Hé lộ nhiều sai phạm trong cấp sổ đỏ và công chứng
Pháp luật - Bạn đọc 09/03/2021 17:14
Cụ Đỗ Đăng Khuông và cụ Đặng Thị Lộc có 7 người con, gồm: ông Đỗ Xuân Phương, bà Đỗ Thị Phượng, bà Đỗ Thị Tuyết Dung, bà Đỗ Thị Minh Tâm, ông Đỗ Xuân Phưởng, bà Đỗ Thị Tính và ông Đỗ Xuân Hùng. Ngoài ra, cụ Khuông còn có một người con riêng là bà Ma Thị Vu. Trong quá trình sinh sống, 2 cụ tạo dựng được khối di sản là nhà, đất tại tổ 7, nay là tổ 3 phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang, có tổng diện tích 256,4m2. Tháng 3/1985, cụ Khuông mất không để lại di chúc. Sau khi cụ Khuông mất, cụ Lộc và 7 người con vẫn sinh sống trên mảnh đất này.
Sau này, một số người con của cụ Khuông, cụ Lộc ra ở riêng. Năm 2014, cụ Lộc mất, ông Phưởng chiếm giữ một phần di sản của hai cụ để lại. Năm 2007, ông Đỗ Xuân Phương mất, con trai ông là Đỗ Việt Anh thừa kế thế vị của ông Phương. Sau khi cụ Lộc mất một thời gian, bà Đỗ Thị Minh Tâm, bà Đỗ Thị Tính và anh Đỗ Việt Anh khởi kiện, yêu cầu phân chia di sản thừa kế. Lúc này mới biết, cụ Đặng Thị Lộc có Hợp đồng tặng cho ông Đỗ Xuân Phưởng và bà Nguyễn Thị Tuyết (vợ ông Phưởng) thửa đất số 103, tờ bản đồ số 24, diện tích 95,8m2 (nằm trong diện tích 256,4m2 đất). Hợp đồng tặng cho đất này chỉ có điểm chỉ của cụ Đặng Thị Lộc, được Phòng Công chứng số 1 tỉnh Tuyên Quang chứng thực.
Ngoài ra, hồ sơ vụ việc còn thể hiện có sổ đỏ số AK843584, diện tích 85,8m2 cấp cho bà Đỗ Thị Phượng, ông Vũ Khắc Họa (cấp năm 2007); sổ đỏ số AN631054, diện tích 39,8m2 cấp cho ông Đỗ Xuân Phưởng, bà Nguyễn Thị Tuyết; sổ đỏ số AK855638, diện tích 35,1m2 cấp cho bà Đỗ Thị Minh Tâm; sổ đỏ số AK843584, diện tích 95,8m2 cấp cho hộ cụ Đặng Thị Lộc (cấp năm 2008) và sổ đỏ số BĐ864963, diện tích 95,8m2 cấp cho ông Đỗ Xuân Phưởng, bà Nguyễn Thị Tuyết (cấp năm 2012 là thửa đất trong Hợp đồng tặng cho giữa cụ Lộc và vợ chồng ông Phưởng).
Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm ngày 1/3/2021, tại TAND TP Tuyên Quang |
Các sổ đỏ cấp cho hộ ông Phưởng, hộ bà Tâm, hộ bà Phượng và hộ cụ Lộc đều là cấp lần đầu. Điểm b, Khoản 1, Điều 129 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “… Hồ sơ tặng cho quyền sử dụng đất gồm văn bản cam kết tặng cho, hoặc hợp đồng tặng cho… quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Hồ sơ kê khai xin cấp sổ đỏ của các hộ: ông Phưởng, bà Tâm, bà Phượng đều thể hiện nội dung “đất do bố mẹ tặng cho”. Thế nhưng, không có bất kì tài liệu nào thể hiện việc tặng cho này. Vậy mà UBND thị xã Tuyên Quang (cũ) lại cấp sổ đỏ cho các hộ này, là trái quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 129 Luật Đất đai năm 2003 nói trên.
Chưa hết, việc cấp sổ đỏ số AK855638 cho bà Đỗ Thị Minh Tâm, thể hiện có Đơn xin cấp sổ đỏ đề năm 2006, không có ngày, tháng; Biên bản xác định ranh giới, hiện trạng sử dụng đất đề ngày 23/3/2007 có chữ kí của bà Tâm. Tuy nhiên, thời gian năm 2006 – 2007 bà Tâm đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, không hề biết việc kê khai cấp sổ đỏ. Đến năm 2008 bà Tâm về lại Tuyên Quang mới biết, chính quyền đã cấp sổ đỏ cho mình. Vậy rõ ràng có ai đó đã giả mạo chữ kí của bà Tâm và, chính quyền thị xã Tuyên Quang (cũ) khi cấp sổ đỏ cho bà cũng bỏ qua động thái xác minh thông tin.
Chính sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc lập, rà soát, kiểm tra hồ sơ xin cấp sổ đỏ của chính quyền thị xã Tuyên Quang, là nguyên nhân dẫn đến việc người dân không đủ điều kiện, nhưng vẫn được cấp sổ đỏ trái pháp luật. Những sai phạm này liên đới trách nhiệm của ông Nguyễn Nhật Tân, cựu Chủ tịch UBND thị xã Tuyên Quang, là người kí các quyết định cấp sổ đỏ trái pháp luật; ông Trần Xuân Thiểm, cựu Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, người kí Tờ trình số 483/TTr-TNMT ngày 4/8/2007, đề nghị cấp các sổ đỏ số AK843584, số AN631054, số AK855638, số AK843584.
