu, đặc biệt là sợ bị bỏ rơi. NCT thường hay bận tâm canh cánh về những việc chưa làm được nên thường hay bắt con cái làm theo ý mình. Do tâm lí sợ bị cô đơn trở nên tự ti hay nóng nảy vì nhận thấy địa vị xã hội của mình trong gia đình ngày càng kém đi, tính tình dễ nổi cáu trước những việc nhỏ nhặt, dễ dao động, khó kiềm chế cảm xúc. Vậy nên con cháu đừng cố chấp mà hãy cảm thông với tuổi già để các cụ có một cuộc sống cuối đời tràn đầy hạnh phúc.
Cuộc sống đời người không có hạnh phúc nào lớn hơn là ông bà cha mẹ mình sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc cùng con cháu. Đó là đạo đức và sự hiếu kính của con cháu đối với ông bà cha mẹ. Đó không những là nền tảng đạo đức mà nó còn là đạo lí uống nước nhớ nguồn. Nếu không có ông bà ba mẹ thì không thể nào có chúng ta hiện hữu trên cõi đời này. Vậy nên việc hiếu kính với ông bà ba mẹ chính là ta đang trân trọng cuộc sống của chính bản thân mình.