Hiểu đúng để giữ nét đẹp tục “kéo vợ” của đồng bào Mông
Nghiên cứu - Trao đổi 10/02/2022 09:07
Nét đẹp từ một phong tục
Tục “kéo vợ” hình thành từ rất sớm, được gìn giữ và thực hành, trở thành một phong tục độc đáo chỉ có ở dân tộc Mông. Thầy giáo Lý Chiến Dìn, dân tộc Mông, giáo viên Trường THPT số 3 Bảo Yên, tỉnh Lào Cai kể rằng: “Xuất phát từ điều kiện sống, tập quán trong hôn nhân xưa kia, do tục lệ thách cưới của người Mông gồm bạc trắng, trâu, lợn, gà, rượu, gạo… khiến nhiều gia đình không đủ tiền để lo sính lễ ăn hỏi, dẫn cưới nên nhiều chàng trai người Mông rất khó lấy vợ”.
Hơn nữa, nhiều gia đình đã ép gả con gái cho nhà giàu với mong muốn con mình được hưởng giàu sang phú quý, nhiều đôi trai gái tuy yêu nhau nhưng không lấy được nhau, tình yêu bị tan vỡ. Các đôi trai gái Mông yêu nhau hẹn nhau ngày về sống chung một nhà nhưng do tự trọng cô gái Mông không thể tự vào nhà chồng trong khi chưa dạm hỏi. Vì thế, người Mông mới nghĩ đến việc kéo vợ, một trong những điểm khởi đầu cho câu chuyện hôn nhân.
Đó là thường vào ngày hội Xuân, chợ phiên, các chàng trai, cô gái Mông đến tuổi trưởng thành cùng nhau xuống dự hội, đi chợ phiên. Khi đi, họ mặc những bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất để làm duyên. Mục đích đi hội không chỉ để vui, giao lưu mà các chàng trai, cô gái Mông mong muốn tìm được người mà mình mong đợi.
Thiếu nữ dân tộc Mông vùng Tây Bắc trong chợ phiên. |
Thông thường các cô gái Mông hay chọn những chàng trai khỏe mạnh, biết bắn nỏ, cưỡi ngựa, thổi khèn, gia đình lương thiện. Còn các chàng trai Mông chọn những cô gái có thân hình chắc khỏe, nết na và biết làm mọi công việc, biết se lanh...
Sau khi đã chọn được người con gái mình mong muốn, chàng trai Mông sẽ tổ chức “kéo vợ” vào một ngày nhất định. Khi cô gái cùng bạn bè xuống chợ hay đi ở ven đường, được sự giúp sức của bạn bè, chàng trai sẽ chạy đến kéo tay cô gái mà mình đã chọn đi theo mình.
Mặc dù rất yêu chàng trai và đã biết trước sự việc nhưng cô gái vẫn tỏ ra sợ hãi, chống cự, miễn cưỡng không theo. Thậm chí cô gái còn khóc lóc, cầu cứu người nhà, bạn bè giúp đỡ khỏi bị kéo. Còn chàng trai thì ra sức kéo tay cô gái, nhờ bạn bè giúp sức. Dĩ nhiên cô gái phải để chàng trai kéo là đề cao giá trị phẩm chất của người phụ nữ Mông.
Khi người nhà cô gái chạy ra can thiệp thì bạn bè chàng trai sẽ ra đỡ thay chứ không đánh trả. Sau khi đưa được cô gái về nhà thì cử một em gái trong gia đình trông. Nửa ngày sau, gia đình chàng trai đi sang nhà gái để dạm hỏi cùng với lễ vật nhà trai chuẩn bị, gồm một đôi gà và một bình tông rượu. Tại đây, nhà trai sẽ thưa chuyện với nhà gái, nếu nhà gái ưng thuận và cô gái nhận lời thì tiến hành làm lễ ăn hỏi rồi tiến tới lễ cưới.
Nếu cô gái hoặc gia đình không nhận lời thì cuộc hôn nhân sẽ không thành. Nếu cô gái ưng chàng trai và gia đình nhà gái cũng nhận lời nhà trai thì hai bên gia đình thống nhất, các thủ tục để ăn hỏi và tiến hành chọn ngày lành, tháng tốt để tổ chức lễ cưới. Lễ cưới được tiến hành theo đúng phong tục của người Mông.
Hiểu đúng để gìn giữ nét đẹp
Ông Vàng Quáng Diêu, dân tộc Mông, cán bộ văn hóa xã Tân Dương, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Tục “kéo vợ” là một nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở vùng Tây Bắc. Phong tục này cần được hiểu đúng để thấy được giá trị nhân văn của nó”.
Bước vào thời kì hội nhập, việc gìn giữ bản sắc văn hóa cổ truyền được các địa phương đẩy mạnh gắn với phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, vì vậy, tục “kéo vợ” được các bản Mông ở vùng cao Tây Bắc tổ chức gắn với các lễ hội, tái hiện để đồng bào gìn giữ nét đẹp vốn có. Đồng thời, tuyên truyền để người dân không lợi dụng mạng xã hội, đăng tải những video phản cảm để làm xấu phong tục “kéo vợ”, dẫn đến những cách hiểu không đúng.
Tại các nhà trường, vào dịp đầu Xuân thường tổ chức ngoại khóa, trải nghiệm văn hóa cổ truyền, trong đó, các em học sinh người Mông tổ chức phục dựng tiết mục “kéo vợ” để cho thầy cô giáo, học sinh được trải nghiệm nét đẹp nhân văn của phong tục này.
Thầy giáo Ma Văn Sấu, dân tộc Mông, giáo viên Trường Mầm non số 2 Xuân Hòa huyện Bảo Yên chia sẻ: “Tổ chức trải nghiệm về tục “kéo vợ” sẽ giúp cho mọi người và học sinh hiểu được giá trị nhân văn của phong tục này”.
Tục “kéo vợ” của đồng bào Mông ở vùng cao Tây Bắc đến nay vẫn được gìn giữ ở một số địa phương nhưng ít hơn trước. Phong tục này thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc của người phụ nữ Mông, đó là khát vọng tự do trong tình yêu, hôn nhân từ xa xưa. Đây là một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của đồng bào Mông.