Bước qua ngưỡng cửa
Xã hội 28/12/2022 18:01
Giữa chênh vênh của những triền đá, trong cái lạnh thấu da thịt, con đường lên các bản: Tu San, Lán Tọ, Nậm Mở của xã Tà Mung, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu như bị bó chặt lại bởi sương chiều trĩu nặng. Những bản làng vốn đã lặng lẽ như bước chân của con nai, con hoẵng giờ như buồn lắng hơn khi trong bản có một người mới mất. Chuyện sống- chết của con người là quy luật bao đời, nhưng với người Mông ở xã Tà Mung thì sự ra đi của người thân lại là nỗi đau, tốn kém cho bao người ở lại.
Điều đó bắt nguồn từ một hủ tục vẫn còn ở Tà Mung nói riêng, ở một số xã của huyện Than Uyên nói chung. Đó là hủ tục treo thi hài người quá cố lên cao, rồi để trong nhà từ năm đến bảy ngày mới mang đi chôn cất. Mỗi ngày qua đi, lại có hàng chục con vật bị giết hại để làm lễ cúng mà trong số đó, con trâu là không thể thiếu được. Ruộng có thể thiếu cả đời, cơm có thể thiếu cả năm nhưng không thể thiếu được thịt trâu trong đám tang. Vậy là cái nghèo cứ theo cái nghèo đi mãi. Việc làm này đã ám ảnh người dân tự bao đời cho đến tận hôm nay.
Thịt trâu để phục vụ cho đám ma của người Mông ở các tỉnh Tây Bắc. |
Ông Mùa A Mang, Bí thư Đảng ủy xã Tà Mung nhận định: Từ thuở xa xưa các cụ do điều kiện khó khăn và do tập quán lạc hậu để lại nên việc người chết vẫn chưa đưa vào trong quan tài nên nó không bảo đảm vệ sinh. Người chết mà để lại lâu ngày gây ô nhiễm môi trường, gây tốn kém cho gia đình cả thời gian và của cải.
Chị Giàng Thị Xía ở bản Tu San, người đã chứng kiến bao nhiêu gia đình trong bản có người thân mất đi mà không được cho vào áo quan, tất cả thi hài đều được treo giáp phía vách trong nhà. Mỗi lần trong bản diễn ra hủ tục ấy khiến chị và mọi người vô cùng khiếp sợ. Chị Xia nói: "Sợ lắm, 2-3 ngày nó đi thì không sợ mấy, ngày xưa các ông, các cụ để 6-7 ngày thì sợ quá chứ. Nhìn thấy cứ treo lên thế thì sợ chứ. Treo lên thế thì sợ thối ra, vừa sợ ma, vừa sợ treo thế".
Hủ tục treo người chết của người Mông |
Chúng tôi đã gặp trong các mom đá ven đường, những đứa trẻ đang túm tụm kể cho nhau nghe một câu chuyện buồn tênh, huyền bí mà chúng chưa đủ lớn để hiểu về nó. Nhưng, sự thật ở đó có một lời nguyền.
Trung tá Lầu A Tình nhận nhiệm vụ Chính trị viên, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Than Uyên- Bộ chỉ huy quân sụ tỉnh Lai Châu từ năm 2018. Bản thân anh là người Mông và anh cũng là người hiểu hơn ai hết rằng hủ tục này bắt nguồn từ một lời nguyền. Lời nguyền ấy giải thích tại sao đồng bào Mông ở Tà Mung chưa thể cho người mất vào áo quan ngay như ở những nơi khác. Lời nguyền đó- chưa ai dám thay đổi.
Trước đây, các thế hệ người Mông quan niệm rằng: mỗi khi gia đình có người mất thì phải chọn giờ tốt trong ngày tốt mới có thể khâm liệm, đưa lên đồi còn nếu giờ có tốt nhưng ngày không tốt mà làm việc đó thì con cháu họ sẽ phạm lời nguyền, cả cuộc đời bị quở trách, sống trong dằn vặt với ốm đau bệnh tật. Do vậy mà người mất rồi mà thi hài vẫn treo ở trong nhà từ năm tới bảy ngày, thậm chí lâu hơn nữa. Hàng mấy chục con vật,vừa trâu, vừa lợn bị mổ theo để làm lễ cúng tế, kể cả trưởng họ cũng không thể làm khác được.
Trung tá Lầu A Tình kể lại: Câu chuyện về làm quan tài, đấy cũng là từ một lời nguyền và cũng là cái lý của các cụ từ ngày xưa rồi, cho nên bây giờ muốn thay đổi việc treo xác người dưới bàn thờ rồi mang đi chôn thành cho người vào quan tài rồi mới mang đi chôn thì trưởng họ phải chịu toàn bộ trách nhiệm mọi vấn đề xảy ra đối với dòng họ như lời nguyền thì trưởng họ phải chịu trách nhiệm. Vì vậy đối với trưởng họ thì tâm lý của họ rất nặng nề. Cơ bản là họ biết lời nguyền đó không ảnh hưởng nhưng họ không dám quyết định vì họ đang mang một gánh nặng rất lớn đó là cả dòng họ đang chờ họ.
Tất cả các điều trong lời nguyền đã bó chặt suy nghĩ của đồng bào trong một hủ tục lạc hậu, chi phối toàn bộ đời sống tâm linh những dòng họ lớn của người Mông ở Tà Mung. Vậy nên, khi người chết thì không được dùng quan tài mà chỉ buộc vào ky và treo dưới bàn thờ, chờ khi nào thầy đến xem được ngày tốt mới được đưa đi. Thế nhưng, có ngày tốt rồi, mà chưa tìm được người thổi khèn đưa tiễn hồn người chết nhập áo quan thì thi hài vẫn bị treo lơ lửng trong nhà. Vậy thì ngoài lời nguyền ra, cây khèn còn có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc Mông. Tại sao cây khèn lại quan trọng như vậy trong đám tang của của người Mông nơi đây? Đó là điều mà chúng tôi phải tìm đến một nghệ nhân khèn Mông để tìm hiểu. Người ấy là ông Mùa A Vàng ở bản Tu San. Ông giải thích: Đời sống tinh thần của người Mông không thể tách rời tiếng khèn, nếu không còn Khèn sẽ không còn người Mông, Khèn được sáng tác thành những bài đặc trưng phản ánh về đồi sống mọi mặt của người dân. Riêng bài khèn về đám ma thì không thể thiếu được, vì không có tiếng khèn thì không thể dẫn hồn người chết vào áo quan được. Họ không nhập được áo quan thì xác họ vẫn còn phải treo trong nhà
Chính vì tiếng khèn quan trọng như vậy nên tiền công của thợ khèn rất cao, đó là một chiếc đùi trâu to được treo ngược bên dụng cụ hành lễ. Thợ khèn xong việc là lấy đùi trâu về. Những người đến giúp việc, sau khi ăn uống cũng phải có một miếng thịt trâu mang về. Nhiều gia đình phải đi vay trâu sau đó bán nương để trả nợ nên bà con nghèo lại nghèo hơn. Người Mông ở Tà Mung biết đó là những điều tăm tối, song họ lại không biết làm cách nào để tìm ra một con đường sáng hơn thay nó.
Nếu con đường sáng được tìm thấy thì nỗi sợ về một đám ma sẽ không còn treo trên đầu nữa và nhận thức của con người cũng được nâng lên một tầm cao mới, phá đi hủ tục cũ. Cái mà phá được hủ tục cũ chỉ có thể là báu vật của người Mông. Vậy báu vật ấy là gì? Tại sao nó lại có một sức mạnh thần kỳ như vậy? (Còn nữa)