Góc nhìn nhà báo về vấn đề khai thác thông tin đời tư cá nhân
Nghiên cứu - Trao đổi 21/04/2022 18:19
PV: Khi một cá nhân gặp sự cố (lộ hình ảnh nhạy cảm, hành động quá đáng…), nhiều cơ quan truyền thông chú trọng vào việc khai thác đời tư cá nhân. Quan điểm của chị về vấn đề này?
BTV, MC Lan Hương: Đây là vấn đề phổ biến trong xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Ở Việt Nam, có một bộ phận không nhỏ những cơ quan truyền thông lấy tiêu chí là tìm kiếm những thông tin mang tính cá nhân, mang tính đời tư (về gia đình, góc khuất trong sự nghiệp hoặc là những câu nói gây sốc để giật tít và câu view).
Bên cạnh các luồng thông tin từ báo chí chính thống thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng là nhiều cơ quan truyền thông đi theo hướng khai thác thông tin đời tư cá nhân. Tôi nghĩ rằng đó cũng là tính hai mặt của một vấn đề. Chỉ có điều là, cần phải quan tâm đến việc khai thác thông tin như thế nào và những thông tin đó ảnh hưởng ra sao đến người đọc, đặc biệt là những người đọc trẻ.
PV: Về sự việc của ca sĩ Hiền Hồ mới đây, nhiều luồng thông tin khai thác triệt để đời tư cá nhân. Theo chị, cần khai thác thông tin về sự việc này như thế nào?
BTV, MC Lan Hương: Giống như rất nhiều các scandal khác của những người nổi tiếng trước đây, ai cũng sẽ có những góc khuất, ai cũng sẽ có điều mà không muốn người khác biết đến, công chúng biết đến trong đời tư của họ.
Scandal của ca sĩ Hiền Hồ không phải duy nhất, trước đây chúng ta đã có rất nhiều vụ scandal khác, thậm chí còn nặng nề hơn như bị tung ảnh nóng, khai thác chuyện đời tư cá nhân... Rõ ràng là những câu chuyện như vậy nên có chừng mực trong việc khai thác. Tôi thấy nó hoàn toàn không phù hợp với đạo đức nhà báo.
Nếu bạn là phóng viên của mảng giải trí, trước khi tiếp cận một thông tin nào đó, tôi nghĩ rằng bạn cần xác định các yếu tố sau.
Thứ nhất: Bạn đưa tin vì mục đích gì, đó có phải là mục đích câu view, giật tít và khiến cho người đọc click vào bài báo nhiều hơn không? Hay đó là mục đích vùi dập một ngôi sao đang lên?
Thứ hai: Tôi nghĩ là mỗi nhà báo trước khi khai thác thông tin cần phải đặt câu hỏi đã người đó cho phép chưa? Bạn có thực sự cần thiết đưa những tin này không hay thông tin đó có ích gì cho người đọc?
Thứ ba: Những thông tin này có tác động thế nào đối với độc giả nói chung và những người còn trẻ nói riêng?
BTV, MC Lan Hương - Đài Truyền hình Việt Nam trong một lần ghi hình. |
PV: Ngoài showbiz, chị có nghĩ nên đặt ra những tiêu chuẩn về quyền riêng tư đối với những mảng khác trong cuộc sống hay không?
BTV, MC Lan Hương: Showbiz là mảng dễ nhận thấy sự vi phạm về quyền riêng tư nhất vì ở đây có nhiều sự xuất hiện của người nổi tiếng mà công chúng thì luôn luôn tò mò cuộc sống đằng sau sân khấu của họ là gì.
Nhưng bên cạnh showbiz, chúng ta còn rất là nhiều mảng khác trong cuộc sống, mà ở đó nhà báo cũng rất cần cẩn trọng khi mà tiếp cận với nhân vật của mình, hay là tiếp cận với thông tin.
Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao có thể tạo thói quen cho mỗi phóng viên chính là khi mình tiếp cận bất kỳ một nguồn tin nào thì luôn luôn phải xác minh nguồn tin đó là chính xác hay không.
Thứ hai là giới hạn mình cần khai thác đến đâu.
Thứ ba là với mỗi cá nhân thì họ đều sẽ có sự riêng tư nhất định.
Cho nên khi mình tiếp cận câu chuyện của họ, hãy cố gắng tìm một góc độ để có thể kể chuyện một cách tinh tế nhất và đem lại sự tác động tích cực cho xã hội.
Bởi vì nói cho cùng mục đích của nghề báo vẫn là lan tỏa những cái thông tin đúng, chính thống và lan tỏa sự tích cực tới cho xã hội, để tạo những cái thay đổi.
PV: Giải pháp nào hạn chế khai thác 'quá đà' các thông tin đời tư cá nhân, thưa chị?
BTV, MC Lan Hương: Tôi nghĩ rằng là giải pháp phải đến từ ba phía giống như là kiềng ba chân.
Thứ nhất: Từ phía nhà báo - những người trực tiếp tác nghiệp và đưa thông tin, tiếp cận thông tin.
Các nhà báo, các phóng viên cần phải xác định thông tin nào nên đưa, cần đưa và đưa theo góc độ như thế nào, câu chuyện ra sao và cần lường trước về tác động sau khi tác phẩm của mình được xuất bản sẽ tác động đến đâu và ai là người được lợi, ai là người bị ảnh hưởng. Ngoài ra, luôn phải giữ cho mình góc nhìn đa chiều.
Thứ hai: Từ phía công chún - người tiếp nhận thông tin.
Chỉ khi nào nhận thức của mỗi người tăng lên và mọi người tôn trọng sự riêng tư của nhau thì lúc đó chúng ta mới có thể là loại bỏ được những thông tin mà mang tính ảnh hưởng đến đời tư.
Thứ ba: Từ phía nhà quản lí. Cần có những chính sách, chế tài, quy định cụ thể để hạn chế tình trạng này.
Cám ơn những chia sẻ của chị!