Hủ tục bắt vợ có vi phạm pháp luật hay không?
Nhịp cầu bạn đọc 10/02/2022 13:22
Theo truyền thống người H'Mông, để “kéo vợ”, đôi nam nữ sẽ hẹn nhau ở một địa điểm. Người con trai sẽ rủ thêm một vài người bạn để cùng đưa cô gái về nhà làm vợ. Trong khi đưa về, cô gái sẽ được kéo nên dân tộc H'Mông gọi tục này là “kéo vợ”.
Trong khi người con trai kéo dâu về, bố mẹ chàng trai ở nhà sẽ chuẩn bị một con gà trống - loài vật được coi là thần canh cửa, trừ tà của người H'Mông, để làm phép đón con dâu. Trước khi chính thức nên duyên, nhà trai sẽ phải làm mâm cơm cúng, báo với tổ tiên về việc cô gái sẽ làm dâu của gia đình.
Khi xong những thủ tục này, nhà trai sẽ sang nhà cô gái để thông báo rằng con gái họ đã thành dâu của gia đình.
Cũng theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Trần Hữu Sơn, truyền thống của người H'Mông dùng từ "kéo vợ" chứ không phải "bắt vợ".
Việc “kéo vợ” thường có sự thỏa thuận trước giữa 2 người. Khi đã được kéo về nhà, nhà trai sẽ sắp xếp cho chị hoặc em gái chú rể làm bạn với cô dâu để quen dần cuộc sống nhà chồng rồi sau đó mới tổ chức cưới xin, chứ không phải bắt ép về rồi muốn làm gì thì làm. Đặc biệt, điều kiện tiên quyết để thực hiện phong tục "kéo vợ" là đôi nam nữ phải yêu nhau, mong muốn trở thành vợ chồng.
Tuy nhiên ngày nay, tập tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc H'Mông đã bị biến tướng. Xuất hiện tình trạng nhiều nam thanh niên lợi dụng phong tục này để cố tình cưỡng ép người con gái phải làm vợ mình, hoặc thực hiện ý đồ khác. Đơn cử như mới đây, ngày 8/2, mạng xã hội lan truyền clip với nội dung một bé gái bị "bắt vợ" theo hủ tục của người vùng cao.
Theo nội dung clip, một bé gái dân tộc liên tục bị một nam thanh niên kéo, giật tại nơi đông người. Dù bé gái phản kháng nhưng những người xung quanh không can ngăn. Vụ việc chỉ dừng lại khi có một cán bộ Công an tới giải cứu bé gái. Sự việc xảy ra tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Thông tin từ lực lượng chức năng, nam thanh niên xuất hiện trong clip "bắt vợ" là Giàng Mí C., trú tại thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc. Hiện C. đang là học sinh lớp 10, còn bé gái trú tại xã Pả Vi, cả 2 đều là người dân tộc H'Mông.
Bé gái mặc áo vàng bị nam thanh niên lao vào "bắt vợ". Ảnh cắt từ clip/Dân trí. |
Hủ tục bắt vợ có vi phạm pháp luật hay không?
Theo quy định pháp luật hiện hành, hôn nhân là dựa trên cơ sở tự nguyện của cả hai bên, hành vi ép buộc, cưỡng ép kết hôn là hoàn toàn sai, thuộc các trường hợp cấm kết hôn.
Cụ thể, tại Điều 5 - Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình của Luật hôn nhân và gia đình 2014 nêu rõ: "Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ".
Theo đó, cấm các hành vi kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;....
Như vậy, trường hợp nam sinh tên C. có hành động kéo, bắt ép một cô bé dù người này cự tuyệt nhưng vẫn bị lôi đi với mục đích bắt về nhà làm vợ như đã nêu ở trên có thể coi là cưỡng ép kết hôn. Theo Điểm b, Khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, hành vi này bị cấm.
Cũng theo quy định, người có hành vi cưỡng ép kết hôn sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Ngoài ra, việc cưỡng ép kết hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm theo Điều 181.
Hiểu đúng để giữ nét đẹp tục “kéo vợ” của đồng bào Mông Tục “kéo vợ” là một phong tục cổ truyền của đồng bào Mông ở vùng Tây Bắc. Phong tục này gắn liền với việc hệ ... |
Lão nghệ nhân đam mê hát soóng cọ Mê hát soóng cọ từ nhỏ, nghệ nhân Trần Văn Sẹc (thôn Kéo Kai, xã Đại Thành, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) tâm nguyện ... |