Giữ gìn và phát huy văn hóa Sán Chỉ
Văn hóa - Thể thao 29/12/2023 09:22
Người Sán Chỉ ở xã Húc Động (Bình Liêu) và xã Đại Dực (Tiên Yên) từ lâu đã coi nhau như người cùng nhà. Ở xã Đại Dực có ông Lỷ A Sáng, 74 tuổi, ở thôn Phài Giác, là tấm gương mẫu mực trong việc bảo tồn văn hóa Sán Chỉ. Ông Sáng là một trong số ít người còn nắm giữ, thuộc cách trình diễn, múa hát và thực hành nghi lễ cầu mùa, cầu an ở tỉnh Quảng Ninh. Cùng với việc góp công phục dựng lại lễ cầu mùa theo đúng nguyên bản, ông tích cực tham gia các hoạt động truyền dạy, bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa tại địa phương. Ông Sáng, được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian Việt Nam” năm 2014.
Xã Đại Dực và Húc Động cùng chung nhau quả đồi Tình rộng 200ha. Dù ở trên cao, nhưng đồi Tình không khô hạn vì có dòng suối Khe Lục Mỉ chảy qua rất lãng mạn. Đồi Tình trước đây giống như “ông Tơ, bà Nguyệt”. Nhiều đôi trai gái rủ nhau lên đồi, cùng hát Soóng cọ rồi nên duyên.
Ông Lỷ A Sáng là người có công trong việc bảo tồn văn hóa Sán Chỉ |
Ông Tằng Móc Phống, 63 tuổi, ở thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực thời trai trẻ là “ca sĩ” trên đồi Tình. Ông cho biết: “Nhiều đêm có đến hơn trăm người cả nam lẫn nữ cùng lên đồi. Giữa làng nọ làng kia cùng hát đối Soóng cọ với nhau. Có khi là một bài hát truyền thống của ông bà khi xưa, hay do nghệ nhân trong làng sáng tác, đôi khi là do chính họ sáng tác ra, vui lắm”.
Ngoài đồi Tình, những đêm trăng sáng, bà con còn rủ nhau ra bìa rừng, bên dòng suối rồi giữa làng nọ, làng kia hát đối với nhau. Vậy là, từ các cuộc vui chơi mà bản sắc dân tộc của bà con Sán Chỉ đã được bảo tồn và giữ gìn.
Để giúp cho các làn điệu Soóng cọ bay vang, bay xa hơn, năm 2017, xã Đại Dực đã vận động người dân hiến đất làm đường và làm con đường thông sang xã Húc Động và phía bên kia xã Húc Động cũng mở con đường thông sang Đại Dực. Vậy là từ nay, các cuộc vui trở thành các cuộc vui chung của bà con cả 2 vùng. Hằng năm, xã Đại Dực tổ chức Lễ hội Mùa vàng miền Soóng cọ vào cuối tháng 10 và xã Húc Động cũng có ngày Lễ hội Soóng cọ được mở ra vào 16/3 âm lịch hằng năm. Vậy là từ nhiều ngày trước lễ hội, bà con các thôn của 2 xã thuộc 2 huyện đã qua lại hò hát, vui chơi với nhau. Tại các lễ hội, nhiều giá trị truyền thống được phát huy như nghi lễ cầu mùa, hát giao duyên trong cưới hỏi, cùng nhiều ẩm thực mang tính đặc trưng của người Sán Chỉ cũng được thể hiện qua thi gói bánh cốc mò, bánh chưng dài, xôi ngũ sắc... Bà con có nhiều hoạt động thể thao như đẩy gậy, kéo co, đá bóng, đánh quay,… được người dân tham gia nhiệt tình.
Húc Động rất nổi tiếng với các đội bóng đá nữ, hiện xã có 6 đội bóng đá nữ. Điều đặc biệt là các cô gái đá bóng ở Húc Động rất nổi tiếng trong cả nước và thậm chí có một số tờ báo nước ngoài cũng viết về họ. Vậy là bóng đá nữ trở thành “đặc sản” không chỉ riêng với phụ nữ Sán Chỉ huyện Bình Liêu, mà còn là niềm tự hào của phụ nữ Sán Chỉ xã Đại Dực. Bây giờ vào các dịp hội hè, người dân không chỉ giao lưu hát Soóng cọ, mà còn giao lưu đá bóng. Từ đá bóng, phụ nữ Sán Chỉ thấy yêu hơn trang phục dân tộc mình.
Đến nay, các xã đều bắt tay vào phát triển du lịch và lấy việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc làm thế mạnh để thu hút du khách. Vậy là người dân tộc Sán Chỉ ở các huyện Bình Liêu và Tiên Yên đã bảo tồn văn hóa dân tộc mình một cách triệt để và sáng tạo nhất.