Lão nghệ nhân đam mê hát soóng cọ
Tuổi cao gương sáng 12/01/2022 08:46
Năm nay, ông Sẹc đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng giọng còn ngọt lắm. Hiện, ở Tiên Yên người thuộc nhiều bài hát và đi hát nhiều nhất có lẽ cũng chỉ có ông. Không chỉ sưu tầm, hát các bài hát của đồng bào mình, ông còn là người gìn giữ, truyền dạy nghệ thuật hát soóng cọ cho nhiều thế hệ ở thôn, bản trong xã.
Sinh ra và lớn lên trong một vùng quê giàu bản sắc, trong một gia đình có bề dày hoạt động văn nghệ dân gian, nên ông Sẹc đã thừa hưởng và ngấm sâu vào gan ruột sự tinh túy, đặc sắc của soóng cọ. Ông Sẹc cho biết, từ lúc còn nhỏ, ông đã được nghe mẹ, các anh chị, cô, bác trong làng hát soóng cọ. Đặc biệt là những ngày đầu xuân năm mới, hoặc những đêm trăng sáng, nhiều đôi nam thanh nữ tú hát đối đáp với nhau.
Ban đầu, ông tò mò nghe, rồi học lỏm hát theo. Dần dần, ông thuộc nhiều bài soóng cọ và mê mẩn nó lúc nào không hay. Chỗ nào không hiểu, không nhớ là ông hỏi các cụ bề trên, mẹ, các anh, chị trong làng. Mặc dù thời điểm đó, bạn bè cùng trang lứa đua nhau học hát tiếng Kinh, nhưng ông vẫn kiên trì học hát soóng cọ của dân tộc mình.
Nghệ nhân Trần Văn Sẹc (bên phải) đang thể hiện bài hát soóng cọ |
Với vốn soóng cọ học được, ông Trần Văn Sẹc tích cực tham gia phong trào văn nghệ của làng, xã, nơi ông sinh sống. Dần dần, làng trên, xóm dưới đều biết ông Sẹc nhiệt tình, hát hay. Không chỉ sưu tầm những làn điệu soóng cọ “vốn cổ” để giữ hồn cho dân tộc Sán Chỉ, ông Sẹc còn sáng tác, đặt lời mới để phù hợp với xã hội đương đại. Chẳng hạn như các chủ đề: Ca ngợi Đảng, Bác Hồ, về quê hương, về sự nghiệp đổi mới của đất nước và các đề tài về phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống HIV/AIDS …
Không những thế, vì lời bài hát soóng cọ là bằng tiếng dân tộc nên trước khi biểu diễn văn nghệ nghệ nhân Trần Văn Sẹc có sáng kiến giới thiệu nội dung bài hát bằng tiếng phổ thông trước. Và để bài hát soóng cọ dễ đi vào lòng người, “ngoài chất giọng tốt, phải tập trung, phải biết luyến láy, phải có sự cảm thụ văn học.... Hát soóng cọ không cần dùng nhạc cụ, mà đòi hỏi người hát phải am hiểu sâu các vấn đề của đời sống, xã hội”, ông Sẹc chia sẻ.
Năm 1968, ông Sẹc bắt đầu truyền dạy cho thế hệ học trò đầu tiên hát soóng cọ. Sau đó ông cùng các nghệ nhân tâm huyết khác trong bản sáng lập CLB hát soóng cọ xã Đại Thành để dạy hát cho những thanh thiếu niên trong bản làng. Hiện nay, CLB của ông số thành viên hát soóng cọ thành thạo lên đến 22 người, sinh hoạt đều đặn hằng tháng.
Với đóng góp của mình, năm 2013, ông Trần Văn Sẹc được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận và tặng Kỉ niệm chương Nghệ nhân dân gian Việt Nam. Ngoài ra, ông còn nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của UBND huyện Tiên Yên và UBND tỉnh Quảng Ninh về những thành tích trong công tác bảo vệ, gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát soóng cọ của đồng bào Sán Chỉ.
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, ông Sẹc không chút đắn đo cho biết, ông muốn sưu tập thêm nhiều các bài hát soóng cọ để in một tập sách cho lớp trẻ. Hi vọng rằng, mong ước giản dị ấy của ông sẽ sớm được thực hiện để những điệu hát truyền thống của dân tộc Sán Chỉ mãi được lưu giữ và phát huy trong đời sống hôm nay.