BƯỚC QUA NGƯỠNG CỬA- Bài 3: Đi qua miền hủ tục
Xã hội 30/12/2022 07:56
Báu vật cũng như thanh kiếm cất trong hòm, để lâu không mài kiếm cũng hoen gỉ. Nói về việc ra đời Ban Vận động xây dựng câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Mông ở huyện Than Uyên, Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu cho chúng tôi biết: Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, đánh giá được phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ quân đội, đồng thời nó thể hiện được khả năng vận động quần chúng của Bộ đội cụ Hồ, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc. Thành công của cuộc vận động chứng minh phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ thực sự tỏa sáng trong lòng nhân dân.
Tập huấn về cuộc vận động xây dựng văn hóa mới |
Vào một chiều của những ngày cuối tháng 12, khi người Mông nói chung và dòng họ Giàng ở bản Đán Tọ, xã Tà Mung, huyện Than Uyên nói riêng đang chuẩn bị củi, gạo nếp để đón cái Tết cổ truyền, chúng tôi cùng Ban vận động xây dựng câu lạc bộ Văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Mông đến gia đình ông Giàng Khua Giang. Từ nhiều năm nay ông Giang là trưởng tộc của dòng họ Giàng ở xã Tà Mung. Dòng họ Giàng ở xã Tà Mung có 84 hộ sinh sống tại ba bản gồm: Tu San, Đán Tọ và Nậm Mở. Những năm trước đây, khi Ban vận động chưa được thành lập thì người có uy tín như ông cũng gặp phải trở ngại vô cùng lớn. Ông có muốn cùng bà con thay đổi nếp nghĩ để xóa bỏ hủ tục treo thi hài người lâu trong nhà thì cũng không ai nghe: Ví dụ tôi nói về chuyện ma chay ở đây, nó đã thuộc về lý lối, thuộc về lời nguyền từ thủa xa xưa và bị chi phối bởi nhận thức, điều kiện sống và thời gian ngấm vào đầu mỗi con người. Cụ thể như muốn thay đổi việc treo xác người dưới bàn thờ rồi mang đi chôn, thành cho người vào quan tài và mang đi chôn thì tôi phải chịu toàn bộ trách nhiệm về mặt tâm linh đối với dòng họ. Chẳng may mọi vấn đề xảy ra như lời nguyền thì tôi phải đứng ra chịu trách nhiệm, do vậy tâm lý của tôi rất là nặng nề.
Đối với đồng bào Mông thì người trưởng dòng họ như ông Giàng Khua Giang rất quan trọng. Bởi trưởng họ nắm toàn bộ phong tục tập quán của dân tộc, dòng họ, cũng như chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức trong dòng họ. Tất cả các anh em trong họ có gì việc gì, như đám ma, đám cưới, ốm đau, đặt tên cho con đều phải có mặt của trưởng dòng họ. Đối với hủ tục treo thi hài, thực ra họ cũng đã nhận thức được một phần bản chất của lời nguyền xa xưa, rằng nó không quá hà khắc như vậy, nhưng vì bị áp lực nên ông Giang cũng chưa thể làm thế nào khác được. Thật kỳ diệu thay, sau khi Ban vận động xây dựng câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Mông đến để tuyên truyền thì hầu hết người dân đồng tình, hưởng ứng việc thay đổi nếp sống, xóa bỏ dần hủ tục. Trong câu chuyện tiếng khèn, bộ đội đã biết đi vào góc cạnh của cả một vùng hủ tục, để cùng bà con gạt nó sang một bên và thay thế bằng một miền nhận thức tốt đẹp hơn rất nhiều. Theo Trung tá Mùa A Khua, công an xã Tà Mung, Ban vận động ra đời như một luồng gió mới thổi vào những góc khuất nhất của Tà Mung và được sự cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành, chung tay xóa bỏ hủ tục lạc hậu ở đây. Trung tá Khua nói: "Tôi là cán bộ công an huyện được điều động về đây công tác tại công an xã, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ để tăng cường nắm địa bàn và phối kết hợp với Ban vận động để vận động bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Than Uyên. Đặc biệt là chúng tôi đã vận động được bà con nhân dân ở xã Tà Mung. Cụ thể như dòng họ Giàng, trước kia khi chết thì họ vẫn còn hủ tục lạ hậu. Bây giờ được tuyên truyền thì bà con nhân dân khi có người chết đã cho vào quan tài. Chúng tôi cũng vận động bà con nhân dân không nghe kẻ xấu về tuyên truyền trên địa bàn xã Tà Mung".
Cán bộ đến từng nhà tuyên truyền về xóa bỏ các hủ tục lạc hậu |
Trong hơn 2 năm thực hiện nếp sống văn hóa mới và hơn 2 năm Ban vận động đi vào hoạt động đã đạt được kết quả tốt. Đó là đã vận động được 21 bản người Mông của huyện Than Uyên. Dòng họ Sùng ở Tà Mung là dòng họ cuối cùng đã nhất trí bỏ hủ tục treo thi hài. Việc nhất trí xóa bỏ hủ tục đó đã được ký kết bằng văn bản giữa trưởng dòng họ, các gia đình và Ban vận động xây dựng câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Mông. Sau đó gia đình làm một cái lễ, theo cách gọi của người Mông là “làm lý” để chứng thực với tổ tiên rằng từ nay hủ tục đó sẽ không còn nữa.
Chị Cư Bà Sâu ở bản Hô Ta vui mừng nói với chúng tôi, sau khi đại diện gia đình ký vào văn bản: Người Mông ở Tà Mung giờ đã nghe lời cán bộ để thực hiện nếp sống mới rồi. Người Mông mình thấy như thế đã sạch sẽ rồi, không còn sợ như hồi trước nữa. Bà con thì yên tâm lao động sản xuất hơn. Xong rồi mình còn phải làm thêm cái lý nữa. Phải làm lý để thông báo mà.
Tà Mung không phải là xã duy nhất của huyện Than Uyên còn tồn tại hủ tục này nhưng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung cho việc tuyên truyền vì nơi đây có nhiều dòng họ lớn của dân tộc Mông cùng sinh sống. Nếu Tà Mung trở thành điểm sáng trong việc làm đó, nó sẽ như tiếng khèn hay vọng vào vách núi mà người ở gần, ở xa cũng đều nghe thấy hết. Cán bộ sẽ phải làm gì để khi bà con đã đi qua được miền hủ tục lạc hậu này, để không còn ai tơ vương, quay trở lại nữa? Đó cũng là một bài toán mà có lẽ lần đầu tiên các cấp ủy tỉnh Lai Châu mang ra để soi từng phương án. Cụ thể, bài toán đó sẽ được giải quyết như thế nào? Đó là nội dung bài 4: "Lý mới từ trong tiếng khèn” của phóng sự: "Bước qua ngưỡng cửa".