Ngôi nhà tọa lạc trên 256,4m2 đất, là di sản thừa kế của hai cụ Đỗ Đăng Khuông, Đặng Thị Lộc để lại |
Hồ sơ thể hiện có một Hợp đồng cụ Đặng Thị Lộc tặng cho ông Phưởng, bà Tuyết thửa đất số 103, tờ bản đồ số 24, diện tích 95,8m2, đề ngày 22/2/2012. Sổ đỏ số AK843584 cấp năm 2008 là cho hộ gia đình cụ Đặng Thị Lộc. Thời điểm đó hộ cụ Lộc có hai khẩu gồm cụ Lộc và ông Đỗ Xuân Hùng. Thế nhưng, Hợp đồng tặng cho đất đối với vợ chồng ông Phưởng, bà Tuyết chỉ có điểm chỉ của cụ Lộc, không có ý kiến hoặc chữ kí của ông Hùng. Như vậy, công chứng viên Lê Thị Yên, Phòng Công chứng số 1 tỉnh Tuyên Quang, đã bỏ qua thủ tục yêu cầu cung cấp, xác minh thành viên hộ gia đình khi chứng thực Hợp đồng tặng cho đất, vi phạm nghiêm trọng thủ tục công chứng.
Trong trường hợp này, khẳng định cụ Lộc không có quyền tự định đoạt tài sản chung của hộ gia đình. Khoản 2, Điều 109 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định rất rõ: “Việc định đoạt tài sản là… tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý…”. Khoản 2, Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003 cũng có quy định tương tự: “Hợp đồng chuyển đổi… hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất… thuộc quyền sử dụng chung của hộ gia đình, phải được tất cả các thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất và kí tên… theo quy định của pháp luật về dân sự”. Như vậy, khi chứng thực Hợp đồng cụ Lộc tặng cho đất, bắt buộc phải có ý kiến đồng thuận của ông Hùng, là người có chung quyền lợi và nghĩa vụ liên quan với cụ Lộc. Văn phòng Công chứng số 1 tỉnh Tuyên Quang không thực hiện việc này, là trái với quy định của pháp luật.
Theo Khoản 4, Điều 35 Luật Công chứng năm 2006, về những việc công chứng viên phải thực hiện, thì bắt buộc công chứng viên Lê Thị Yên phải: “Đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng”. Về việc cụ Lộc điểm chỉ trong các trang và điểm chỉ thay chữ kí tại Hợp đồng tặng cho đất, Khoản 2, Điều 41 Luật Công chứng năm 2006 quy định rất rõ: “Việc điểm chỉ chỉ được thay thế kí trong văn bản công chứng trong các trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng không kí được, do khuyết tật hoặc không biết kí”. Trong khi đó, theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, khẳng định cụ Lộc không bị khuyết tật và biết chữ, biết kí. Do đó, việc công chứng viên Lê Thị Yên cho cụ Lộc điểm chỉ thay chữ kí là trái pháp luật. Phía Phòng công chứng số 1 giải thích, do cụ Lộc mắt kém không kí được, nên phải điểm chỉ. Nói thế cũng không đúng, bởi văn bản chứng thực đều khẳng định, “các bên đã đọc lại toàn bộ hợp đồng này”, nhưng mắt kém không kí được thì sao đọc được, khi không có người dám hộ theo pháp luật?
Bản án sơ thẩm số 73/2019/DS-ST bị hủy do trái pháp luật |
Không chỉ có vậy, Hợp đồng tặng cho đất này có dấu hiệu nhầm lẫn. Bằng chứng trước đó cụ Lộc đã lập di chúc nội dung để lại thửa đất cho ông Hùng. Bà Tâm có bằng chứng bằng ghi âm buổi nói chuyện giữa hai mẹ con, theo đó cụ Lộc nói cụ không tặng cho quyền sử dụng đất, mà chỉ cho ông Phưởng, bà Tuyết mượn nhà để bán hàng. Cụ lăn tay và được nói để làm nhà thờ và làm chứng minh Nhân dân. Như vậy, có dấu hiệu cụ Lộc không hề biết mình điểm chỉ vào Hợp đồng cho tặng đất. Điểm này rất cần phải được làm rõ.
Do Hợp đồng tặng cho đất trái pháp luật, nên việc UBND TP Tuyên Quang cấp sổ đỏ số BĐ864963, diện tích 95,8m2 cho ông Đỗ Xuân Phưởng, bà Nguyễn Thị Tuyết, cũng liên đới trái pháp luật. Việc này liên quan trách nhiệm của các ông: Đặng Thế Hùng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Tuyên Quang, là người kí quyết định cấp sổ đỏ; ông Trần Đức Hạnh, cựu Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Tuyên Quang, người kí Tờ trình số 632/TTr-TNMT ngày 13/4/2012, đề nghị UBND TP Tuyên Quang cấp sổ đỏ.
Ngày 1/3/2021 vừa qua, TAND TP Tuyên Quang đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2 (Bản án sơ thẩm lần một số 73/2019/DS-ST của TAND TP Tuyên Quang bị hủy do trái pháp luật). Phía nguyên đơn đề nghị phải định giá lại các tài sản tranh chấp. HĐXX đã xem xét, quyết định dừng phiên tòa theo đề nghị của nguyên đơn. Hi vọng tới đây TAND TP Tuyên Quang xét xử, ban hành bản án có tình, có lí, đúng pháp luật.
Huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang: Doanh nghiệp Lê Phát An khai thác cát phá nát đường dân sinh, hủy hoại môi trường Mặc dù, UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép cho Công ty TNHH một thành viên Lê Phát An (Công ty Lê Phát An) được phép ... |