Người “giữ lửa” nghề chạm bạc Đồng Xâm
Văn hóa - Thể thao 30/09/2024 11:24
Làng Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, quê hương gắn với những Di tích Lịch sử - Văn hoá được lưu danh sử sách, có nhiều sản vật đặc trưng, trong đó phải kể đến các sản phẩm chạm trổ bạc rất độc đáo, tinh xảo từ đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, tạo ra những kiệt tác có giá trị cao, phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Chuyện kể rằng, dưới thời nhà Trần, có một người đàn ông từ vùng đất Cao Bằng theo thuyền nan xuôi dòng đến bến bờ sông Trà Lý rồi dừng chân, truyền nghề chạm kim khí cho người dân nơi đây. Từ đó đến nay, nghề này trở thành nghề truyền thống phục vụ cuộc sống mưu sinh của những người con trên mảnh đất Đồng Xâm. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nghề bị mai một đi rất nhiều, ngày nay chỉ còn số ít người theo nghề, trong đó có nghệ nhân tài hoa Đinh Quang Thắng, một cựu chiến binh giàu tâm đức, được mệnh danh là người có “bàn tay vàng”, góp phần gìn giữ tinh hoa truyền thống, phát triển nghề chạm bạc lên một tầm cao mới.
Nghệ nhân Đinh Quang Thắng sinh năm 1958 tại làng Đồng Xâm. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trong quân ngũ trở về quê hương, với một tình yêu cháy bỏng, ông quyết theo nghề chạm bạc gia truyền mà tổ tiên để lại. Thời điểm đó rất khó khăn, nhưng gian nan không làm ông chùn bước. Từ một người thợ, ông dày công nghiên cứu, học hỏi các thế hệ đi trước để khéo léo chạm trổ ra những sản phẩm tinh xảo nhất. Nhờ kiên trì, bám đuổi nghề cùng với đôi bàn tay tài hoa, trí thông minh, sáng tạo, ông làm chủ tất cả các công đoạn, từ vẽ hình đến khâu đục chạm… Không chỉ có tay nghề giỏi mà ông còn là một người thầy truyền dạy nghề cho lớp trẻ làng Đồng Xâm. Những lúc cao điểm có trên 10 thợ làm việc, bảo đảm đời sống ổn định cho nhiều gia đình trong làng.
Từ những nguyên liệu thô kệch, với đôi tay khéo léo, tỉ mỉ, trau chuốt và lao động quên mình, ông Đinh Quang Thắng chỉn chu, cẩn trọng trong từng chi tiết nhỏ. Từng hoạ tiết khi khắc chìm, chạm nổi, lúc cầu kì, tỉ mỉ biến tấm nguyên liệu vô tri thành bức tranh có hồn, sống động, tươi sáng, hiển lộ qua từng đường nét chạm khắc. Thế rồi, sản phẩm ngày càng lan tỏa, góp phần đưa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm và sản phẩm của nó nổi danh trong và ngoài nước, khiến khách hàng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp đặc sắc.
Trong vô số những sản phẩm đặc biệt ông chế tác, phải kể đến Đôi Kiếm thời nhà Nguyễn được chạm vào năm 2005, vinh dự được triển lãm ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, là sản phẩm tối ưu, đạt đến trình độ khắt khe nhất về thủ công mĩ nghệ và nét tinh hoa về thẩm mĩ.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Đinh Quang Thắng góp phần làm nổi danh vùng đất Tổ nghề trên quê hương Thái Bình.
Chạm bạc là một nghề kén người, nghệ nhân và thợ chạm bạc phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và tập trung trí lực. Có lẽ những đòi hỏi khắt khe và yêu cầu cao ấy đã hun đúc tâm hồn, phẩm chất quý báu, tạo nên tính cách điềm đạm, cẩn trọng trong doanh nhân Đinh Quang Thắng. Bao nhiêu năm làm nghề là bấy nhiều năm được trưởng dưỡng trong môi trường lao động cần sự rèn giũa tinh tế.
Nhiều trải nghiệm thăng trầm vất vả của đời người, sự nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, những kinh nghiệm quý được đúc kết, cùng sự trân trọng và nâng niu cuộc sống… đã trở thành khí chất kết tinh qua năm tháng rộng dài, được dồn tụ vào từng nét chạm trổ, từng tiểu tiết của chiếc lá, bông hoa, cánh chim… để trở nên sống động, có sắc thái biểu cảm, gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước, con người. Dù máy móc công nghệ phát triển, nhưng tinh tuý của nghề, cái hồn của sản phẩm máy móc không thể thay thế bầu nhiệt huyết của trái tim người làm nghề thủ công mĩ nghệ Đồng Xâm. Ông quan niệm việc gì cũng phải làm tốt nhất, từ đó ông ý thức làm sao để sản phẩm đạt chất lượng.
Với tâm huyết giữ “lửa nghề” trước mọi biến động của thị trường, giữ gìn giá trị cốt lõi, tinh hoa mà bao đời cha ông để lại, ông luôn trăn trở làm thế nào để truyền thừa cho thế hệ kế tiếp, kể cả những bí quyết gia truyền của ông cha. Làm sao để giữ nghề, với mong muốn nghề chạm bạc được khắc sâu trong kí ức thời gian và biến Đồng Xâm trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Hằng năm ông cùng với dân làng tổ chức ngày Hội làng nghề và suy tôn Tổ nghề chạm bạc.
Thời gian trôi qua, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm vẫn được giữ gìn và phát triển, góp phần vào bức tranh muôn sắc màu của các làng nghề truyền thống Việt Nam. Nhiều sản phẩm đa dạng, chắt chiu thành quả ngọt, làm giàu cho quê hương và làm đẹp cho đời. Rất nhiều sản phẩm được ông cung tiến cho di tích lịch sử-văn hoá ở một số tỉnh, thành phố. Không chỉ là nghệ nhân có “bàn tay vàng”, ông còn là một người con trọn tình vẹn nghĩa với xóm làng, một cựu chiến binh điển hình tiên tiến, một công dân ưu tú của địa phương.